Hội nhập là kích hoạt cho quá trình cải cách
Việt Nam đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế thông qua nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN và đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác quan trọng như EU, Hàn Quốc... Nhưng nhìn lại những gì đã làm và đạt được có thể thấy quá trình hội nhập này cơ hội và thách thức đan xen - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành chia sẻ.
Phóng viên: Thưa ông, trong giai đoạn hội nhập và mở cửa như hiện nay, việc cải cách các chính sách kinh tế trong nước để có thể phù hợp với tiến trình hội nhập là điều phải thực hiện nghiêm túc. Vậy ông có thể nêu sự tương tác giữa cải cách kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế?
Ông Võ Trí Thành: Đến nay quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đóng góp rất nhiều vào quá trình phát triển kinh tế trong nước. Mức độ hội nhập hiện nay đang ở mức sâu và rộng. Các đối tác thương mại lớn của chúng ta có thế mạnh về công nghệ, kỹ năng, tiềm năng thị trường đều nằm trong khu vực mà các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam đã ký kết, đang thực hiện, đang đàm phán và chuẩn bị ký kết.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ, đòi hỏi một sự cải cách sâu rộng trong nước, hội nhập hiện nay là một chất xúc tác, là sự kích hoạt lớn cho quá trình cải cách của Việt Nam. Điều này đem lại ý nghĩa lớn nhất bởi vì tương tác giữa hội nhập với cải cách trong nước tạo ra một tâm thế mới, môi trường kinh doanh cạnh tranh mới, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, đàng hoàng và làm cho nguồn lực phân bổ hiệu quả, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Theo như ông vừa chia sẻ, trong quá trình hội nhập và cải cách, cơ hội và thách thức của chúng ta còn rất nhiều. Vậy cơ hội và thách thức đó là gì?
Hội nhập là sự kích hoạt, là chất xúc tác mạnh mẽ đối với thương mại và đầu tư. Qua thương mại và đầu tư, Việt Nam không chỉ đẩy mạnh được xuất khẩu, thu hút đầu tư tạo thêm sự tăng trưởng cho GDP, công ăn việc làm mà còn tạo ra sự lan tỏa lớn, nâng cao năng lực của con người, doanh nghiệp Việt Nam.
Tất nhiên quá trình hội nhập này cũng đặt ra rất nhiều khó khăn, không phải ngành nào, lĩnh vực nào cũng thắng cuộc. Đây là khó khăn khi đầu tư trong nước phải cạnh tranh với đầu tư nước ngoài, là khó khăn khi mà các doanh nghiệp Việt làm sao học hỏi được, tham gia vào các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất khu vực toàn cầu và nâng cao dần giá trị gia tăng của mình. Đây là thách thức khi chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, va đập giữa cái cũ và mới. Cho nên có thể nói cơ hội và thách thức đang đan xen.
Việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 sẽ đánh dấu một mốc quan trọng nỗ lực của ASEAN trong việc hoàn thành các mục tiêu của một khu vực hội nhập, ông có thể đánh giá tác động của việc tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN đối với kinh tế nước ta?
Đây là hiệp định gắn với khu vực đông dân số nhất thế giới, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ chiếm đến 30% GDP và gần 30% thương mại toàn cầu, gắn với mạng sản xuất, gắn với đầu tư nước ngoài phát triển và năng động nhất thế giới. Đây là một khu vực dân không chỉ đông mà thu nhập ngày càng cao, tầng lớp trung lưu phát triển ngày càng mạnh, với nhu cầu mới, khả năng tiêu dùng mới, các đối tác đều lấy ASEAN làm trung tâm.
Khu vực này đang phát triển năng động có mạng sản xuất lớn lại gắn với các nền kinh tế lớn nhất thế giới nên việc tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ có tác động lớn đối với thương mại đầu tư, cải cách kinh tế trong nước.
Xin cảm ơn ông.