Thông cơ chế PPP để gỡ tắc cho vốn tư nhân chảy mạnh vào nền kinh tế

Hữu Hòe

Những chuyển động về chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, cũng như cơ chế đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang được kỳ vọng sẽ tạo ra “lực hút mạnh” dòng vốn tư nhân chảy vào nền kinh tế.

Rất nhiều tư tưởng đột phá tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Điều này cùng với việc Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội đặt mục tiêu thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo theo phân công của Chính phủ, đang mang lại những chuyển động đáng chú ý trong việc tạo “lực hút” dòng vốn từ khu vực kinh tế tư nhân chảy vào nền kinh tế.

Riêng nội dung về Luật PPP trong dự thảo Luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính, Chính phủ trình Quốc hội nhiều nội dung nhằm cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính như: không bắt buộc thành lập Hội đồng thẩm định đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của bộ, HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh, thay vào đó giao một cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức thẩm định; lược bỏ một số nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo thẩm định dự án PPP; giản lược quy trình thực hiện dự án PPP theo từng nhóm dự án; quy định quy trình riêng đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ…

Những bước chuyển động về chủ trương, chính sách trên đang mang lại những tác động bước đầu trong nỗ lực tạo ra “lực hút mạnh” với dòng vốn tư nhân chảy vào nền kinh tế thông qua cơ chế PPP.

Theo đó, ngày 12/5, tại Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP. Tuyến cao tốc này có tổng mức đầu tư (bao gồm cả lãi vay) gần 20.000 tỷ đồng, có chiều dài khoảng 60,9km. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2027, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2028.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP. Ảnh: VGP

Theo kết quả lựa chọn nhà đầu tư được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt ngày 29/4/2025, Nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Tập đoàn Geleximco CTCP, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, CTCP Thương mại và Xây dựng Nam Sơn, CTCP Đầu tư và Xây dựng hạ tầng Hoàng Cầu.

Ở một góc độ chuyển động khác, ngày 14/5/2025, CTCP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed (VinSpeed) đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.562 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng. Trong đó, VinSpeed chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, 80% số còn lại, VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.

Trên cơ sở đăng ký trên của VinSpeed, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa chủ trì cuộc họp ngày 12/5 liên quan đến đề xuất đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do CTCP Vinspeed đăng ký đầu tư.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cho biết các bộ, cơ quan có ý kiến ban đầu là cơ bản ủng hộ đối với đề xuất của Công ty Vinspeed về việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ lưu ý việc đề xuất chuyển hình thức đầu tư và đề xuất áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai dự án cần phải báo cáo cấp có thẩm quyền và thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu Vinspeed chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ phương án đầu tư, lập bản so sánh giữa 2 phương án đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân, trong đó làm rõ tính khả thi, tiến độ hoàn thành, hiệu quả đầu tư..., từ đó chứng minh những ưu điểm khi tư nhân đầu tư: nhanh hơn, rẻ hơn, hiệu quả hơn.

Theo Bộ Tài chính, qua hơn 4 năm thực hiện Luật PPP, có khoảng hơn 40 dự án được triển khai theo quy định của Luật này và đều là những dự án hạ tầng trọng điểm của quốc gia, địa phương.

Để đảm bảo khẩn trương triển khai các nội dung của dự thảo Luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính nhanh chóng đi vào cuộc sống ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đang chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng các văn bản dưới luật.

Cụ thể, đối với cơ chế PPP, Bộ Tài chính giao Cục Quản lý đấu thầu khẩn trương xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư về thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao.