Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022):
Thống nhất quản lý tài chính Nhà nước, bảo đảm cung cấp cho các chiến dịch lớn
Trước năm 1951, tài chính rất phân tán, "các địa phương, các ngành còn phải lo liệu tự túc, phải tự xoay xở lấy một phần kinh phí. Các món thu cho quỹ địa phương chồng lên các món thu cho ngân sách toàn quốc. Như thế đã phiền cho dân mà lại thiệt cho ngân sách toàn quốc vì phần lớn các khoản chi tiêu do ngân sách toàn quốc đài thọ. Vì vậy việc thống nhất quản lý thu chi tài chính phải được thực hiện một cách gấp rút". Nội dung của chính sách thống nhất quản lý, thu chi tài chính là: các khoản thu đều do Chính phủ quy định và tập trung, thống nhất quản lý để việc đóng góp của nhân dân được công bằng, hợp lý hơn, khả năng của công quỹ được dồi dào thêm. Mặt khác lại chấm dứt được việc địa phương đặt ra nhiều khoản đóng góp lặt vặt chồng chất lên thuế của Trung ương, có khi huy động quá khả năng của nhân dân.
Tăng thu theo chính sách thuế mới
Để tăng thu Nhà nước ban hành chính sách thuế mới, công bằng hợp lý, thích hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội và điều kiện chiến tranh.
Công bằng là mỗi người dân đều có nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước, nhưng không phải là đóng góp ngang nhau một cách bình quân. Trái lại người thu nhập nhiều thì đóng góp nhiều, thu nhập ít thì đóng góp ít, không có thu nhập thì được miễn.
Hợp lý là tùy theo nguồn thu nhập của mỗi người mà định số thuế phải đóng góp. Không huy động quá mức để mức thuế gây trở ngại cho công việc làm ăn hoặc đời sống của nhân dân nhưng cũng không huy động dưới mức để ảnh hưởng đến việc cung cấp cho tiền tuyến và đến công bằng xã hội.
Chính sách thuế mới nhằm khuyến khích mọi người ra sức tăng gia sản xuất, làm ra nhiều của cải, nâng cao đời sống, có lợi cho bản thân, cho kháng chiến, cho nền kinh tế chung. Chính sách thuế thống nhất gồm 7 thứ thuế là: Thuế nông nghiệp; Thuế công thương nghiệp; Thuế hàng hóa; Thuế xuất nhập khẩu; Thuế sát sinh; Thuế trước bạ; Thuế tem.
Ngoài bẩy thứ thuế nói trên, không địa phương nào được bắt nhân dân đóng góp một thứ thuế nào khác. Việc mua thóc định giá cũng được bãi bỏ. Mọi hình thức quyên góp, bổ bán ở nông thôn đều bị cấm chỉ, trừ trường hợp nhân dân tự nguyện đóng góp để úy lạo bộ đội, góp quỹ nghĩa thương và cứu tế tai nạn.
Việc tăng, giảm mức thu, loại thuế, suất thuế... đều do chính phủ Trung ương quy định. Trong chính sách tài chính mới, thuế nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Sắc lệnh đặt ra thuế nông nghiệp quy định rõ: "Để đảm bảo cung cấp cho nhu cầu kháng chiến, phát triển sản xuất nông nghiệp thống nhất và đơn giản chế độ đảm phụ cho dân, thực hiện đóng góp công bằng, kể từ vụ thuế 1951.
1. Bãi bỏ các thứ đóng góp về nông nghiệp cho ngân sách toàn quốc và quỹ địa phương như thuế điền thổ, thuế công lương, quỹ sương túc, thóc bình dân học vụ, thóc nuôi bộ đội địa phương, thóc nộp cho quỹ xã, thóc đắp đường.
2. Bãi bỏ việc mua thóc định giá.
3. Đặt ra thuế nông nghiệp, thu bằng thóc, tính theo hoa lợi thu hoạch bình thường hằng năm của ruộng đất. Thuế nông nghiệp do người thu hoa lợi nộp.
Đi đôi với việc cải tổ chính sách thuế Nhà nước còn ra chế độ quản lý chặt chẽ các khoản thu khác như chiến lợi phẩm, vật tư, tài sản ở những đô thị mới giải phóng để tập trung vào ngân sách Nhà nước, tránh sử dụng lãng phí hoặc tham ô. Chế độ quản lý và thu đối với các xí nghiệp quốc doanh đầu tiên: ngân hàng, mậu dịch và một số cơ quan sự nghiệp như bưu điện, thủy lâm có nguồn thu phải nộp vào ngân sách cũng được hình thành từ năm 1951. Song song với chính sách tăng thu, Nhà nước kiên quyết thi hành chính sách giảm chi, chính sách tiết kiệm, tích cực, triệt để. Khoản chi lớn nhất lúc ấy là chi để trả lương cho công nhân, viên chức, bộ đội nên muốn giảm chi, muốn tiết kiệm phải đi sâu nghiên cứu vấn đề tổ chức bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, vấn đề biên chế. Bộ máy Nhà nước lúc đó chưa hợp lý, người nhiều, việc ít, tổ chức cồng kềnh, hiệu suất thấp, lãng phí sức người, sức của không tập trung được cho nhu cầu tiền tuyến.
