Thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế đầu tư lâu dài, thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam
Một trong những nội dung nổi bật, xuyên suốt trong trong chuyến công tác tại Bỉ và Luxembourg là Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi, kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của hai quốc gia này nói riêng và khu vực châu Âu nói chung tích cực hỗ trợ và đầu tư vào các lĩnh vực nhằm góp phần đẩy nhanh Chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Thúc đẩy tăng trưởng xanh: Định hướng xuyên suốt, lâu dài của Việt Nam
Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh là một trong những định hướng, chiến lược quan trọng, xuyên suốt và lâu dài được Chính phủ tập trung triển khai. Hàng loạt các chủ trương, chính sách đã được ban hành trong nhiều năm qua.
Cụ thể, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Có thể nói, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến kinh tế xanh ở Việt Nam trong giai đoạn đó.
Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, trong đó, đề ra 4 chủ đề chính gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Ngày 03/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành, hoặc bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới tăng trưởng xanh.
Mới đây, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát là “Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”.
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh; Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh; Hội nhập và hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh, thực hiện tốt các cam kết quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu...
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh, giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và điều phối giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong quá trình triển khai Chiến lược.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nan bước đầu triển khai thành công Chiến lược tăng trưởng xanh đã góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; mở rộng khả năng tiếp cận bình đẳng cho nhân dân về thành quả phát triển của quá trình chuyển đổi xanh; từng bước hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, nhất là các cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh
Trong khuôn khổ Chương trình công tác tại Bỉ và Luxembourg, một trong những nội dung xuyên suốt được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi, kêu gọi các nhà đầu tư, tập đoàn hàng đầu của hai quốc gia này nói riêng và khu vực châu Âu nói chung là tích cực tham gia đầu tư, hỗ trợ các lĩnh vực, dự án gắn với tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Trong buổi làm việc với ông Francois Mitchell - Tổng Giám đốc và các Lãnh đạo Tập đoàn John Cockerill (Vương quốc Bỉ) ngày 3/7/2023, ngoài việc giới thiệu về các thế mạnh như: tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào..., Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh về tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hydro xanh. Bộ trưởng hoan nghênh các nhà đầu tư và các tập đoàn lớn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ năng lượng như Tập đoàn John Cockerill đầu tư lâu dài vào Việt Nam, nhất là sản xuất hydrogen xanh, nhiên liệu sinh khối cũng như tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện chính sách, nguồn vốn, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản trị và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng mong muốn Tập đoàn John Cockerill và các doanh nghiệp hàng đầu của Vương quốc Bỉ sẽ phát huy cầu nối đưa các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam; nhất là trên các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn...
Trong khi đó, phát biểu tại buổi làm việc với Ngài Vincent Van Peterghem - Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương quốc Bỉ (sáng ngày 4/7/2023), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đối với vấn đề tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản và định hướng chính sách quốc gia và ngành toàn diện. Trên cơ sở đó, ngành Tài chính Việt Nam đã tích cực triển khai các giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính xanh cho các chủ thể trong nền kinh tế để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững, tác động tích cực đến môi trường. Cụ thể, chính sách thu ngân sách nhà nước thời gian qua đã hướng tới mục tiêu trực tiếp hoặc gián tiếp về tiếp cận tài chính xanh; đồng thời, chính sách chi ngân sách nhà nước hỗ trợ tài chính xanh được tiếp cận ở nhiều khía cạnh.
Tăng cường hợp tác phát triển tài chính xanh phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh
Tại buổi thăm, làm việc tại Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) Luxembourg ngày 6/7/2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã trao đổi với bà Julie Becker - Tổng Giám đốc Sở GDCK Luxembourg về định hướng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, ngoài những mục tiêu nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, minh bạch và bảo vệ tốt nhất quyền lợi các nhà đầu tư tham gia trên thị trường, Việt Nam đang tích cực triển khai theo định hướng phát triển tài chính xanh phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Việt Nam hiện quan tâm, triển khai các kế hoạch hành động nhằm khởi động và phát triển tài chính xanh và đạt được những thành tựu nhất định. Theo đó, khung pháp lý về tài chính xanh bắt đầu được xây dựng khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Đến nay, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật của Bộ Tài chính và các bộ ngành về tài chính xanh từng bước được hoàn thiện, quy định về nhiều loại sản phẩm như trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn xanh trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm đến phát hành trái phiếu xanh. Trong năm 2021-2022, cùng với một số nước trong khu vực, thị trường vốn nợ bền vững của Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ, tổng giá trị đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021. Theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng HSBC, Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Trong đó, một trong những nguyên nhân chính là chưa có động lực thúc đẩy mạnh mẽ nguồn cung và cầu đối với thị trường tài chính xanh.
“Tôi được biết Sở GDCK Luxembourg là Sở GDCK đầu tiên trên thế giới có sàn giao dịch dành riêng cho chứng khoán xanh và hiện nay đang niêm yết một nửa trái phiếu xanh trên thế giới. Sở ngày càng đóng vai trò quan trọng trong huy động vốn đầu tư cho kinh tế xanh; đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức phát hành và nhà đầu tư thực hiện các mục tiêu xanh, bền vững”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Do vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị Sở GDCK Luxembourg và Sở GDCK Việt Nam sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể để triển khai thực hiện hàng năm, đặc biệt cụ thể hóa các nội dung liên quan đến trao đổi kinh nghiệm về tổ chức giao dịch sản phẩm tài chính xanh trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, mong muốn Sở GDCK Luxembourg có thể hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư xanh của Luxembourg, của châu Âu muốn đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư tham gia đầu tư vào các dự án xanh, dự án thân thiện với môi trường của Việt Nam đang có nhu cầu về vốn.
Trước đó, trao đổi với Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương quốc Bỉ Vincent Van Peterghem, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng thông tin Bộ Tài chính Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các nhà tài trợ quốc tế hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phát hành trái phiếu chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh từ cấp Luật đến Nghị định. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn các lĩnh vực dự án bảo vệ môi trường và việc xác nhận dự án xanh được sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu xanh để nhận được ưu đãi về giá dịch vụ trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án phát hành thí điểm trái phiếu chính phủ xanh tại thị trường trong nước; tiếp tục phối hợp với các tổ chức tư vấn nước ngoài để hỗ trợ một số doanh nghiệp triển khai phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh theo thông lệ quốc tế, làm tiền đề để phát triển thị trường trái phiếu xanh trong thời gian tới. Khẳng định thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cũng như thực hiện các dự án phát hành thí điểm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã đề nghị Bộ Tài chính Vương quốc Bỉ sẽ chia sẻ kinh nghiệm về nội dung này.