Công bố chỉ số thương mại điện tử:
Thu hẹp khoảng cách số vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam
Sự cách biệt về chỉ số thương mại điện tử giữa nhóm các địa phương thuộc top đầu và top cuối bảng ngày càng được nới rộng. Đại diện VECOM cho biết, việc thu hẹp khoảng cách số ở Việt Nam vẫn còn là thách thức lớn.
Sáng 26/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã chính thức công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2019.
Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 đạt trên 30%. Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.
Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020, theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Theo báo cáo của VECOM, điểm trung bình của Chỉ số Thương mại điện tử năm 2019 là 40,3 điểm, tăng 2,8 điểm so với năm 2018. Thế nhưng, cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 địa phương thấp nhất và điểm trung bình của nhóm 5 địa phương cao nhất đang ngày càng bị nới rộng khi cách biệt tới 39,4 điểm, cao hơn khoảng cách 36,7 điểm của năm 2018.
Xu hướng chênh lệch về sự phát triển thương mại điện tử giữa nhóm các địa phương phát triển so với nhóm các địa phương chậm phát triển đang tăng dần. Năm 2018 vừa qua cũng đánh dấu nhiều về sự phát triển của thương mại điện tử như về quy mô thị trường, tốc độ tăng trưởng, đầu tư... tuy nhiên có lẽ sự phát triển này vẫn đa số nằm ở nhóm địa phương phát triển điển hình là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đại diện VECOM cũng cho biết: "Việc thu hẹp khoảng cách số tiếp tục là một thách thức lớn đối với thương mại điện tử Việt Nam".
Năm 2019, top 5 tỉnh thành xếp đầu bảng năm 2019 vẫn tiếp tục duy trì không có sự thay đổi nào. TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử với điểm tổng hợp 86,8 điểm, tăng 4,7 điểm so với năm 2018. Đáng chú ý là chỉ số EPI của TP. Hồ Chí Minh hơn rất nhiều so với điểm số trung bình của cả nước (40,3 điểm) và cao hơn tới gần 60 điểm so với địa phương có điểm xếp hạng thấp nhất là Bắc Kạn với 27,4 điểm.
Đứng thứ hai trong danh sách là Hà Nội với số điểm tổng hợp là 84,3 điểm, cao hơn 4,5 điểm so với năm trước. Năm 2019 cũng là năm thứ hai liên tiếp Hải Phòng vươn lên đứng ở vị trí trong top 3 cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử, hai vị trí tiếp sau đó vẫn là Nẵng và Bình Dương.
Tuy nhiên, mặc dù là top 5 tỉnh thành xếp đầu nhưng khoảng cách giữa TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với 3 tỉnh thành còn lại cũng rất lớn, điển hình là khoảng cách giữa Hà Nội (xếp thứ 2) với Hải Phòng (xếp thứ 3) lên tới 24,7 điểm.
Theo đó năm nay Hải Phòng đứng thứ 3 với điểm số là 59,6 điểm, tăng 4,7 điểm so với năm trước. Song mức độ chênh lệch giữa các điểm chỉ số thành phần của Hải Phòng với các điểm trung bình không cao như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đứng thứ 4 là thành phố Đà Nẵng với 57,5 điểm, tăng 3,4 điểm so với năm 2018
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử do VECOM xây dựng từ năm 2012 là một công cụ định lượng hữu ích giúp xác định tình hình phát triển thương mại điện tử trên cả nước cũng như từng địa phương.
Theo VECOM, năm nay, chỉ số thương mại điện tử tiếp tục được xây dựng dựa trên 4 trụ cột là hạ tầng và nguồn nhân lực, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và dịch vụ công trực tuyến (B2G). Các yếu tố liên quan đến tên miền Internet, thu nhập bình quân đầu người và số doanh nghiệp tại mỗi địa phương cũng được VECOM cân nhắc khi xây dựng chỉ số.