Chính sách tài chính mới trên đây đã được toàn Đảng toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng và tích cực thực hiện. Quá trình thực hiện chính sách kinh tế tài chính này là một quá trình phấn đấu gay go, phức tạp nhưng kết quả thu được rất to lớn. Công tác thuế nông nghiệp được đặt thành công tác trung tâm của cả nước trong năm 1951. Đây là một công tác hoàn toàn mới mẻ, có tính chất chính trị, kinh tế, xã hội, phức tạp. Muốn thực hiện được chính sách ấy phải làm thế nào biến chính sách của Đảng và Nhà nước thành chính sách của nhân dân để toàn thể nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện. Một mặt phải tập trung lực lượng của tất cả mọi tổ chức Đảng, chính, dân... làm cho cán bộ thông suốt tư tưởng và nắm vững chính sách để xuống nông thôn vận động quần chúng, dựa vào quần chúng mà thi hành chính sách.
Mặt khác phải tìm ra một phương pháp thực hiện đơn giản dễ hiểu, dễ làm, để nắm được trong một thời gian ngắn những cơ sở cần thiết cho việc đánh thuế: diện tích, sản lượng, nhân khẩu... Phương pháp này là"dân chủ bình nghị" được áp dụng cả trong công tác thuế công thương nghiệp. Dân chủ bình nghị là dựa vào quần chúng để nắm tình hình, kết hợp chặt chẽ sự điều tra nghiên cứu của cán bộ với ý kiến đóng góp và sự kiểm tra của nhân dân. Vì cần phải chuẩn bị chu đáo nên thuế nông nghiệp không thể thực hiện ngay từ vụ chiêm năm 1951 mà phải làm công tác tạm vay ở các địa phương từ Liên khu 4 trở ra...
Rút kinh nghiệm công tác tạm vay, các địa phương chuẩn bị tốt hơn công tác thuế nông nghiệp vụ mùa năm 1951 nên thuế đã thu được kết quả tốt, vượt xa mức thuế điền thổ năm 1950. Nhờ số thóc và số tiền quan trọng mà thuế nông nghiệp mang lại Nhà nước đã giải quyết dễ dàng hơn vấn đề cung cấp cho tiền tuyến. Chiến thắng Hòa Bình và đồng bằng Bắc Bộ thời kỳ 1951 - 1952 đã chứng tỏ ảnh hưởng trực tiếp của thuế nông nghiệp với công cuộc kháng chiến.
Về kinh tế, thuế nông nghiệp góp phần thúc đẩy tăng gia sản xuất, gây thêm đà phấn khởi làm vụ mùa thắng lợi năm 1951 và vụ chiêm năm 1952. Về chính trị xã hội thì quá trình thực hiện thuế nông nghiệp là một quá trình đấu tranh giai cấp gay gắt ở nông thôn. Một mặt phải đấu tranh chống bọn địa chủ, cường hào và tay sai của địch phản tuyên truyền, chống đối chính sách, khai man, lậu thuế chây ỳ không nộp thuế... Mặt khác trong nội bộ nhân dân phải đấu tranh chống tư tưởng bảo thủ, tự tư, tự lợi, làm sai chính sách, hoặc bản vị cục bộ địa phương chủ nghĩa, không chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước...
Chấn chỉnh chi tiêu, thống nhất quản lý thu chi
Đi đôi với tăng thu cần phải chấn chỉnh công việc chi tiêu, thực hiện chế độ thống nhất quản lý thu chi tài chính Nhà nước. Công tác mấu chốt, có hiệu quả thiết thực là chỉnh đốn biên chế, đặt ra điều lệ biên chế thống nhất để các ngành và các địa phương có căn cứ sắp xếp lại bộ máy, bố trí lại cán bộ, nhân viên.
Sau một thời gian thực hiện, khoảng 40% công nhân viên chức được chuyển sang sản xuất hoặc vào quân đội. Làm cho bộ máy Nhà nước được gọn, nhẹ, có hiệu suất cao hơn. Việc quy định tiêu chuẩn cung cấp cũng được xúc tiến nhằm bảo đảm sinh hoạt hợp lý cho quân đội và cán bộ công nhân viên chức Nhà nước. Các loại chi tiêu có tính chất thường xuyên cũng có tiêu chuẩn, định mức thống nhất làm cơ sở cho việc lập và chấp hành ngân sách Nhà nước, đưa việc quản lý tài chính Nhà nước dần dần vào chế độ và kỷ luật. Để quản lý hai loại tài sản rất quan trọng trong thời kỳ kháng chiến là tiền bạc và thóc gạo. Nhà nước ban hành chế độ thống nhất quản lý kho bạc và chế độ thống nhất quản lý kho thóc, chấm dứt tình trạng công quỹ phân tán, sử dụng tùy tiện, tạo sơ hở cho tham ô, lãng phí.
