Thời kỳ thoái trào của Apple?
Apple đã trải qua năm 2018 không mấy vui vẻ, và những ngày đầu năm mới này tin tức tiêu cực lại tiếp tục xuất hiện, khiến tương lai của gã khổng lồ công nghệ này ngày càng trở nên mờ mịt.
Trong phiên giao dịch ngày 3/1/2019, cổ phiếu Apple đã lao dốc đến 10%, đánh dấu ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 24/1/2013 cho đến nay, khi vào cuối ngày thứ 4 Hãng sản xuất điện thoại iPhone nổi tiếng này đã thông báo cắt giảm dự báo doanh thu hằng quý lần đầu tiên sau hơn 15 năm.
Ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã kêu gọi nhân viên sử dụng các sản phẩm của Huawei và tẩy chay điện thoại iPhone.
Trong khi đó, mặc dù các sản phẩm của Apple sản xuất tại Trung Quốc nhập vào Mỹ chưa bị đánh thuế, nhưng không loại trừ khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đánh thuế lên tất cả các mặt hàng từ Trung Quốc nhập vào Mỹ, như lời đe dọa của ông.
Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu của Apple đã giảm đến 40% từ đỉnh cao 232 USD/CP đạt được vào ngày 3/10/2018, và nhiều nhà đầu tư giá trị đang kêu gọi mua vào với mức giá rẻ như hiện nay để chờ đợi giá phục hồi. Tuy nhiên, với doanh thu đang chững lại, trong khi người tiêu dùng Mỹ ngày càng hạn chế chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ như iPhone, cộng thêm cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết thì thật khó để kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của Apple trong năm nay.
Apple không chỉ gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc, mà trong bối cảnh thị trường điện thoại di động thông minh (smartphone) trên toàn cầu đã ở mức bão hòa, khi hầu như ai cũng đã có ít nhất một chiếc smartphone, thì thật khó để doanh số bán hàng ở lĩnh vực này tiếp tục tăng vượt trội như những năm vừa qua.
Giới phân tích cũng cho rằng trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt trở lại, kinh tế toàn cầu giảm tốc, đặc biệt khủng hoảng tại một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, thu nhập người dân bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến hạn chế chi tiêu, thì doanh số bán iPhone sẽ khó có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng cao như thời gian qua, thậm chí hãng này có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng.
Thực tế là doanh số bán bộ 3 sản phẩm iPhone mới ra mắt vào cuối năm 2018 là XS, XS Max và XR của hãng này đã không như kỳ vọng, dẫn đến phải thu hẹp sản xuất.
Để phòng ngừa cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể leo thang, ảnh hưởng đến hoạt động của Apple tại Trung Quốc trước những nguy cơ trả đũa lẫn nhau, gần đây Apple và Foxconn bắt đầu chuyển dần nhà máy lắp ráp iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ, và dự kiến sẽ mở rộng hoạt động ngay từ đầu năm nay.
Dù vậy, hãng này có thể cần một thời gian để ổn định sản xuất tại thị trường mới. Trong khi đó, những thống kê thời gian qua cho thấy doanh số bán hàng của Apple tại thị trường Ấn Độ chưa bao giờ là điểm sáng, khi thị phần của hãng này tại quốc gia đông dân thứ ba thế giới là khá khiêm tốn, thua xa các hãng sản xuất khác như Xiaomi và Samsung.