Thông tin kế toán trong phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2019

Tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, thông tin minh bạch về kế toán tại các chủ thế của tài chính toàn diện là rất cần thiết.

Thông tin minh bạch về kế toán tại các chủ thế của tài chính toàn diện là rất cần thiết. Nguồn: internet
Thông tin minh bạch về kế toán tại các chủ thế của tài chính toàn diện là rất cần thiết. Nguồn: internet

Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam

Theo World Bank (2018), tài chính toàn diện tức là các cá nhân và doanh nghiệp có quyền tiếp cận và sử dụng vào các sản phẩm và dịch vụ tài chính hữu ích và phù hợp theo khả năng tài chính và khả năng đáp ứng nhu cầu của họ (giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm) theo cách thức có trách nhiệm và bền vững. Theo đó, tài chính toàn diện được xác định theo 03 tiêu chí: Tiếp cận với các dịch vụ tài chính; Sử dụng dịch vụ tài chính; Chất lượng của sản phẩm và dịch vụ giao hàng.

Trong khi đó, theo Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF, 2015), tài chính toàn diện là việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức. Về phía nhà cung cấp dịch vụ tài chính, tài chính toàn diện đề cập đến số lượng và sự đa dạng của các dịch vụ và sản phẩm tài chính được cung cấp (có thể sử dụng chỉ số bao trùm để đánh giá). Về phía người sử dụng, đề cập đến số lượng các doanh nghiệp, nhà đầu tư có được khoản tín dụng từ ngân hàng, tỷ lệ người dân sử dụng tài khoản ở các tổ chức tài chính theo giới tính và theo nhóm thu nhập, tỷ lệ người dân sử dụng tài khoản để nhận và chuyển tiền hoặc vay tiền và mức độ sử dụng các sản phẩm bảo hiểm như thế nào.

Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng. Do vậy, thông tin kế toán nói chung và kế toán quản trị nói riêng rất quan trọng, có thể giúp cơ quan quản lý nắm bắt, đưa ra biện pháp điều chỉnh và giám sát nhằm

Sự quan tâm của dư luận đến vấn đề tiếp cận tài chính ngày càng nhiều cho thấy, tầm quan trọng của tài chính toàn diện đối với phát triển kinh tế và xã hội. Việc tiếp cận các dịch vụ tài chính đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giảm nghèo, nâng cao năng lực sản xuất xã hội cũng như thúc đẩy phát triển bền vững.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017 được tổ chức tại Việt Nam, tài chính toàn diện được đánh giá là trụ cột quan trọng của tăng trưởng, phát triển và giảm nghèo, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, được thực hiện qua 05 nội dung chính: Phát triển sản phẩm mới; Đa dạng hóa mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ về tài chính; Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính; Bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính; Phổ biến kiến thức tài chính.

Theo Lê Thị Khuyên, Bùi Ngọc Mai Phương (2018), ở cấp quốc gia, khoảng 2/3 các cơ quan quản lý và giám sát hiện nay chịu trách nhiệm về việc tăng cường tiếp cận tài chính toàn diện. Trong những năm gần đây, có 50 quốc gia đã đặt mục tiêu chính thức về việc phát triển tài chính toàn diện (World Bank, 2014). Tại Việt Nam, trong thời gian qua đã tập trung nguồn lực cho thúc đẩy tài chính toàn diện và xem đây là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế xã hội trong những năm tới. Chính phủ đang xây dựng Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia, dự kiến được ban hành vào năm 2020 làm cơ sở để triển khai đồng bộ và có hiệu quả các trụ cột của tài chính toàn diện.

Theo đó, hiện nay, Chính phủ đang tập trung nguồn lực vào xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, công nghệ; Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính; Xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng và giáo dục tài chính; Quan tâm, ưu tiên đối với các đối tượng dễ bị tổn thương (như: các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, người nghèo nông thôn, phụ nữ… nhằm hỗ trợ, giúp các đối tượng này này tiếp cận tốt hơn, hiệu quả hơn các dịch vụ tài chính, ngân hàng; Xây dựng cơ chế điều phối và phối hợp huy động tổng thể nguồn lực triển khai tài chính toàn diện hiệu quả (các cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị - xã hội, khu vực tư nhân…).

