Thanh toán không tiền mặt “đẩy” số hoá ngân hàng
Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhận thức, tư duy và hành động của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam đối với việc giao dịch trên nền tảng số. Và đây là một trong những điều kiện quyết định tới sự thành công của việc chuyển đổi số trong các nhà băng, khi có sự hợp tác của người dùng.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 654/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025 như: 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hoá và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%...
Ngày 26/5/2020 Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam. Trong đó, yêu cầu NHNN khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định về TTKDTM trước ngày 1/7/2020; tiếp tục nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện TTKDTM. NHNN chỉ đạo hoàn thành xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH), chính thức đưa vào vận hành, triển khai dịch vụ hoàn thành trước ngày 15/12/2020…
Những mục tiêu trên đòi hỏi sự quyết tâm của nhiều doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng trong đẩy mạnh số hoá, thúc đẩy TTKDTM. Thời gian tới, NHNN sẽ xây dựng, ban hành chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán số.
Thông tin tại họp báo “Ngày không tiền mặt” năm 2020, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong ba tháng đầu năm 2020 tăng trên 21% so với cùng kỳ 2019. Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong 20 ngày đầu tháng 4/2020, giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.
Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhận thức, tư duy và hành động của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam đối với việc giao dịch trên nền tảng số. Và đây là một trong những điều kiện quyết định tới sự thành công của việc chuyển đổi số trong các nhà băng, khi có sự hợp tác của người dùng. Ông Trần Hoài Nam - Giám đốc ngân hàng số của TPBank nhận thấy, chuyển đổi số thì tư duy là yếu tố cực kỳ quan trọng vì có thể khiến thay đổi cả cơ cấu tổ chức hay cách thức vận hành của cả một ngân hàng.
Theo lãnh đạo Vietcombank, việc số hoá không chỉ dừng lại ở triển khai các dịch vụ ngân hàng trực tuyến hoặc di động, mà phải đảm bảo ứng dụng được các công nghệ hiện đại ở tất cả các cấp độ tác nghiệp và trên tất cả các nền tảng cung cấp sản phẩm, dịch vụ hay nói hình tượng là “số hoá là biến tất cả những gì có thể nhìn thấy thành không nhìn thấy…”. Theo đó, các chức năng hỗ trợ hoat động trong các ngân hàng như quản trị rủi ro, quản lý nợ có, phát triển sản phẩm, tiếp thị quan hệ công chúng đều phải được hoạt động trên cơ sở số hoá để biến một ngân hàng truyền thống trở thành ngân hàng số thực sự.
Chuyên gia nhận định, với việc ứng dụng các thành tựu công nghệ, các sản phẩm cung cấp bởi ngân hàng số sẽ có sự khác biệt so với ngân hàng truyền thống. Như mới đây, HDBank vừa ký kết hợp tác với TradeAssets và là nhà băng đầu tiên tham gia kết nối và xử lý các giao dịch tài trợ thương mại trên nền tảng ứng dụng blockchain, giúp ngân hàng linh hoạt trong cung cấp sản phẩm dịch vụ cũng như đa dạng hoá các quan hệ đại lý.
Ngân hàng tự động TPBank LiveBank cũng vừa chính thức cập nhật thêm tính năng nhận diện khuôn mặt. Theo đó, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, chỉ mất chưa đầy 3 giây, TPBank LiveBank đã có thể nhận diện được chính xác thông tin của khách hàng và cũng chỉ mất chưa tới 1 phút cho các giao dịch còn lại mà không cần mang theo thẻ hay giấy tờ tùy thân. Hiện nay, khách hàng cá nhân có thể thực hiện mở thẻ tín dụng Sacombank ngay trên ứng dụng di động Sacombank Pay và sẽ nhận được thẻ nhựa trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi duyệt cấp thẻ và 5 phút sau khi được duyệt cấp thẻ phi vật lý, khách hàng có thể tra cứu và sử dụng thông tin thẻ trên Sacombank Pay để giao dịch thanh toán trực tuyến…
Chính vì những sự khác biệt sẽ ngày càng tăng lên trong thời gian tới trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đòi hỏi hệ thống chính sách cần kịp thời và phù hợp để các đơn vị phát triển dịch vụ ngân hàng số có cơ sở xây dựng, triển khai các dịch vụ có mức độ số hoá cao. Thêm nữa, ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng cũng đồng nghĩa với đầu tư tương xứng về tài chính. “NHNN cũng như các cơ quan liên quan nên nghiên cứu, xem xét có cơ chế đặc thù cho các dự án số hoá từ giai đoạn nghiên cứu đến quá trình thử nghiệm, triển khai…”, chuyên gia nêu quan điểm.