Điều hành tài khóa linh hoạt, thu ngân sách vượt mốc 1,3 triệu tỷ đồng
Nhờ sự điều hành tài khóa linh hoạt và quyết liệt, kết hợp đồng bộ các giải pháp từ siết chặt chống thất thu, mở rộng cơ sở thuế đến đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành Tài chính đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 khả quan. Lũy kế thu ngân sách đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 67,7% dự toán, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Hiện đại, minh bạch trong thu, chống thất thu ngân sách
Xác định thu ngân sách nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, Bộ Tài chính đã và đang tăng tốc triển khai hàng loạt giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và linh hoạt để bảo đảm nguồn thu bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh còn nhiều thách thức.
Không chỉ dừng ở việc hoàn thiện chính sách thu, mở rộng cơ sở thuế, Bộ Tài chính còn “siết chặt” công tác chống thất thu, gian lận, chuyển giá, trốn thuế. Song song đó, công cuộc chuyển đổi số được đẩy mạnh, thủ tục hành chính ngày càng tinh gọn, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.
Ngay từ những ngày đầu năm 2025, Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn Ngành "dồn lực" thực hiện nghiêm các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách, coi đây là “mặt trận” trọng yếu trong điều hành tài chính quốc gia. Không chỉ tăng cường quản lý thu, ngành Tài chính còn tăng tốc chuyển đổi số, đưa toàn bộ hoạt động quản lý thuế lên môi trường điện tử – một bước đi chiến lược để hiện đại hóa và minh bạch hóa công tác thu ngân sách.
Các dịch vụ thuế điện tử tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng: từ khai thuế, hoàn thuế, thông báo và cảnh báo nợ thuế, đến nộp thuế qua ứng dụng eTax mobile hay cổng thông tin dành riêng cho hộ kinh doanh, cá nhân có thu nhập từ thương mại điện tử. Tất cả đều nhằm mục tiêu thuận tiện, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nộp thuế.
Ngành Tài chính cũng không đứng ngoài làn sóng công nghệ khi tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác hỗ trợ người nộp thuế, từng bước cá nhân hóa dịch vụ, tạo trải nghiệm thông minh và thân thiện hơn cho doanh nghiệp và người dân. Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được mở rộng triển tại các ngành nghề như nhà hàng, khách sạn, xăng dầu, vàng bạc… nhằm chống thất thu hiệu quả. Đây là những bước tiến vững chắc trên hành trình hiện đại hóa ngành Thuế, hướng tới một nền tài chính công khai, minh bạch, hiệu quả.
Không chỉ vậy, các cơ quan thuế, hải quan đã nỗ lực, quyết liệt triển khai nhiệm thu ngân sách, mở rộng cơ sở thuế, kiểm tra, rà soát toàn bộ số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, quản lý các nguồn thu trên địa bàn để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu theo quy định của pháp luật, phấn đấu tăng thu từ các địa bàn, lĩnh vực có điều kiện. Song song đó là đẩy mạnh chống thất thu ở các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, còn nhiều rủi ro, nhất là đất đai, kinh doanh bất động sản, xăng dầu, vàng, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, hộ kinh doanh thuế khoán...
Công tác phối hợp với các lực lượng chức năng cũng được toàn Ngành chú trọng trong đẩy mạnh cao điểm đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, trốn thuế cũng được đẩy mạnh; đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản nợ thuế, khoản phải thu vào ngân sách nhà nước theo kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2025, cơ quan thuế đã thực hiện khoảng 17,9 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; qua đó kiến nghị xử lý tài chính khoảng 22 nghìn tỷ đồng, đôn đốc xử lý thu hồi nợ đọng thuế khoảng 43,1 nghìn tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã thực hiện 452 cuộc kiểm tra sau thông quan; kiến nghị nộp ngân sách nhà nước khoảng 293,4 tỷ đồng.
Tập trung làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng hải quan tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 6 tháng đầu năm, đã bắt giữ, xử lý gần 8,56 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, với trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 13,6 nghìn tỷ đồng, xử lý thu, nộp ngân sách 461,4 tỷ đồng.
"Bộ đệm" khi nền kinh tế cần lực đẩy mạnh mẽ
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm công tác thu và chống thất thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã nhanh chóng “vào cuộc” với vai trò chủ động, tham mưu hàng loạt chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở phân tích sát tình hình thực tế, Bộ đã đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành và trực tiếp ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Tổng quy mô các chính sách đã triển khai lên tới khoảng 232,6 nghìn tỷ đồng, trong đó 116,5 nghìn tỷ đồng là các khoản miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và 116,1 nghìn tỷ đồng là các khoản gia hạn thuế, tiền thuê đất. Đây là con số ấn tượng thể hiện rõ vai trò "bộ đệm" tài chính của Nhà nước trong thời điểm nền kinh tế cần lực đẩy mạnh mẽ.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, kết quả thực hiện các chính sách này đã ước đạt khoảng 107,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã miễn, giảm khoảng 49,9 nghìn tỷ đồng, gia hạn gần 57,8 nghìn tỷ đồng, góp phần tiếp thêm “dưỡng khí” cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Không dừng lại ở đó, Bộ Tài chính hiện đang khẩn trương phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thêm các chính sách hỗ trợ trọng điểm. Nổi bật là Nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân và nghị định của Chính phủ về tiếp tục giảm tiền thuê đất năm 2025, góp phần giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ nêu trên, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt kết quả tích cực. Lũy kế thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán, tăng 28,3% so cùng kỳ năm 2024.
Điểm sáng nổi bật là thu nội địa với kết quả đạt 1.158,4 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 69,4% dự toán, tăng tới 33,3% so cùng kỳ. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, 46/63 địa phương có kết quả thu nội địa vượt mốc 55% dự toán và 56 địa phương ghi nhận mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm trước cho thấy “sức bật” mạnh mẽ từ nền kinh tế thực.
Ở lĩnh vực thu từ dầu thô, dù ghi nhận giảm nhẹ 16,7% so cùng kỳ, nhưng vẫn đạt 24,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 46,3% dự toán trong bối cảnh giá dầu có nhiều biến động. Trong khi đó, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc, ước đạt 148,7 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 63,3% dự toán, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa có thuế tính đến giữa tháng 6 đạt khoảng 68,5 tỷ USD, tăng 3,6%, phản ánh đà hồi phục tích cực của chuỗi cung ứng và sản xuất trong nước.
Đáng chú ý, một số mặt hàng nhập khẩu có mức tăng mạnh, góp phần "bơm" thêm nguồn thu cho ngân sách. Cụ thể: nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu tăng 7,3%, làm tăng thu khoảng 12,3 nghìn tỷ đồng; ô tô nguyên chiếc tăng tới 49,3%, giúp ngân sách tăng thêm 7,8 nghìn tỷ đồng; trong khi hàng điện gia dụng và linh kiện tăng 15,1%, mang về khoảng 825 tỷ đồng cho ngân sách.
Những con số biết nói trên không chỉ phản ánh hiệu quả điều hành tài chính – ngân sách, mà còn là minh chứng rõ nét cho sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2025.