Thu hút đầu tư nước ngoài phải có chọn lọc
Trong thời gian tới, thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) phải có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm trên nguyên tắc đa phương hoá, đa dạng hoá nguồn vốn, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.
11 tháng của năm 2018, tổng vốn đăng ký gần 340 tỷ USD
Theo thống kê của Bộ Kế hoach và Đầu tư, tính đến tháng 11/2018, cả nước có khoảng 27.000 dự án của các nhà ĐTNN đến từ 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 340 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỷ USD. Trong đó, các dự án ĐTNN tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, chiếm 57% tổng vốn đầu tư đăng ký, ĐTNN đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong những năm qua, ĐTNN là nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và là động lực tăng trưởng kinh tế của. Tỷ trọng vốn ĐTNN trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng từ 15% năm 2005 lên 23,7% năm 2017. Tính riêng năm 2017, so với các thành phần kinh tế khác, tốc độ tăng trưởng của khu vực ĐTNN cao nhất, đạt 12,6%.
ĐTNN thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin. ĐTNN cũng giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nhiều tỉnh, thành phố, góp phần chuyển đổi không gian phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Bên cạnh đó, khu vực ĐTNN đã đóng góp quan trọng vào việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu trong những năm gần đây. Từ năm 2010 trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực ĐTNN cao gấp 2-3 lần so với khu vực trong nước; kim ngạch xuất khẩu gấp khoảng 1,5-2 lần. Tỷ trọng của khu vực ĐTNN trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 17% năm 1995 lên 72,5% năm 2017. Xuất siêu của khu vực ĐTNN đã góp phần cân bằng cán cân thương mại, giảm áp lực tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Đặc biệt, khu vực ĐTNN đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Giai đoạn 1994 – 2000, nộp ngân sách của khu vực ĐTNN đạt 1,8 tỷ USD thì giai đoạn 2011-2015 lên đến 23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2017, khu vực ĐTNN đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng thu ngân sách nhà nước.
Chọn lọc những dự án chất lượng
Trước những đóng góp của khu vực ĐTNN vào nền kinh tế trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định khu vực ĐTNN là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài. Thu hút đầu tư nước ngoài là một chủ trương lớn, rất quan trọng và nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, ĐTNN thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập như liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực ĐTNN đến khu vực trong nước còn thấp, nhiều dự án ĐTNN tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp; Tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình. Chuyển giao công nghệ thông qua ĐTNN chưa đạt kết quả như kỳ vọng; Số dự án ĐTNN ở các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn chưa nhiều. Một số doanh nghiệp ĐTNN chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường; một số doanh nghiệp ĐTNN có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính…
Trong thời gian tới, theo nhiều chuyêngia kinh tế, thu hút ĐTNN phải gắn với mở rộng thị trường trong khu vực và thế giới, gắn với việc đảm bảo ổn định và phát triển thị trường cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam.
Tại Hội nghị “Định hướng thu hút ĐTNN giai đoạn tới” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng như Luật Đất đai, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư…; Yêu cầu thu hút ĐTNN phải có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm trên nguyên tắc đa phương hoá, đa dạng hoá nguồn vốn, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.
Cùng với đó, ĐTNN phải khuyến khích đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, cần tăng cường sự hỗ trợ của doanh nghiệp ĐTNN với doanh nghiệp trong nước, tăng cường liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hoá, gắn ĐTNN với thúc đẩy sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, quan điểm đầu tư phát triển công nghiệp phải gắn với phát triển nhà ở, đảm bảo các dịch vụ cho người lao động. Các nhà ĐTNN cùng với địa phương khi thực hiện giải phóng mặt bằng cần chú ý đảm bảo lợi ích của người dân, triển khai đầu tư đúng cam kết, đúng tiến độ theo quy định của pháp luật Việt Nam.