Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012

PV.

(Tài chính) Chiều 29/11/2012, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ thông báo một số nội dung quan trọng của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Minh trả lời một số vấn đề về quy định công bố công khai thông tin NSNN
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Minh trả lời một số vấn đề về quy định công bố công khai thông tin NSNN
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp báo. Cùng tham dự họp báo có lãnh đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2012 của Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực, các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả.

Tốc độ tăng CPI tiếp tục giảm mạnh từ mức 2,2% trong tháng 9 (cao nhất kể từ đầu năm) xuống còn 0,85% trong tháng 10 và 0,47% trong tháng 11.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 6,52% so với tháng 12/2011 và tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước. Dự báo cả năm CPI tăng khoảng 7,5%.

Lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 10 -13%/năm; lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 12-15%/năm. Tỷ giá giao dịch VND/USD trên thị trường cơ bản ổn định.

Tổng phương tiện thanh toán (M2) đến 20/11/2012 ước tăng 15,33% so với tháng 12/2011. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 15,98%. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác) ước tăng 4,15% so với cuối năm 2011.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực qua từng tháng, chỉ số tồn kho giảm dần và thấp hơn nhiều so với đầu năm (Từ mức 34,9% tại thời điểm 01/3, xuống lần lượt 32,1%; 29,4%; 26%; 21%; 20,8%; 20,4% và 20,3% vào 01/10/2012). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 11 tháng đầu năm tăng 4,6%.

Mặc dù chịu nhiều thiệt hại do bão số 8, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn đạt khá. Tính đến ngày 15/11/2012, cả nước đã thu hoạch 1.411,2 nghìn ha, bằng 99,7% so với cùng kỳ; riêng các tỉnh miền Bắc đã thu hoạch 1.110,6 nghìn ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa mùa vùng Đồng bằng sông Hồng ước tăng khoảng 0,9 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Các tỉnh miền Nam đã gieo sạ được 218,1 nghìn ha, bằng 90,3% so với cùng kỳ năm 2011.  

Khó khăn trong chăn nuôi đang từng bước được khắc phục; tình hình nhập lậu gia cầm đã cơ bản được kiểm soát (Theo kết quả sơ bộ, tại thời điểm 01/10/2012, cả nước hiện có 2,6 triệu con trâu, bằng 96,9%; 5,2 triệu con bò, bằng 95,5%; 26,5 triệu con lợn, bằng 97,9%; 308,3 triệu con gia cầm, bằng 95,6% so với cùng kỳ năm trước) .

Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng đầu năm ước đạt gần 2.118 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2011.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 10,2 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng 10; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,25 tỷ USD, tăng 0,8%; nhập siêu 50 triệu USD. Tính chung 11 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 104 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 103,98 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 11 tháng đầu năm ước khoảng 14 triệu USD, bằng 0,01% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tính đến 15/11/2012, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 593,42 nghìn tỷ đồng, bằng 80,1% dự toán (cùng kỳ năm 2011 đạt 98,5%; 2010 đạt 98,7%). Trong đó: thu nội địa ước đạt 76,9% dự toán (cùng kỳ năm 2011 đạt 94%; 2010 đạt 96%); thu từ dầu thô đạt 114,3% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,9% dự toán (cùng kỳ năm 2011 đạt 95,2%; 2010 đạt 113,4%).

Tổng chi ngân sách nhà nước tính đến 15/11/2012 ước đạt trên 747,2 nghìn tỷ đồng, bằng 82,7% dự toán (cùng kỳ năm 2011 đạt 88,1%; năm 2010 đạt 88,7%).

Từ ngày 20/10 đến ngày 20/11/2012, cả nước có gần 5,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 25,5 nghìn tỷ đồng. Có khoảng 5,87 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể, tăng 6,6% so với tháng trước.

An sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm. Trong 11 tháng đầu năm 2012, cả nước ước tạo việc làm trên 1,39 triệu lao động, đạt 86,9% kế hoạch năm. Trong đó xuất khẩu lao động khoảng 72,5 nghìn người, đạt 85% kế hoạch năm.

Tai nạn giao thông giảm khá mạnh. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 19,8%, số người chết giảm 15,5% và số người bị thương giảm 24,4%.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại thu được nhiều kết quả quan trọng.

Bên cạnh những kết quả khả quan nêu trên, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, còn tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao trở lại. Tín dụng tiếp tục tăng trưởng ở mức thấp; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chậm được xử lý; việc triển khai cơ cấu lại một số ngân hàng yếu kém còn chậm. Thu - chi ngân sách nhà nước đạt thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI; nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất giảm. Sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giảm quy mô, ngừng hoạt động, giải thể còn lớn. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; tồn kho còn ở mức cao; sức mua của thị trường trong nước thấp. Sản xuất nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn gặp nhiều khó khăn.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong tháng 12 và cả năm 2012, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì được mức tăng trưởng hợp lý tạo đà cho năm bản lề 2013, trong đó tập trung vào một số giải pháp:

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô; xem xét việc áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng không để lạm phát tăng trở lại. Tăng cường dự trữ ngoại tệ, đáp ứng kịp thời nhu về ngoại tệ phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhân dân trong dịp cuối năm.

Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng yếu kém, khắc phục tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống; thực hiện các giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu nhằm góp phần ổn định, bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống ngân hàng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân, tăng tổng cầu nền kinh tế.

Rà soát các khoản thu, tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước ; quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hạn chế bổ sung nhiệm vụ chi ngoài kế hoạch. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra bảo đảm hiệu quả trong đầu tư công.

Rà soát, kiểm tra các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; đối thoại với doanh nghiệp nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, đồng thời, rà soát lại tình hình tồn kho, đề xuất giải pháp, cơ chế, phù hợp để hỗ trợ tiêu thụ, xử lý hàng tồn kho.

Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở nhằm vừa bảo đảm cuộc sống của người dân vừa tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và đẩy mạnh việc tiêu thụ nhóm hàng vật liệu xây dựng tồn đọng.

Phối hợp chặt chẽ trong quản lý, điều hành thị trường, giá cả; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng; chống gian lận hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm và công khai các hành vi đầu cơ trục lợi, găm hàng, đẩy giá. Kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; thúc đẩy xuất khẩu, duy trì đà tăng trưởng cao của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo về thị trường thế giới.

Triển khai các chương trình khuyến mại, kích thích tiêu dùng trong dịp Tết và đầu năm mới. Chú trọng thông tin tuyên truyền thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; quan tâm, động viên thăm hỏi cả vật chất và tinh thần tới các gia đình chính sách, người có công, người nghèo, lao động mất việc làm, người dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo,... hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Triển khai các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn giao thông và trật tự xã hội trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán

Tăng cường việc cung cấp thông tin, giải thích, hướng dẫn chính sách để người dân hiểu đúng, đầy đủ, đồng thuận trong thực hiện các chủ trương, chính sách được ban hành.