Thông tư 36 và cú nước rút ngoạn mục!

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Mặc dù đã có những phát biểu rằng Thông tư 36 không ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường, mà chủ yếu là hạn chế vấn đề sở hữu chéo nhưng áp lực thoái vốn lên nhiều cổ phiếu ngân hàng là rất lớn.

Trong tháng 1/2015, cổ phiếu ngân hàng  tăng mạnh cả về khối lượng giao dịch và giá cổ phiếu. Nguồn: internet
Trong tháng 1/2015, cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh cả về khối lượng giao dịch và giá cổ phiếu. Nguồn: internet

Trong tháng 1/2015, cổ phiếu ngân hàng - đối tượng được cho là ảnh hưởng trực tiếp của thông tư đã gây ấn tượng mạnh với sự tăng mạnh cả về khối lượng giao dịch và giá cổ phiếu. Trong đó, BID tăng gần 50%, CTG tăng hơn 35%. Vào ngày giao dịch gần cuối tháng, các cổ phiếu ngân hàng càng bùng nổ về khối lượng tại CTG, BID, MBB và SHB. Riêng CTG và BID đã có cú nước rút tăng trần rất ngoạn mục mà chẳng quan tâm đến hiệu lực thông tư đang cận kề. 

Động lực tăng giá

Các chuyên gia cho rằng động lực tăng giá của cổ phiếu ngân hàng đến từ kỳ vọng vào sự tăng trưởng lợi nhuận cũng như chất lượng hoạt động của ngân hàng trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiến triển tích cực. Đi cùng đó là sự thúc đẩy quyết liệt của NHNN đối với việc sáp nhập ngân hàng, ban hành quy định lành mạnh hóa hệ thống. Đây có thể là yếu tố hỗ trợ về dài hạn.

Cũng có ý kiến cho rằng cổ phiếu ngân hàng được đẩy lên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển nhượng cổ phiếu trong ngành này trước thời điểm Thông tư 36 chính thức có hiệu lực. Và, sự tăng vọt về khối lượng ngày 28/01 cho thấy dư địa tăng giá của cổ phiếu ngân hàng không còn nhiều và phiên sau đó chính thức quay đầu giảm điểm.

Con sóng ngân hàng bắt đầu từ VCB được kéo lên quyết liệt sau đó là BID và CTG. Động lực cho sự tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng là lợi nhuận tăng trưởng, tín dụng tăng trưởng và tỷ lệ nợ xấu giảm rất mạnh. Thị trường bất động sản và chứng khoán khởi sắc tăng giá, tăng thanh khoản, tạo điều kiện cho các ngân hàng giải quyết nợ xấu. Việc tái cơ cấu mạnh mẽ trong năm 2015, thể hiện qua chủ trương thúc đẩy việc sáp nhập giữa các ngân hàng. Hơn nữa, khối ngoại mua ròng tích cực, giúp các cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt.

Trong báo cáo triển vọng ngành của Công ty CP chứng khoán BIDV (BSC): Thời điểm khó khăn nhất của hệ thống đã qua và các vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ dần được giải quyết. Mục tiêu giảm nợ xấu toàn hệ thống dưới 3% là khả thi do VAMC được dự báo sẽ năng động hơn. Đây có thể là những yếu tố làm nền tảng cho một sự tăng trưởng trong dài hạn của cổ phiếu ngân hàng.

BSC dự đoán lợi nhuận một số ngân hàng sẽ cải thiện rõ rệt trong năm 2015 nhưng chỉ có các ngân hàng đã tiến hành trích lập dự phòng cũng như phân loại nợ theo tiêu chuẩn Thông tư 02 và 09 trong năm 2014 mới có kết quả kinh doanh tích cực. Ngược lại, các ngân hàng nhỏ dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi chưa phân loại và trích lập theo quy định. 

Đánh lên để thoát hàng

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng những cú nước rút đánh lên của cổ phiếu ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển nhượng cổ phiếu trong ngành này trước thời điểm Thông tư 36 chính thức có hiệu lực. Thực tế, lợi nhuận cũng dự báo giảm tại các ngân hàng có tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán cao. Các ngân hàng có lịch sử cho vay đầu tư cổ phiếu vượt mức 5% vốn điều lệ như EIB, SHB, MBB và là các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt mức 3% sẽ phải giảm hoặc thậm chí ngừng cấp tín dụng cho vay đầu tư lĩnh vực này theo quy định của Thông tư 36.

Các chuyên gia cho biết kỳ vọng lớn nhất trong năm 2015 là sự hồi phục của các ngành sản xuất sau khi giá dầu giảm mạnh và sự trở lại của thị trường bất động sản với các gói cho vay ưu đãi. Kinh tế hồi phục thì ngân hàng sẽ là ngành được hưởng lợi đầu tiên, nhưng cũng sẽ tạo áp lực tăng lãi suất và mặt bằng lãi suất cho vay dự báo khó hạ thấp hơn nữa trong năm tới.

Hoạt động tái cấu trúc ngành mà phổ biến nhất là M&A sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Với vai trò đi đầu của các ngân hàng TMCP nhà nước với quy mô vốn lớn nhất ngành gồm BID, VCB và CTG, góp phần hỗ trợ các ngân hàng yếu và đẩy mạnh quy mô hoạt động cho toàn ngành. Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư nước ngoài được phép mua lại cổ phần các ngân hàng yếu kém vượt mức 30% sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu. Đặc biệt, Luật Phá sản cho phép loại bỏ các ngân hàng thực sự không có khả năng tái cấu trúc khỏi hệ thống.

Chứng khoán BSC cho rằng, mục tiêu giảm nợ xấu toàn hệ thống dưới 3% là khả thi do VAMC dự báo năng động hơn, đặc biệt là với tốc độ bán nợ gần đây của các ngân hàng cho VAMC. “Để giải quyết nợ xấu một cách triệt để, NHNN nhiều khả năng sẽ ra các quy định mới cho phép VAMC xử lý nợ xấu linh hoạt hơn, ít chịu tác động từ các TCTD, thúc đẩy việc bán lại các khoản nợ đã mua.”

Có lẽ, sự bùng nổ giao dịch cổ phiếu ngân hàng thời gian qua là sự cảnh báo cho đà tăng sẽ không còn. Sự chốt lời rất mạnh của những nhà đầu tư đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng. Mặc dù những ngân hàng như CTG, BID đang có thị giá thấp hơn so với VCB và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thấp. Tuy nhiên, sau khi ảnh hưởng tiêu cực của Thông tư 36 đi qua thì việc cổ phiếu ngân hàng mới có thể tăng giá trở lại để thể giúp cho thị trường đi lên.