Đại biểu Quốc hội “hiến kế” đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước

PV.

Trong phiên thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020 ngày 31/10, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều ý kiến về mở rộng, nuôi dưỡng nguồn thu và phân bổ ngân sách nhà nước.

Đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều ý kiến về mở rộng, nuôi dưỡng nguồn thu và phân bổ ngân sách nhà nước. Nguồn: internet
Đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều ý kiến về mở rộng, nuôi dưỡng nguồn thu và phân bổ ngân sách nhà nước. Nguồn: internet

Tại phiên họp, bàn về vấn đề thu ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu – tỉnh Nam Định đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung chính sách thu để thực hiện được nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước.

Theo đó, cần mở rộng diện đối tượng chịu thuế đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp và đặc biệt là các khoản thu từ đất đai.

Đồng thời, sửa đổi chế độ ưu đãi với hàng hóa chịu thuế VAT theo hướng giảm các đối tượng không chịu thuế và đối tượng chịu thuế suất 5% và tiến tới đưa về một mức thuế suất thay vì ba mức như hiện nay, giảm đối tượng được hoàn thuế VAT, sửa đổi, bổ sung quy định hoàn thuế VAT để khắc phục việc chậm hoàn thuế và tham ô tiền thuế.

Đại biểu cũng đề nghị bỏ chế độ ưu đãi theo đối tượng là dự án cụ thể và ưu đãi theo quy mô của dự án, thuế suất cần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các vùng và các miền; sửa đổi giá tính thuế đối với một số sắc thuế để chống thất thu cho ngân sách nhà nước như thuế tài nguyên...

Bên cạnh đó, mở rộng cơ sở thuế với thuế thu nhập cá nhân, tiến tới khi người có thu nhập đều có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước và điều chỉnh mức thu phù hợp đối với nhóm thu nhập thấp, nhưng phải tăng cao hơn đối với nhóm có thu nhập cao để thực hiện việc điều tiết xã hội, nhằm đảm bảo đúng bản chất của thuế thu nhập cá nhân, không phải là thuế thu nhập cao như trước đây.

Đồng tình với đại biểu Trần Quang Chiểu, đại biểu Trần Công Thuật - tỉnh Quảng Bình cũng đề xuất nhiều giải pháp để tăng cường nuôi dưỡng, mở rộng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện cho địa phương phát huy thế mạnh đặc thù để phát triển bền vững.
Theo Đại biểu, bên cạnh việc mở rộng, nuôi dưỡng nguồn thu, cần có các giải pháp chống thất thu thuế; ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách hoàn thuế của nhà nước để trục lợi; quản lý chặt chẽ hóa đơn; thu hồi nợ đọng thuế; ngăn chặn buôn lậu, hàng giả...
Về cân đối ngân sách đối với các tỉnh miền núi, Đại biểu Tống Thanh Bình - tỉnh Lai Châu cho rằng, cần thiết phải đổi mới thủ tục, sớm ban hành các hướng dẫn để địa phương đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền xững và xây dựng nông thôn mới) giai đoạn 2016 - 2020...
Thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 03 năm 2018-2020, các đại biểu nhất trí cần có các giải pháp để đảm bảo dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2018; tăng thu, nuôi dưỡng nguồn thu.
Đồng thời, khắc phục tình trạng nợ đọng thuế; đổi mới chính sách thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp; đảm bảo thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước và mức bội chi ngân sách năm 2018, bao gồm cả bội chi ngân sách Trung ương và bội chi ngân sách địa phương.
Riêng về dự toán ngân sách 2018, đại biểu Quốc hội đề nghị sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công 2018 để dành nguồn triển khai 2 dự án quan trọng quốc gia, bố trí thu hồi tối thiểu 30% nợ xây dựng cơ bản và vốn ứng trước để đảm bảo hết 2020 trả hết nợ đọng và thu hồi vốn ứng theo số liệu Quốc hội đã quyết nghị.
Đồng thời, đảm bảo vốn đầu tư của ngân sách trung ương bố trí có mục tiêu không quá 30% theo quy định của Luật Ngân sách hỗ trợ cho địa phương, tăng vốn cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình mục tiêu đã được cấp có thẩm quyền quyết định...