Đổi mới chiến lược trong thu hút đầu tư nước ngoài
Sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam đã vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh, trở thành một điểm đến được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Tuy nhiên, để gia tăng giá trị từ dòng vốn này, sẽ cần phải đổi mới cơ bản chiến lược thu hút vốn trong giai đoạn tới.
Hai mặt của FDI
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20-8-2018, cả nước có 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp gần 5,28 tỷ USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ 2017 (3.374 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị góp vốn là 3,5 tỷ USD). Như vậy, tính chung trong tám tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN là 24,34 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tính theo tỷ lệ % GDP hay theo đầu người thì vốn FDI vào Việt Nam vượt Trung Quốc, Ấn Độ và vượt phần lớn các nước ASEAN.
Hiện có 128 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po và Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vị trí số 1 về thu hút vốn FDI với tỷ lệ 58%, tiếp theo là kinh doanh bất động sản với tỷ lệ 16%.
Không thể phủ nhận sự tăng trưởng của FDI tại Việt Nam đã mang lại nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và hình thành một số ngành, sản phẩm mới, tạo ra sự đa dạng và gia tăng mức độ tinh xảo, phức tạp trong các sản phẩm của quốc gia, đóng góp quan trọng cho thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu… Song, FDI còn có không ít hạn chế, bất cập.
Bên cạnh đó, liên kết của khu vực ĐTNN với khu vực trong nước ở mức thấp và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Do đó, khu vực ĐTNN tuy đóng góp hơn 50% vào giá trị sản lượng công nghiệp và hơn 70% giá trị xuất khẩu nhưng sản phẩm công nghiệp của chúng ta vẫn đang ở nấc thang khá thấp trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực này chưa đạt hiệu quả đặt ra. Cũng như một số ngành, lĩnh vực ưu tiên còn chưa đạt hiệu quả cao trong thu hút đầu tư.
Đến nay cũng mới có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới hoạt động tại Việt Nam, những dự án công nghệ cao, dịch vụ hiện đại có quy mô từ 1 tỷ USD trở lên đến từ các tập đoàn này còn khiêm tốn.
Điều đáng nói, một số dự án ĐTNN chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về môi trường đã gây hậu quả nghiêm trọng. Hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI chưa cao. Một số doanh nghiệp FDI còn có hành vi chuyển giá dẫn đến thất thu ngân sách, tăng nhập siêu và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh…
Môi trường kinh doanh thế hệ 4.0
Sau 30 năm, giờ đây thuật ngữ “FDI thế hệ mới” đang được nhắc đến ngày một nhiều hơn, như một đòi hỏi cấp thiết nhằm đáp ứng được với một số xu hướng lớn trên thế giới đang ảnh hưởng đến dòng ĐTNN. Cuộc cách mạng 4.0, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, các phương thức đầu tư mới, xu hướng dịch chuyển dòng ĐTNN của một số nước trong khu vực đang đặt ra những thách thức trong việc nâng cao khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn tới đây, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng.
Theo khuyến nghị của IFC, Việt Nam cần xác định mục tiêu chính của lộ trình thu hút FDI thế hệ mới phải là nâng cao năng lực đáp ứng của môi trường kinh doanh để theo kịp yêu cầu từ các nhà đầu tư đang hoạt động ở cấp độ 4.0. Nên chăng, Việt Nam thành lập “Cục Đầu tư nước ngoài thế hệ mới” thay thế Cục Đầu tư nước ngoài hiện tại. Bởi hiện nay, chức năng và nhiệm vụ của Cục Đầu tư nước ngoài bị phân tán mạnh giữa nhiều bộ, ngành. Chưa có tổ chức nào ở Việt Nam có đủ năng lực, kỹ năng nhân sự và thẩm quyền đầu mối để thực hiện xúc tiến đầu tư phù hợp với FDI thế hệ mới. Theo đó, cơ quan mới sẽ có đại diện đáng kể của DN; khả năng thu hút nhân lực có kinh nghiệm và kỹ năng từ khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn đề nghị, cần sửa đổi toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành theo quan điểm cạnh tranh dựa trên những lợi thế riêng, các tài sản chiến lược, thế mạnh của Việt Nam, thay vì chạy đua ưu đãi giữa các địa phương như trước đây. “Khẩu vị” của các nhà đầu tư thế hệ mới cũng sẽ khác, vậy nên cũng cần xác định thứ tự ưu tiên mở cửa trong thu hút đầu tư cho hợp lý.
Thay đổi cán cân trong thu hút vốn
Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến cuối tháng 8-2018, châu Á chiếm trên 70% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Trong khi đó, đầu tư từ châu Âu, Hoa Kỳ lại quá ít ỏi so với tổng vốn FDI vào Việt Nam, cũng như so với nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư này trên thế giới và vào các nước ASEAN. Các chuyên gia IFC, khi xây dựng Báo cáo Định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018-2030 đã nhấn mạnh cần quan tâm đến thu hút đầu tư từ các đối tác Mỹ và EU, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao.
Khẳng định, Mỹ và EU vẫn là những thị trường có nhiều nhà đầu tư tiềm năng nhất, song Cục Đầu tư nước ngoài cũng nhận định: “Triển vọng thu hút nhiều hơn vốn FDI từ Mỹ và EU phụ thuộc chủ yếu vào việc giải quyết tốt những đòi hỏi của nhà đầu tư về tính công khai, minh bạch và dễ dự báo của chính sách pháp luật của Việt Nam”.
Trong bối cảnh mới, Việt Nam cần có các hoạt động xúc tiến đầu tư thích hợp với từng loại hình DN, đặc điểm từng quốc gia, đáp ứng đòi hỏi cao của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới về sở hữu trí tuệ, chống tham nhũng… Nếu không sớm chuyển đổi, cơ hội giữ vững lợi thế cạnh tranh trong thu hút vốn FDI sẽ vô cùng khó khăn!