Thời của ngân hàng số

Theo Nhung Nguyễn/saigondautu.com.vn

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi cách thức sống, làm việc, thói quen tiêu dùng của con người vì công nghệ đang được ứng dụng vào mọi mặt của cuộc sống. Do đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam là xu hướng tất yếu.

Thời của ngân hàng số.
Thời của ngân hàng số.

Cạnh tranh sôi động

Các sản phẩm từ ngân hàng số có nhiều ưu điểm vượt trội so với dịch vụ ngân hàng truyền thống, giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, ngân hàng số có độ chính xác rất cao, nhanh chóng nên phục vụ tốt nhất cho khách hàng.

Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã chạy đua đầu tư cho ngân hàng số, thậm chí coi đó là sự sống còn, bởi đây là xu hướng phát triển tất yếu chứ không chỉ là trào lưu. Nhất là khi ngành ngân hàng còn có nhiệm vụ chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nên mức độ cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng đang và sẽ ngày càng sôi động.

Trong quá trình chuyển đổi số, các ngân hàng rất chú trọng đến sự trải nghiệm của người dùng nên đa số đều nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới nhằm thu hút khách hàng. Cụ thể, VietinBank có ứng dụng VietinBank iPay Mobile nâng cấp với 50 tính năng mới, mang đến cho khách hàng trải nghiệm thú vị về ngân hàng số. BIDV có Trung tâm ngân hàng số với các sản phẩm tiên tiến, hiện đại, hướng tới khách hàng và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ.

Vietcombank vừa trở thành ngân hàng đầu tiên kết nối trực tiếp với cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp các giải pháp thanh toán trực tuyến, trong đó phát triển cơ chế đăng nhập một lần Single Sign On (SSO) giữa cổng dịch vụ Internet Banking của ngân hàng, giúp khách hàng có trải nghiệm hoàn toàn mới và thuận tiện khi truy cập vào cổng sử dụng các dịch vụ công mức độ 4 để hoàn tất thanh toán trực tuyến qua ngân hàng.

Không chỉ các NHTM quốc doanh đầu tư vào ngân hàng số mà các NHTM tư nhân cũng đang tăng tốc chạy đua công nghệ đưa ra nhiều sản phẩm sáng tạo. Cụ thể, Nam A Bank đã trở thành NHTM đầu tiên ứng dụng công nghệ robot vào giao dịch nhằm tăng trải nghiệm của người dùng. Ngân hàng này còn đầu tư VTM OPBA - máy giao dịch ngân hàng tương tác bằng hình ảnh, tích hợp ATM, mọi nhu cầu tài chính của khách hàng sẽ được đáp ứng mọi lúc mọi nơi: rút tiền, in, xem sổ phụ tài khoản, phát hành thẻ mà không cần tới ngân hàng.

Mới đây, ABBank Mobile tiếp tục gia tăng dịch vụ để hướng tới dịch vụ hệ sinh thái đa tiện ích, bao gồm: đặt vé tàu, vé xe, phòng khách sạn, mua vé xem phim, bảo hiểm, nhận diện - xác thực bằng khuôn mặt và ứng dụng công nghệ bảo mật sinh trắc học. HDBank là ngân hàng đầu tiên tham gia kết nối và xử lý các giao dịch tài trợ thương mại trên nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain), giúp ngân hàng linh hoạt trong cung cấp sản phẩm dịch vụ cũng như đa dạng hóa các quan hệ đại lý.

Khách hàng cá nhân của Sacombank có thể mở thẻ tín dụng ngay trên ứng dụng di động Sacombank Pay và nhận được thẻ nhựa trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ khi duyệt cấp thẻ và 5 phút sau khi được duyệt cấp thẻ phi vật lý. Khách hàng có thể tra cứu và sử dụng thông tin thẻ trên Sacombank Pay để giao dịch thanh toán trực tuyến… SCB là ngân hàng đầu tiên triển khai gửi sổ tiết kiệm trực tuyến có tích hợp mã QR qua email và SMS cho các khách hàng gửi tiết kiệm online.

OCB cũng đã số hóa dịch vụ mở tài khoản, chỉ với 3 - 5 phút, khách hàng có thể mở tài khoản online và khách hàng có thể trải nghiệm ngay dịch vụ OCB Omni mà không cần phải đến chi nhánh OCB…

Với sự đầu tư lớn cho hạ tầng công nghệ, các NHTM sẽ còn cho ra mắt nhiều giải pháp ngân hàng số, trải nghiệm mới mẻ và tiện ích vượt trội hơn trong thời gian tới. 

 Cơ hội vàng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về Mobile Banking là 200% và hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300.000 tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động là những con số rất có ý nghĩa, nhưng so với quy mô của nền kinh tế thì lượng giao dịch như vậy là nhỏ. Và rào cản lớn nhất là người Việt Nam vẫn còn thói quen dùng tiền mặt để trao đổi, vì vậy vẫn cần cú hích lớn để thay đổi thói quen người dùng. 

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế nhưng lại là chất xúc tác để thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động xã hội trên không gian số. Các NHTM và doanh nghiệp tài chính cũng ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng thông qua các phương thức giao dịch trực tuyến.

Cụ thể, BIDV cho biết, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, khách hàng của BIDV đã sử dụng đến 1.300 loại giao dịch thanh toán, chiếm 85% tổng giao dịch qua các kênh điện tử, xử lý bình quân 15,5 triệu giao dịch/tháng với tổng giá trị 11.000 tỷ đồng. Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng cho biết, thanh toán điện tử trong quý 1-2020 đã tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019. 

Số liệu từ NHNN cũng cho thấy, giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng trên 21%. Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị.

Đáng lưu ý, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 20 ngày đầu tháng 4-2020 tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.

Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội vàng để các ngân hàng áp dụng  giải pháp công nghệ đẩy mạnh các giao dịch online, tạo cơ hội cho lĩnh vực thanh toán điện tử và sử dụng dịch vụ ngân hàng số, tiến tới một nền kinh tế không dùng tiền mặt. 

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), để có thể phát triển ngân hàng số, trong thời gian tới, phải đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng. Bên cạnh đó, phải làm sao để khách hàng thỏa mãn với các sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp; đồng thời  cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý và chú trọng nâng cao hiểu biết, kỹ năng sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính cho người dùng.

Theo ông Dũng, dự kiến tháng 6-2020, NHNN sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 101/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý. Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số toàn diện.

Theo NHNN, hiện nay, 94% NHTM bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số; trong đó, 59% NHTM bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế. Chỉ có 6% NHTM hiện chưa tính đến việc xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tổng thể. Phần lớn các NHTM Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về kênh giao tiếp và quy trình, chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được nghiên cứu, triển khai tại một số NHTM tiên phong.

Nhìn vào bức tranh ngân hàng số của Việt Nam cho thấy, các NHTM đã có nhiều mô hình mới, như ngân hàng di động, ngân hàng online… Việc ứng dụng các công nghệ vào hoạt động ngân hàng cũng gia tăng, do đó, đòi hỏi hệ thống chính sách cần kịp thời và phù hợp để các đơn vị phát triển dịch vụ ngân hàng số có cơ sở xây dựng, triển khai các dịch vụ có mức độ số hóa cao. Theo các chuyên gia trong ngành, Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn tồn tại nhiều vướng mắc về mặt pháp lý. Do đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hạ tầng, công nghệ cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán điện tử để đáp ứng nhu cầu phát triển và phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.