Thống nhất quản lý kho bạc và kho thóc là một việc rất phức tạp, khó khăn: vừa phải đấu tranh chống những tư tưởng và hành vi địa phương chủ nghĩa, cục bộ, bản bộ, muốn tự do, thoải mái, vừa phải chống tập trung quan liêu, khắc phục những thiếu sót chậm trễ, lề lối làm việc máy móc, cứng đờ làm lỡ công việc. Chế độ dự toán, quyết toán mới cũng được ban hành trong năm 1951 nhằm thiết lập một phương thức quản lý tài chính mới, bảo đảm cho các cấp, các ngành lãnh đạo toàn diện, trên cơ sở một k lut tài chính chặt chẽ nhưng linh hoạt, thích hợp với hoàn cảnh chiến tranh.
Chế độ tài chính xã cũng được chỉnh đốn. Biên chế xã không có cán bộ thoát ly sản xuất để làm cho cán bộ ở cơ sở không xa rời quần chúng, tách rời sản xuất. Để thực hiện chính sách thống nhất quản lý thu chi tài chính, bộ máy ngành tài chính từ Trung ương đến địa phương đã được kiện toàn mạnh theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Hàng loạt cán bộ ưu tú của Đảng và các ngành được chuyển sang làm công tác tài chính sau một thời gian bồi dưỡng và thử thách qua thực tế. ở Bộ Tài chính đặt thêm một số tổ chức mới là Vụ Thuế nông nghiệp, Vụ Ngân sách, Vụ Kế hoạch, Vụ Thanh tra. ở địa phương chấn chỉnh lại các khu tài chính và Ty Tài chính, với những bộ phận: tương tự như ở Trung ương.
Ngoài ra, thành lập hai ngành dọc là Sở thuế và Sở kho thóc, đặt dưới sự lãnh đạo hai chiều của Bộ Tài chính và của ủy ban kháng chiến hành chính địa phương. Sở thuế có nhiệm vụ thực hiện chính sách thuế công thương nghiệp và thuế xuất nhập khẩu, bảo đảm chế độ thu thuế thống nhất trong cả nước. Sở kho thóc có trách nhiệm chấp hành chính sách bảo quản và phân phối lương thực theo kế hoạch, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước. Chính sách ti chính mới tăng thu, giảm chi, thống nhất quản lý thu chi đã mang lại kết quả tốt ngay trong năm đầu thực hiện: thu có tăng, chi có giảm, thu đảm bảo được khoảng 30% số chi (năm 1950 thu chỉ đảm bảo trên 20%)...
Tóm lại, từ khi thi hành chính sách kinh tế tài chính mới, tuy không thêm một loại thuế nào, thuế suất cung không tăng (mà thuế nông nghiệp năm 1952 còn hạ thấp tỷ lệ động viên) nhưng do sản xuất phát triển (có phần do tác dụng khuyến khích sản xuất của thuế) và do công tác quản lý thu có tiến bộ nên số thu cho ngân sách Nhà nước ngày càng tăng, thuế nông nghiệp lấy năm 1951 là 100, thì 1952: 277, 1953: 430; 1954: 326; thuế công thương năm 1952: 700; 1953: 1720; 1954: 2797.
Thu chi ngân sách Nhà nước được thăng bằng là cơ sở vững chắc để quản lý tiền tệ, bình ổn vật giá. phạm vi lưu hành đồng tiền của ta được mở rộng thêm, việc quản lý phát hành tiền ngày càng có kế hoạch. Mậu dịch quốc doanh đẩy mạnh thu mua và bán hàng, tiền tệ thâm nhập sâu hơn vào thôn quê và miền núi. Chính sách tín dụng cũng góp phần thúc đẩy sản xuất và làm vốn luân chuyển nhanh hơn. Nhờ có các kết quả đó, ta đã từng bước ngăn chặn được vật giá leo thang và lạm phát. Tiền tệ vật giá ổn định lại tạo điều kiện thăng bằng thu chi ngân sách và thúc đẩy sản xuất phát triển.
Kết quả phấn đấu thực hiện chính sách kinh tế tài chính mới đã đảm bảo cung cấp cho hai nhiệm vụ đánh giặc và cải cách ruộng đất, bảo đảm cung cấp cho các chiến dịch lớn cuối năm 1953, đầu năm 1954, nhất là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đánh bại âm mưu và hành động xâm lược của Đế quốc Pháp được Mỹ giúp đỡ, buộc chúng phải ký kết Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954...
Tài liệu tham khảo:
1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính;
2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn).