Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

PV.

Sáng ngày 10/11/2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với 417/424 đại biểu Quốc hội tham gia tán thành, đạt tỷ lệ 84,93% tổng số đại biểu.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với tỉ lệ nhất trí cao. Nguồn: internet
Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với tỉ lệ nhất trí cao. Nguồn: internet

Theo đó, Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó, tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh; Khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Căn cứ mục tiêu tổng quát, Quốc hội thống nhất đề ra 12 chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, bao gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% - 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1% - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58% - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23% - 23,5%; Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.

Từ các mục tiêu trên, Nghị quyết đã đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó chú trọng tới việc tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế... Tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống, nhất là tín dụng cho vay thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.

Đặc biệt, Quốc hội nhấn mạnh tới nhóm giải pháp về tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; Tạo chuyển biến rõ nét trong xử lý nợ đọng tiền sử dụng đất, chống thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế, gian lận chuyển giá, vi phạm pháp luật thuế, phí, lệ phí, thực hiện hóa đơn điện tử; Thẩm định chặt chẽ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư; Triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và sử dụng tài sản công, xe công; Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng nhất trí tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa; Có giải pháp phù hợp khuyến khích hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp; Khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh.

Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, trong đó chú trọng việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển thị trường dịch vụ công, tạo môi trường bình đẳng giữa đơn vị công lập và ngoài công lập…