Vai trò của kế toán đối với phát triển tài chính toàn diện

Trước ý nghĩa quan trọng của tài chính toàn diện đối với nền kinh tế đất nước nói chung và lĩnh vực tài chính – ngân hàng nói riêng, việc thông tin minh bạch về kế toán tại các chủ thể của tài chính toàn diện là rất cần thiết, quan trọng nhằm thể hiện bức tranh tài chính về sản phẩm và dịch vụ tài chính toàn diện.

Thứ nhất, theo quy định của Luật Kế toán năm 2015, kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động. Thông tin kế toán có các đặc điểm như: Trung thực, các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo trên cơ sở các bằng chứng đầy đủ, khách quan và đúng với thực tế về hiện trạng, bản chất nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế phát sinh; Khách quan, các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo đúng với thực tế, không bị xuyên tạc, không bị bóp méo; Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến kỳ kế toán phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ, không bị bỏ sót; Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo kịp thời, đúng hoặc trước thời hạn quy định, không được chậm trễ…

Như vậy, xét từ khía cạnh này, thông tin kế toán sẽ đảm bảo sự ghi chép, theo dõi đầy đủ, kịp thời, nhờ đó phục vụ quá trình kiểm tra, phân tích và đánh giá việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính về tính hiệu quả, tiết kiệm cũng như khả năng thu hồi. Đây là chức năng, nhiệm vụ của kế toán, việc ghi chép được thực hiện tại chủ thể cung cấp; chủ thể sử dụng và các yếu tố thuộc môi trường của tài chính toàn diện.

Thứ hai, cung cấp thông tin tài chính kế toán cho các đối tượng liên quan. Cụ thể, đối với các cơ quan quản lý nhà nước là nhằm phục vụ yêu cầu quản lý sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện, làm cơ sở hoạch định chương trình hành động cho từng giai đoạn, từng thời kỳ. Trong khi đó, đối với các nhà quản trị sau khi lập kế hoạch đầy đủ và hợp lý, tổ chức thực hiện kế hoạch đòi hỏi phải kiểm tra và đánh giá thực hiện nó.

Phương pháp thường dùng là so sánh số liệu kế hoạch hoặc dự toán với số liệu thực hiện, để từ đó nhận diện các sai lệch giữa kết quả đạt được với mục tiêu đã đề ra. Để làm được điều này, nhà quản trị cần được cung cấp các báo cáo thực hiện, có tác dụng như một bước phản hồi giúp nhà quản trị có thể nhận diện những vấn đề cần phải điều chỉnh cho hợp lý.

Nếu kết quả kiểm tra đánh giá đúng sẽ có tác dụng tốt cho doanh nghiệp trong việc điều chỉnh kế hoạch, là cơ sở để đề ra các giải pháp thực hiện trong tương lai. Cũng thông qua quá trình kiểm tra đánh giá, thông tin kế toán còn giúp cho doanh nghiệp phát hiện những tiềm năng, thế mạnh cần được khai thác và khai thác bằng cách nào sẽ có hiệu quả nhất, đồng thời phát hiện những yếu kém cần được điều chỉnh.

Thứ ba, quản lý các chi phí, chi tiêu đồng thời lập kế hoạch và dự báo ngân sách chi tiết, hạn chế tối đa chi phí không cần thiết. Lập kế hoạch là xây dựng các mục tiêu dài hạn hoặc ngắn hạn phải đạt được và vạch ra các bước thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Kế hoạch mà nhà quản trị thường lập có dạng dự toán. Để chức năng lập kế hoạch và dự toán có tính hiệu lực và khả thi cao thì chúng phải dựa trên những thông tin kế toán hợp lý và có cơ sở.

Thứ tư, thực hiện áp dụng kế toán quản trị nhằm lập dự toán nguồn lực, nhu cầu ngân sách và phân tích nhằm sử dụng có hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính, cũng như xác định nhu cầu, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Theo đó, thông tin kế toán quản trị giúp cung cấp thông tin cho quá trình tổ chức thực hiện.

Với chức năng thực hiện, nhà quản trị phải biết cách liên kết tốt các yếu tố giữa tổ chức, con người với nguồn lực lại với nhau sao cho kế hoạch một cách hiệu quả nhất. Để thực hiện tốt chức năng này, nhà quản lý cũng cần có nhu cầu rất lớn đối với thông tin kế toán, nhất là thông tin kế toán quản trị. Nhờ có thông tin do kế toán quản trị cung cấp mà nhà quản trị có thể đề ra quyết định đúng đắn trong quá trình lãnh đạo hoạt động hàng ngày, phù hợp với mục tiêu chung.

