Năm 2018, giá trị bán từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đạt 21,6 nghìn tỷ đồng

PV.

Trong năm qua, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp, đôn đốc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thu đủ số cổ tức, lợi nhuận sau thuế, tiền bán vốn tại các doanh nghiệp theo Nghị quyết Quốc hội. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong năm 2018, tổng giá trị bán từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước là 21,6 nghìn tỷ đồng, thu về xấp xỉ 40 nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án, chính sách liên quan đến DNNN

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2018, Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và thúc đẩy tái cơ cấu, hoàn thành tiến độ cổ phần hóa các DNNN theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 sửa đổi, bổ sung về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN và 7 nghị định về điều lệ và tổ chức hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty (Dầu khí, Hóa chất, Điện lực, Than và Khoáng sản, Viễn thông quân đội, Đường sắt, Lương thực miền Bắc).

Trong năm qua, Bộ Tài chính cũng đã tích cực phối hợp, đôn đốc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, thu đủ số cổ tức, lợi nhuận sau thuế, tiền bán vốn tại các DN theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thu về xấp xỉ 40 nghìn tỷ đồng từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước

Thống kê cho thấy, trong năm 2018, mới có 19 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại (lũy kế đã có 35 DN được phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

Ngoài ra, 15/85 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 29,9 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15,54 nghìn tỷ đồng; 21 DN thực hiện bán cổ phần lần đầu với tổng giá trị bán đấu giá công khai là 13,8 nghìn tỷ đồng, thu về được 21,64 nghìn tỷ đồng.

Các DN đã thoái được 7,8 nghìn tỷ đồng, thu về 18,2 nghìn tỷ đồng, trong đó: thoái vốn nhà nước tại 18 đơn vị theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg là 1,3 nghìn tỷ đồng, thu về 2,5 nghìn tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái 6,5 nghìn tỷ đồng, thu về 15,7 nghìn tỷ đồng, trong đó SCIC thực hiện thoái vốn tại 9 DN với giá trị 2,76 nghìn tỷ đồng, thu về 10 nghìn tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2018, tổng giá trị bán (từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước) là 21,6 nghìn tỷ đồng, thu về xấp xỉ 40 nghìn tỷ đồng.

Mới đây, tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Cổ phần hóa ngay cả DN có hiệu quả, để thu hút vốn xã hội và nâng cao năng lực quản trị, góp phần chống tham nhũng. Cổ phần hóa phải gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán vì quá trình cổ phần hóa dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước, dễ tham nhũng. 

Đối với các DN có khả năng không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa do lý do khách quan, Thủ tướng yêu cầu cần kịp thời báo cáo Thủ tướng các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết. Đồng thời, phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn...

Tại Hội nghị tổng kết trực tuyến ngành Tài chính được tổ chức chiều 9/1/2019, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2019, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII). Theo đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa DNNN; Hoàn thiện các quy định về quản lý tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các quy định về phân phối lợi nhuận của DNNN, các quy định về quản lý, sử dụng tiền bán cổ phần, vốn góp của công ty mẹ tại các công ty con theo đúng quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Đồng thời, nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và công khai, minh bạch hoạt động của DN...