Thoái vốn, cổ phần hóa tiếp tục kỳ vọng
Việc cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn năm 2018 chậm đã tạo sức ép rất lớn đến kế hoạch của năm 2019, kéo theo nguy cơ vỡ kế hoạch cả giai đoạn 2017-2020. Trong những cuộc họp gần đây, lãnh đạo Chính phủ đều nhấn mạnh về việc tháo gỡ khó khăn, để tiếp tục đẩy mạnh quá trình này.
Muôn kiểu vướng
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN mới đây, ông Nguyễn Hùng Dũng, thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, PVN sẽ thực hiện thoái vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng (PVComBank), nhưng tới thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo tiếp tục thực hiện việc tái cấu trúc, hỗ trợ PVComBank để hoạt động ổn định.
Hiện PVN đang nắm giữ 52% cổ phần tại PVComBank, tuy nhiên theo quy định tỷ lệ nắm giữ này không quá 15%. Vì vậy điều này đang làm khó cho PVN, bởi nếu không thoái vốn sẽ bị đánh giá “có vấn đề”, còn thoái vốn chưa thể thực hiện được.
Ở các đơn vị khác như CTCP Dầu khí Đông Dương, việc thoái vốn PVN cũng gặp khó khăn. Công ty này đã thực hiện thăm dò dầu khí ở Lào, tuy nhiên Chính phủ Lào đã không gia hạn hợp đồng, đã khiến PVN khó khăn trong triển khai các hoạt động liên quan. Hoặc các tổng CTCP như Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Xây lắp Dầu khí (PVC) cũng đang gặp nhiều khó khăn trong thoái vốn.
Bởi những tổng công ty này có nhiều công ty con, theo quy định của Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, các công ty cấp 2 (công ty con) không phải chịu sự điều tiết.
Trong CPH, thoái vốn còn tồn tại nhiều hạn chế như chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại, đã ảnh hưởng đến tiến độ và khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra. Cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra sai phạm và việc xử lý vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc. Một số bộ, ngành, địa phương, DNNN chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Đinh Tiến Dũng,
Bộ trưởng Bộ Tài chính
Do vậy Bộ Tài chính yêu cầu khi thoái vốn phải có ý kiến người đại diện phần vốn hoặc PVN chỉ đạo, và trong quá trình thực hiện việc thoái vốn, CPH, bán cổ phần ra bên ngoài theo quy định của Luật Chứng khoán DN hoạt động phải hiệu quả. Đây là điều khó, vì đối với trường hợp của PVC do DN này có các công ty liên doanh, liên kết hầu hết đều là những đơn vị khó khăn, tiềm ẩn mất vốn nhiều.
Tương tự là trường hợp của Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), PVN tiếp nhận từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy). Dù được PVN hỗ trợ nhiều nhưng do khối lượng công việc giảm, tổng mức đầu tư lớn nên DN hoạt động cầm chừng.
Vì thế, nếu tính đúng, tính đủ khấu hao sẽ lỗ. PVN đã trình đề án trong trường hợp nếu không thể tiếp tục hoạt động, không thể lựa chọn các đối tác khách hàng để bán bớt, chuyển giao, sẽ phải xin phá sản vì rất khó để duy trì hoạt động của đơn vị này. Trước đây tổng mức đầu tư của DQS khoảng 5.780 tỷ đồng, nhưng thực tế số tài sản đưa vào khai khác sử dụng chỉ hơn 2.000 tỷ đồng.
Câu chuyện khó khăn trong việc CPH, thoái vốn của PVN phần nào lý giải về khó khăn chung hiện nay khi sự chậm trễ diễn ra ở khá nhiều bộ ngành, địa phương. Thí dụ, tại TPHCM theo kế hoạch phải thực hiện CPH 39 DN, nhưng đến nay chưa triển khai được đơn vị nào. TP Hà Nội phải thực hiện CPH 14 DN nhưng cũng chưa triển khai được đơn vị nào.
Ngoài ra còn một số đơn vị chậm triển khai CPH theo kế hoạch như Thừa Thiên - Huế (0/3 đơn vị); Bộ Xây dựng (2/4 đơn vị); Bộ Công Thương (1/5 đơn vị); các tỉnh An Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Trị, Thái Nguyên, Tiền Giang vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt
Theo Công văn 991/TTg-ĐMDN (phê duyệt danh mục DNNN hoàn thành CPH theo từng năm giai đoạn 2017-2020), cả nước sẽ phải CPH 127 DN đến năm 2020. Trong đó, năm 2016 đã CPH 7 DN thuộc danh sách năm 2017; năm 2017 đã CPH 17 DN thuộc danh sách năm 2017; 11 tháng năm 2018 đã CPH 3 DN thuộc danh sách năm 2017 và chưa có DN nào thuộc danh sách 2018 theo kế hoạch tại Công văn 991. Trong khi đó, năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 DN, bao gồm 21 DN thuộc danh mục năm 2017 và 64 DN thuộc danh mục năm 2018.
Đẩy mạnh CPH, thoái vốn tại DNNN là phù hợp với quy luật phát triển của kinh tế thị trường và điều kiện thực tế của nước ta sau nhiều năm đổi mới. Tất nhiên, sau gần 20 năm chúng ta chưa làm được như yêu cầu, khoảng thời gian trước mắt cũng không hề đơn giản. Vì vậy cần có quyết tâm cao nhất của DN, của siêu ủy ban, quyết tâm của Chính phủ và sự đồng hành của các cơ quan liên quan, để thật sự tạo được bước đột phá trong thoái vốn, CPH DN
TS. Lưu Bích Hồ,
nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển
Theo Quyết định 1232, giai đoạn 2017-2020 thực hiện thoái 406 danh mục với khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các DN. Ngoài việc thực hiện thoái vốn theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị còn phải thực hiện thoái vốn đầu tư khỏi các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao; thoái vốn khỏi các ngành nghề không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính và thoái vốn theo phương án cơ cấu lại DN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Song từ 2016 đến tháng 11-2018, cả nước đã thoái được 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 đã thoái được 3.645 tỷ đồng, thu về 6.839 tỷ đồng; năm 2017 thoái được 9.046 tỷ đồng, thu về 138.327 tỷ đồng.
Những khoản này gồm thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), trong đó có 13 đơn vị thoái vốn theo kế hoạch tại Quyết định 1232 với giá trị thoái 1.417 tỷ đồng, thu về 2.678 tỷ đồng. Trong 11 tháng năm 2018 thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng, trong đó có 18 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch tại Quyết định 1232 với giá trị 1.308 tỷ đồng, thu về 2.511 tỷ đồng (2 đơn vị thuộc kế hoạch năm 2018 và 16 đơn vị thuộc kế hoạch năm 2017).
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), trong quá trình CPH, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước.
Một số DNNN chậm sửa đổi bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên nhiên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị DN để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Kỳ vọng từ “siêu ủy ban”
Năm 2019 có khá nhiều DN lớn đáng chú ý sẽ tiến hành CPH, trong đó có những DN theo kế hoạch phải hoàn thành việc CPH năm 2018. Đó là Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Phát điện 1 và 2, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam... với số vốn điều lệ đều trên chục ngàn tỷ đồng, đang làm ăn hiệu quả, hứa hẹn là những tâm điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong năm 2019.
Tính chung, đến nay cả nước mới CPH được 27/127 DN trong kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đạt tỷ lệ rất thấp 21%. Điểm được coi vướng mắc lớn hiện nay là bất cập của việc giá đất chưa có hướng dẫn cụ thể. Do vậy, cần phải có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể, không để các địa phương, công ty tư vấn áp dụng giá đất khác nhau.
Ông Bùi Phạm Khánh,
Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Cùng với đó, một số thương vụ thoái vốn lớn cũng sẽ được tiến hành, như bán 20% vốn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), 25% vốn tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, 35% vốn Tổng công ty Hàng không Việt Nam… Hoạt động thoái vốn nếu sôi động trở lại, cũng sẽ cải thiện tâm lý thị trường, tương tự như đã xảy ra vào đầu năm 2018 với các thương vụ lớn.
Tinh thần hành động của Chính phủ năm 2019 yêu cầu bứt phá. “Vậy năm 2019 bứt phá thế nào?” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi tại cuộc họp mới đây, và cho rằng năm 2019 sẽ rất nặng nề vì khối lượng công việc dở dang của 2018 đẩy sang. Tuy nhiên, chất lượng CPH, thoái vốn mới là quan trọng, không làm lấy được, tiến độ chỉ một phần.
Do đó phải xác định mục tiêu, nhiệm vụ lớn, kèm theo đó là định hướng giải pháp. Đặc biệt, năm 2019 phải ổn định sắp xếp đầu mối, quan hệ quản lý nhà nước của các bộ, ngành với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (siêu ủy ban).
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trên tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tối đa hóa lợi ích nhà nước, quyết liệt, công khai, minh bạch trong thực hiện, không quá coi trọng số lượng đồng thời xử lý trách nhiệm của cấp có thẩm quyền để chậm CPH, thoái vốn.