Thứ năm, cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định của nhà quản trị. Phần lớn những thông tin do kế toán quản trị cung cấp nhằm phục vụ chức năng ra quyết định. Để có thông tin thích hợp, đáp ứng cho nhu cầu thích hợp của quản lý, kế toán quản trị sẽ thực hiện các nghiệp vụ phân tích chuyên môn vì những thông tin này thường không có sẵn.

Kế toán quản trị sẽ chọn lọc những thông tin cần thiết, thích hợp rồi tổng hợp, trình bày chúng theo một trình tự dễ hiểu nhất và giải thích quá trình phân tích cho các nhà quản trị. Kế toán quản trị giúp các nhà quản trị trong quá trình ra quyết định không chỉ bằng cách cung cấp thông tin thích hợp mà còn bằng cách vận dụng các kỹ thuật phân tích vào những tình huống khác nhau, để từ đó nhà quản trị lựa chọn, ra quyết định thích hợp nhất.

Do vậy, với việc phát triển tài chính toàn diện, rất nhiều sản phẩm được đưa ra. Khi ngân hàng đang bước vào cuộc cách mạng sô,́ sự đa dạng của các sản phẩm tài chính ngày càng nhiều, trong khi đó, các sự đào thải các sản phẩm ngày càng tăng do nhu cầu của khách hàng thay đổi nhanh chóng. Khi đó, các thông tin kế toán quản trị cung cấp phục vụ cho việc ra quyết định của nhà quản trị đối với tung ra hay hủy bỏ một sản phẩm, dịch vụ tài chính càng trở nên vô cùng quan trọng.

Một số kiến nghị

Thông tin minh bạch về kế toán tại các chủ thế của tài chính toàn diện là rất cần thiết, nhằm thể hiện bức tranh tài chính về sản phẩm và dịch vụ tài chính toàn diện. Vì vậy, cần có những giải pháp phù hợp nhằm tăng cường áp dụng các nội dung kế toán tại các chủ thể này, cụ thể:

Một là, nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của kế toán quản trị trong thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam. Theo đó, vai trò của thông tin kế toán rất quan trọng, cần thiết đối với các cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước cũng như những đối tượng liên quan. Mục đích theo dõi và đánh giá tính trung thực, hợp lý và tính hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ tài chính đối trong nội dung tài chính toàn diện như là chủ thể cung cấp - chủ thể sử dụng - sản phẩm, dịch vụ và môi trường, tiêu thức đánh giá.

Hai là, nhận diện và xác định loại hình phù hợp với chế độ kế toán áp dụng cũng như tiến hành kiểm tra về ghi chép các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh một cách đầy đủ, kịp thời (Chúc Anh Tú, 2019). Theo đó, đối với từng chủ thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính (Ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại cổ phần, tổ chức tín dụng phi ngân hàng như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính…); Chủ thể sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính (Người nghèo, người thu nhập thấp, người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi thiếu cơ sở hạ tầng tài chính, người lao động di cư, người làm nghề tự do không có tài sản thế chấp…) thì cần lựa chọn áp dụng chế độ kế toán, chính sách tài chính phù hợp đối với từng loại hình cụ thể. Đây là nhiệm vụ cần thiết không chỉ đạt được mục tiêu đề ra của nhà quản trị mà còn thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Ba là, phân tích thông tin đánh giá việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện và tính hiệu quả để từ đó có chiến lược, định hướng phát triển không chỉ đối với các tổ chức tài chính mà cả cơ quan quản lý. Đối với các nhà quản trị, từ việc ghi chép việc cung cấp và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện sẽ có số liệu để thực hiện việc phân tích thông tin từ đó đánh giá việc sử dụng có đúng mục tiêu, hiệu quả nguồn lực đã cung cấp cũng như quá trình thu hồi các nguồn lực này. Đối với các cơ quan quản lý, các thông tin kế toán này cũng giúp điều chỉnh được các biện pháp quản lý.      

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán;
  2. Lê Thị Khuyên, Bùi Ngọc Mai Phương (2018), Tiếp cận tài chính toàn diện của các nước ASEAN và một số khuyến nghị đối với Việt Nam;
  3. Chúc Anh Tú (2019), Vai trò của thông tin kế toán và kiểm toán trong thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán;
  4. Trần Thị Hà (2019), Tài chính toàn diện: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.