Đánh giá công nghệ y tế (HTA):

Bảo đảm quản lý hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế

Theo Minh Nhật/daibieunhandan.vn

Tại Hội thảo “Đánh giá công nghệ y tế cho các cán bộ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam” do BHXH Việt Nam vừa tổ chức, không ít ý kiến cho rằng, đánh giá công nghệ y tế có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng chính sách, giúp quản lý hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Mặc dù vậy, đây vẫn là lĩnh vực mới, phức tạp và khó khăn trong bối cảnh năng lực thực hiện ở nước ta còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ

Theo Trưởng khoa Kinh tế Y tế, Viện Chiến lược và Chính sách y tế Nguyễn Khánh Phương, đánh giá công nghệ y tế là việc đánh giá đầy đủ về tính chất, đặc điểm, tác động, hiệu quả của các công nghệ can thiệp, áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Bao gồm đánh giá trực tiếp và gián tiếp tác động mong muốn và không mong muốn của công nghệ cũng như các can thiệp y tế khác.

“Trong bối cảnh Việt Nam đang cam kết thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân dựa trên BHYT, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao do mô hình bệnh tật chuyển đổi, già hoá dân số; sự phát triển về công nghệ với ngày càng nhiều thuốc, kỹ thuật đắt tiền; sự hạn chế về nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả, sẽ tạo áp lực cho cơ quan quản lý quỹ BHYT và cơ quan hoạch định chính sách. Vì vậy, cần phải đánh giá công nghệ y tế để có bằng chứng báo cáo hiệu quả chi phí thuốc trong xây dựng chính sách y tế và quản lý quỹ BHYT hiệu quả” - ông Nguyễn Khánh Phương chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm đó, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, mục tiêu chính của đánh giá công nghệ y tế là giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định lựa chọn và triển khai các công nghệ y tế, can thiệp y tế phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Đồng thời, đây cũng là công cụ quan trọng xác định thứ tự ưu tiên và phân bổ nguồn lực y tế, quyết định các công nghệ nào được BHYT thanh toán.

Với những ý nghĩa quan trọng đó, từ năm 2014, Viện Chiến lược và Chính sách y tế đã chủ động xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế trong xây dựng kế hoạch thực hiện đánh giá công nghệ y tế; kết nối, xây dựng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức y tế trong đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật phát triển hoạt động này. Sau 5 năm triển khai, nhận thức về vai trò của đánh giá công nghệ y tế được cải thiện; bước đầu xây dựng Bản kế hoạch phát triển với phân công trách nhiệm rõ ràng. Đồng thời có được bộ tiêu chí lựa chọn chủ đề; thiết lập và củng cố được mạng lưới và đội ngũ thực hiện; xây dựng bản hướng dẫn quy trình thực hiện với các mức độ khác nhau cho 21 thuốc, dịch vụ.

Chưa đáp ứng được yêu cầu

Quan trọng là vậy nhưng theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động đánh giá công nghệ y tế vẫn là lĩnh vực mới, phức tạp và khó khăn; năng lực thực hiện còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng Hoàng Văn Minh cho hay, lĩnh vực đánh giá công nghệ y tế rất rộng bao gồm, thuốc, vaccine, thiết bị y tế, can thiệp ngoại khoa, mô hình tổ chức mạng lưới y tế, can thiệp y tế công cộng, can thiệp lâm sàng. Song, hiện nước ta mới đánh giá kinh tế dược là chính, tập trung ở 3 yếu tố là chi phí, hiệu quả, so sánh về chi phí và hiệu quả giữa các phương án.

“Những nỗ lực trước đó trong việc triển khai đánh giá công nghệ y tế vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi do hạn chế về năng lực và thiếu hụt các kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật, nhất là hiện vẫn chưa có quy trình hay tổ chức độc lập nào tại Việt Nam” - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, BHXH Việt Nam Nguyễn Khang chia sẻ.

Thực tế, hoạt động đánh giá công nghệ y tế thời gian qua chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dược, tuy nhiên việc đánh giá tác động từng loại thuốc lên quỹ BHYT vẫn chưa thống nhất, thiếu thông tin dữ liệu, khó đánh giá được độ tin cậy bởi thiếu mạng lưới chuyên gia độc lập. Từ đó dẫn tới chi phí về thuốc vẫn đang là gánh nặng trong khám, chữa bệnh BHYT.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, nếu như năm 2010 chi phí khám, chữa bệnh BHYT khoảng 18,681 nghìn tỷ đồng thì chi phí thuốc BHYT là 11,5 nghìn tỷ đồng chiếm 61,60%; đến năm 2016 chi phí khám, chữa bệnh BHYT tăng lên 76.34 nghìn tỷ đồng thì chi phí thuốc là 31.3 nghìn tỷ đồng, chiếm 41% và năm 2017 chi phí khám, chữa bệnh BHYT là 97.1 nghìn tỷ đồng thì trong đó chi phí thuốc là 34.98 nghìn tỷ đồng, chiếm 34%.

Đáng nói là một số thuốc tại Việt Nam được sử dụng chưa hợp lý, hiệu quả điều trị cũng thiếu rõ ràng; hệ thống thông tin còn hạn chế, việc tra cứu, sử dụng còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với những khó khăn về nguồn nhân lực, thiếu đơn vị độc lập thì việc chưa có chính sách cụ thể, văn bản quy phạm pháp luật đề cập tới lĩnh vực này, chưa có thang điểm cụ thể cho các nghiên cứu, cũng khiến công tác đánh giá công nghệ y tế ở nước ta còn gặp nhiều hạn chế. Đáng nói là nhận thức ở một số nơi cũng đầy đủ về vai trò của đánh giá công nghệ y tế trong chăm sóc sức khỏe; việc bố trí nguồn tài chính cho hoạt động mới và phức tạp này còn chưa phù hợp.