Thu hút đầu tư mới: Gỡ ''nút thắt'' trong giải phóng mặt bằng
Để giữ vững vị thế hàng đầu trong thu hút đầu tư là cả một quá trình dài hơi trong đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, thực hiện cải cách hành chính, đầu tư mạnh cho việc giải phóng mặt bằng...
Với lợi thế trung tâm vùng miền núi phía Bắc, có tới 3 tuyến quốc lộ chạy xuyên tâm kết nối dễ dàng Thái Nguyên với vùng Tây Bắc, Đông Bắc và đường cao tốc kết nối với thủ đô Hà Nội cùng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giao thông thuận lợi kết nối 6 khu công nghiệp tập trung với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài chỉ từ 30-40km, có trung tâm đào tạo nguồn nhân lực đứng thứ ba cả nước (sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) cùng truyền thống về công nghiệp luyện kim, công nghiệp cơ khí chế tạo..., Thái Nguyên đã thực sự trở thành thế lực mới trong thu hút đầu tư ở khu vực trung du miền núi phía Bắc.
Trong khoảng 5 năm qua, Thái Nguyên liên tục nằm trong top đầu của cả nước về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực triếp nước ngoài (FDI).
Tập trung nguồn lực thu hút đầu tư
Theo số liệu thống kê mới nhất, đến thời điểm tháng 6/2020, toàn tỉnh có 153 dự án FDI, trong đó có 118 dự án trong các khu công nghiệp được cấp phép đăng ký và còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 8,2 tỷ USD.
Thái Nguyên đã trở thành "cứ điểm" sản xuất hàng đầu thế giới của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) và trở thành "thỏi nam châm" thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, là điểm đến hàng đầu khu vực phía Bắc của các nhà đầu tư trong nước bởi những tiềm năng, thế mạnh, lợi thế về du lịch, công nghiệp, đô thị và phát triển công nghiệp.
Chỉ tính riêng sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên 2018, đến nay đã có 41 nhà đầu tư đăng ký triển khai 54 dự án tại Thái Nguyên với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 109.000 tỷ đồng, trong đó hơn 50% số dự án đã hoàn thành thủ tục về đầu tư, các dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục về đầu tư...
Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, toàn bộ các hoạt động kinh tế-xã hội của Thái Nguyên đã bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo số liệu khảo sát của Cục Thống kê Thái Nguyên, toàn tỉnh có tới 96,5% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong đó có gần 48% doanh nghiệp không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Doanh thu 4 tháng đầu năm của các doanh nghiệp được khảo sát giảm mạnh xuống còn khoảng trên 80% so với cùng kỳ.
Để ứng phó với các tác động của dịch COVID-19, có 34% số doanh nghiệp được khảo sát sử dụng biện pháp cắt giảm lao động; 49% số doanh nghiệp cho lao động giãn việc/nghỉ việc luân phiên, 21% doanh nghiệp áp dụng biện pháp giảm lương của công nhân, 28% doanh nghiêp cho lao động nghỉ việc không lương và 20% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh...
Thế nhưng trong bối cảnh khá ảm đạm đó, một trong những "điểm sáng" nhất trong phát triển kinh tế của Thái Nguyên lại chính là thu hút đầu tư.
Thống kê bước đầu cho thấy trong gần 6 tháng qua, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 255 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 1.500 tỷ đồng và số lao động đăng ký trên 2.400 lao động, cấp điều chỉnh thay đổi cho 911 doanh nghiệp, cấp thành lập trực thuộc cho 118 đơn vị.
Trong thu hút đầu tư nước ngoài, trên địa bàn tỉnh có thêm 9 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký; trong đó có 8 dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo và 1 dự án thuộc ngành khoa học công nghệ với tổng số vốn đăng ký là 29,4 triệu USD, tăng 5 dự án so với cùng kỳ năm trước và vốn đăng ký tăng 78,2%...
Tỉnh cũng cấp điểu chỉnh tăng tổng vốn đầu tư cho 6 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư tăng thêm là 16 triệu USD, kiên quyết hu hồi giấy chứng nhân đăng ký đầu tư cho dự án Công ty TNHH Daerim Tech Vina tại Khu B, Khu công nghiệp Sông Công 1 do chủ đầu tư không tiếp tục triển khai, quyết định chấm dứt hoạt động dự án.
Ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ để giữ vững vị thế hàng đầu trong thu hút đầu tư là cả một quá trình dài hơi trong đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đầu tư mạnh cho việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp...
Thái Nguyên đã xây dựng nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ đạo sát sao việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp huyện tiến hành rà soát, đánh giá lại một cách tổng thể về tính hợp lý và hiệu quả của các dự án có nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách có liên quan đến quỹ đất, sử dụng lao động, hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với những trường hợp để lãng phí tài nguyên đất, gây ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thấp...
Trong các tháng cuối năm, tỉnh ưu tiên quỹ đất tại Khu Công nghiệp Sông Công II và tiếp tục phát triển các khu công nghiệp để chớp lấy cơ hội thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghiệp chủ đạo và công nghiệp phụ trợ của các tập đoàn lớn dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài sang các nước có môi trường đầu tư thuận lợi để hình thành chuỗi cung ứng mới trong chuỗi giá trị toàn cầu...
Tại Thị xã Phổ Yên, nơi Tổ hợp công nghệ cao Samsung tọa lạc, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tại Việt Nam, không khí lao động sản xuất tại các doanh nghiệp FDI đã trở lại nhộn nhịp như thời điểm trước khi dịch bệnh Covid 19 lan rộng.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Phổ Yên, cho biết là địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI nhất tỉnh, Phổ Yên luôn coi giải phóng mặt bằng là "chìa khóa" để thu hút đầu tư.
Sáu tháng qua, Phổ Yên đã hoàn thành bồi, thường giải phóng mặt bằng 11 dự án với tổng diện tích gần 60 ha, dồng thời thu hút thêm được 1 dự án khu đô thị với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Trong các tháng cuối năm, để tăng thêm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, cùng với việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án, công trình trọng điểm như Khu công nghiệp Yên Bình giai đoạn 2, Khu công nghiệp Điềm Thụy, khu tái định cư... nhằm tạo quỹ đất sạch sẵn sàng cho các tập đoàn lớn đến đầu tư tại địa phương.
Đồng thời, Phổ Yên cũng tập trung nguồn lực nâng cấp hạ tầng đô thị, dịch vụ, giao thông, giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nhất là đường vành đai 5 Thủ đô Hà Nội kết nối giữa huyện Phú Bình, Thị xã Phổ Yên và Hà Nội...
Những "nút thắt" cần tháo gỡ
Cùng với việc tạo điều kiện cho các các doanh nghiệp, dự án FDI triển khai đầu tư vào Thái Nguyên, hiện tỉnh đã thu hút được nhiều dự án của các nhà đầu tư trong nước với mức đầu tư đăng ký lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho mỗi dự án, cụ thể là các dự án của các doanh nghiệp lớn trong nước như: Tập đoàn Sun Group, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần Đầu tư Danko, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG... nhưng quá trình triển khai các dự án này còn gặp không ít khó khăn vướng mắc, cần sớm tháo gỡ.
Hầu hết các dự án có phạm vi thu hồi đất lớn, có tính chất đặc thù phải có ý kiến của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, một số dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ như các dự án sân golf, dự án thu hồi đất lúa, đất rừng; các dự án thủy điện cần có ý kiến thẩm định của Bộ Công Thương; Dự án nông nghiệp công nghệ cao phải có ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...
Do đó, hiện nay trong số 25 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư từ năm 2018 phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung; 9 dự án liên quan đến đất rừng; 5 dự án liên quan đến quy hoạch chuyên ngành thủy điện, phát điện...
Một số dự án không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và phải chủ động thỏa thuận với các hộ dân, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, nhiều dự án phải tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng trước khi tiến hành đấu giá đất lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đất đai và Luật Nhà ở...
Theo ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, để tháo gỡ những "nút thắt" này, tỉnh đang triển khai hàng loạt các giải pháp như: Tiến hành rà soát kết quả triển khai dự án sau 2 năm ký kết biên bản ghi nhớ với tỉnh Thái Nguyên, qua đó thống nhất giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án hoặc hủy bỏ các dự án không thực hiện, chậm triển khai đối với nhà đầu tư.
Tỉnh yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng tại cấp huyện cam kết với nhà đầu tư về tiến độ thời gian giải phóng mặt bằng; phạm vi khu vực có nhiều nhà đầu tư cùng đề xuất lập dự án đầu tư thì xem xét ưu tiên cho nhà đầu tư có thế mạnh, thực sự mong muốn thực hiện dự án và tiếp tục giới thiệu địa điểm mới để thay thế...
Tuy vậy ở nhiều dự án lớn, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền cấp tỉnh, phải đề xuất, kiến nghị cấp Bộ, ngành Trung ương giải quyết.
Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG - doanh nghiệp dệt may lớn hàng đầu của Việt Nam cho biết, hiện công ty có hàng loạt các nhà máy may tại Thành phố Thái Nguyên, Khu công nghiệp Sông Công 1 và các huyện Phú Bình, Đại Từ, Võ Nhai... tạo việc làm ổn định cho khoảng 16.000 lao động.
Trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, Công ty đã biến những thách thức thành cơ hội mới trong sản xuất kinh doanh khi chuyển hướng sang may khẩu trang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, quần áo bảo hộ phục vụ trong lĩnh vực y tế.
Nhận thấy những cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh tại Thái Nguyên, TNG đang triển khai hàng loạt các dự án đầu tư trên địa bàn như các nhà máy phục vụ cho ngành dệt may tại Khu công nghiệp Sông Công, Cụm công nghiệp Sơn Cẩm, Nhà máy mang TNG Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ) với tổng giá trị đầu tư khoảng 3000 tỷ đồng...
Để các dự án này hoàn thành đúng tiến độ như cam kết với tỉnh trong bối cảnh sản xuất kinh doanh rất khó khăn hiện nay khi dịch bệnh COVID-19 vẫn có nguy cơ quay trở lại, doanh nghiệp rất cần tỉnh thực hiện triệt để việc cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục đầu tư, thẩm định của các ngành chức năng.
Đặc biệt đối với giải phóng mặt bằng, Thái Nguyên cũng cần cam kết với nhà đầu tư về thời hạn giải phóng mặt bằng, có thể xây dựng cơ chế bảo lãnh thực hiện dự án.
Ngoài các khu công nghiệp tập trung, tỉnh cần phát triển các cụm công nghiệp nhỏ, hỗ trợ cho các nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Có như vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới có cơ hội triển khai các dự án sản xuất các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, nhất là các sản phẩm về nông, lâm nghiệp...