Thông tư 13: "Chạy" trước thông lệ quốc tế?

Theo InfoTV

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nếu Thông tư 13 không được điều chỉnh, các NHTM sẽ rất lúng túng và cũng sẽ tạo sự căng thẳng không cần thiết cho thị trường tài chính.

 

Hệ số CAR 8%: Chuyện nhỏ!

Ngày 12/09/2010, Hội đồng các Ngân hàng Trung ương và các nhà giám sát tài chính của các nước phát triển đã nhóm họp tại Basel (Thụy Sỹ) để đưa ra khung về giám sát hoạt động ngân hàng với tên gọi Basel III và nội dung khác hoàn toàn với những gì báo chí trong nước đồn đoán trước đó. Theo đó, Basel III vẫn duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 8%.

Tuy nhiên, sự thay đổi của khung giám sát hoạt động ngân hàng mà Basel III  đem lại là thay đổi đối với tỷ lệ vốn chủ sở hữu đối với hệ số an toàn vốn tối thiểu. Nếu như trước đây quy định phải tối thiểu một nửa trong tổng số 8% tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là vốn chủ sở hữu của ngân hàng (vốn cấp I), còn lại ngân hàng có thể vay mượn dài hạn quá 5 năm thì được hạch toán là vốn tự có. Theo quy định mới của Basel III, hệ số tỷ  lệ an toàn vốn tối thiểu vẫn được giữ ở mức 8% nhưng yêu cầu vốn vốn cấp I  phải đạt  6% trên 8% đó.  Đáng chú ý là trong 6% vốn cấp I đó phải có 4,5% là vốn của các cổ đông thông thường.

Thời hạn để thực hiện sự thay đổi này là 01/01/2015, với một lộ trình rõ ràng và chi tiết hơn, Basel III quy định tất cả các quy định mới sẽ phải được thực hiện đầy đủ vào năm 2019.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Basel III cho thấy các nhà hoạch định chính sách đã rất thận trọng và cũng rất nương nhẹ khả năng đi lên của các NHTM. Trong khi đó, tất cả các NHTM của Việt Nam hiện nay đều đã đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% trở lên và đáng chú ý là 8% đó hoàn toàn là vốn cấp I, chính vì vậy, việc Thông tư 13 quy định hệ số CAR tối thiểu 9% đối với các NHTM Việt Nam thì đó cũng không phải là thách thức đối với các ngân hàng.

“Nếu nói rằng hệ số CAR là mức cam kết của các ông chủ ngân hàng đối với trách nhiệm của họ tại ngân hàng đó thì cam kết của các ông chủ ngân hàng Việt Nam cao hơn rất nhiều so với thông lệ quốc tế.” – TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng băn khoăn trước tình trạng hạn chế của vốn cấp II ở các NHTM Việt Nam khi các ngân hàng không huy động được vốn vay mượn dài hạn để được nhập vào vốn tự có. Hơn nữa, tài sản cố định hàng năm không được đánh giá lại để có khoản chênh lệch và hạch toán vào vốn tự có.

Sao phải chạy trước Basel III?

Basel III cũng quy định đối với tất cả các khoản vay có mức độ rủi ro cao cần phải đạt hệ số rủi ro cao nhất là 150% (nghĩa là khi ngân hàng tính toán tài sản có rủi ro sẽ nhân với 1,5 – PV). Trong khi đó, Thông tư 13 quy định cho vay đầu tư chứng khoán, cho vay công ty chứng khoán, cho vay bất động sản đều phải chịu hệ số rủi ro 250%.

Như vậy, ngân hàng với khoản cho vay 1 nghìn tỷ đồng cho cả 3 đối tượng vay đó khi hạch toán là tài sản có rủi ro sẽ phải hạch toán là 2.500 tỷ đồng. Nếu như vốn của ngân hàng trước đây là 1 nghìn tỷ trên tổng tài sản 10 nghìn tỷ, họ sẽ đạt được tỷ lệ hệ số an toàn vốn là 10%, nhưng vì cho vay kinh doanh chứng khoán và cho vay bất động sản nên cuối cùng tài sản không phải là 10 nghìn tỷ mà phải là 12.500 tỷ. Do đó, hệ số an toàn vốn nếu đạt 10% cũng không còn giá trị, điều này khiến các NHTM do dự trong việc cho vay kinh doanh chứng khoán và bất động sản.

“Đó là sự khác biệt giữa quy định của Việt Nam với Basel III, trong thời điểm TTCK nóng nhất vào năm 2007 chúng ta cũng chỉ duy trì ở tỷ lệ 150% nên bây giờ tôi không thấy có lý do gì để tăng lên 250%. Lâu nay chúng ta vẫn áp dụng hệ số an toàn tối đa là 150% theo Quyết định 457 của NHNN, Basel III cũng chỉ quy định tối đa ở tỷ lệ này nên theo tôi Việt Nam cũng chỉ nên duy trì ở mức 150%” – TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Ngoài ra, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần phân biệt rạch ròi giữa cho vay đầu tư chứng khoán và cho công ty chứng khoán vay để làm vốn thì hệ số rủi ro phải khác; Cho vay bất động sản đã hình thành và cho vay bất động sản sẽ hình thành trong tương lai cũng cần phải có hệ số rủi ro khác nhau.

Vấn đề thứ 3 khiến dư luận quan tâm nhất đối với Thông tư 13, đó là quy định cho vay của NHTM chỉ được bằng 80% lượng vốn huy động, trong khi đó Basel III không hề đưa ra tỷ lệ này và trên thế giới cũng chưa từng có tiền lệ, ngoại trừ Trung Quốc từng quy định tỷ lệ tối đa 75% khi thị trường bất động sản và tín dụng nước này phát triển quá nóng.

Trong số vốn bị loại trừ đó, có khoản tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức (bao gồm cả DN), trong khi khoản này thường chiếm tới 15% tại Việt Nam và được xem là khoản chủ yếu giúp hạ lãi suất xuống vì lãi suất của khoản vốn huy động này thường thấp. Chúng ta cũng quy định không được dùng tiền gửi của kho bạc (kể cả có kỳ hạn và không kỳ hạn) để cho vay, thậm chí không được dùng cả vốn tự có để cho vay.

Theo tính toán của TS. Lê Xuân Nghĩa, với mỗi 100 đồng ngân hàng huy động được thì chỉ được phép cho vay 56-60 đồng tùy thuộc ngân hàng lớn hay nhỏ. Còn lại 40 – 44 đồng ngân hàng không được phép cho vay mặc dù vẫn phải trả lãi cho khoản huy động này.

“Làm sao ngân hàng có thể hoạt động hiệu quả với quy định này? Chính vì vậy tôi cho rằng tốt nhất không nên có quy định này vì nó khiến quyền chủ động của các NHTM bị hạn chế. Basel III là chuẩn quốc tế tốt nhất rồi nhưng người ta còn quy định thận trọng với lộ trình dài như vậy thì cớ gì chúng ta phải vượt trước cả Basel III?”

TS. Nghĩa cũng cho rằng nếu Thông tư 13 không được điều chỉnh, các NHTM sẽ rất lúng túng và cũng sẽ tạo sự căng thẳng không cần thiết cho thị trường tài chính. Tuy nhiên, việc NHNN có sửa lại quy định về tỷ lệ 250% hay không vẫn là một câu hỏi khó đoán trước...