Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam

Hoàng Thị Anh Thơ - Trường Đại học Thương mại

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với vị trí địa lý thuận lợi và tốc độ tăng trưởng ổn định, thị trường logistics Việt Nam đang trở thành lĩnh vực đầu tư hấp dẫn thu hút các nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Bài viết trao đổi về thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực logistics trong thời gian qua và kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.

Logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng.
Logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng.

Đặt vấn đề

Logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 ban hành theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Chính phủ chủ trương phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được sau 7 năm triển khai Quyết định số 200/QĐ-TTg, hoạt động phát triển logistics quốc gia nói chung và việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực logistics vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong bối cảnh đó, việc đặt ra yêu cầu về thu hút nguồn vốn ngoại vào lĩnh vực này càng trở nên quan trọng.

Thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực logistics

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau 7 năm thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ, lĩnh vực logistics của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Theo đó, ngành dịch vụ logistics đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế, trước hết là xuất nhập khẩu và sản xuất, lưu thông phân phối trong nước. Mặc dù chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước phát triển trên thế giới, nhưng những năm qua ngành dịch vụ logistics đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu, đưa hoạt động xuất nhập khẩu thành một điểm sáng bởi tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam từ mức 428,1 tỷ USD năm 2017 lên 681,1 tỷ USD năm 2023 với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 8,4%/năm cho cả giai đoạn 2017 - 2023.

Hình 1: Số dự án logistics nước ngoài đầu tư vào Việt Nam giai đoạn 1991-2022. Nguồn: Báo cáo Logistics Việt Nam (2023)  
Hình 1: Số dự án logistics nước ngoài đầu tư vào Việt Nam giai đoạn 1991-2022. Nguồn: Báo cáo Logistics Việt Nam (2023)  

Việt Nam hiện có hơn 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 43/139 nước và vùng lãnh thổ tham gia nghiên cứu, tăng 21 bậc so với năm 2016. Đồng thời, Việt Nam cũng là nước xếp ở top đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.

Với vị trí địa lý thuận lợi và tốc độ tăng trưởng ổn định, thị trường logistics Việt Nam đang trở thành lĩnh vực đầu tư hấp dẫn thu hút các nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu thống kê trong giai đoạn 2013-2023, xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực Logistics ngày càng tăng. Số lượng dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt là giai đoạn 2020-2022 với 203 dự án, tăng gấp 1,5 - 2,0 lần số dự án thu hút được của những giai đoạn trước. Trong số 48 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam từ năm 1991 đến nay, số dự án đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất với 20% tổng số dự án; tiếp sau đó là các nhà đầu tư Singapore 19,5%; Hồng Kông 13,5%; Nhật Bản 12,5%, Trung Quốc 7,6%; Hoa Kỳ 7,0%,... Việc đầu tư không dừng lại ở việc dịch chuyển dòng vốn quốc tế vào Việt Nam mà đi cùng với đó là việc chuyển giao công nghệ cũng như trang thiết bị, máy móc nhằm phục vụ cho các hoạt động Logistics.

Các hình thức đầu tư có thể kể đến là thành lập doanh nghiệp hoặc trụ sở, chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam; hay các thương vụ mua bán sáp nhập xảy ra với số lượng và quy mô ngày càng lớn. Cụ thể, nếu xét theo hình thức đầu tư, đại đa số các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức liên doanh (50,4% số dự án) và 100% vốn nước ngoài (48,7% số dự án) khi đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Một số ít các dự án (0,9%) lựa chọn hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh và đều là các dự án được cấp phép từ năm 2010 trở về trước. Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến đầu năm 2023, địa phương thu hút được số dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh với trên 540 dự án, TP. Hà Nội với gần 180 dự án, TP. Hải Phòng trên 50 dự án...

Đóng góp vào thành công chung này phải kể đến nỗ lực của các cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp trong việc xúc tiến đầu tư nhằm thu hút vốn FDI trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2023. Cụ thể, ngày 30/3/2023, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA); Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam (VISABA) đồng phối hợp tổ chức Hội nghị “Xúc tiến đầu tư và thương mại lĩnh vực Logistics Ấn Độ - Việt Nam” nhằm giới thiệu cơ hội cho doanh nghiệp 2 nước về hợp tác đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực logistics. Tháng 4/2023, Bộ Công Thương phối hợp với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore tổ chức Toạ đàm “Việt Nam - Singaprore: Logistics, Thương mại và Kết nối” với sự tham dự của gần 100 doanh nghiệp của cả hai nước nhằm mục tiêu tăng cường cơ hội hợp tác và kết nối doanh nghiệp dịch vụ logistics. Tháng 9/2023, Bộ Công Thương tổ chức Đoàn giao dịch thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác và kinh doanh về logistics tại Nhật Bản nhằm thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực logistics giữa doanh nghiệp hai nước, thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp logistics Nhật Bản vào Việt Nam nhằm phát huy lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dung ưu đãi của các Hiệp định mà hai nước là thành viên. Cũng trong tháng 9/2023, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và xuất nhập khẩu đã tổ chức Hội nghị kết nối thị trường logistics, thúc đẩy giao thương hàng hoá giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ngày 25/10/2023, Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông, Hiệp hội các Nhà sản xuất và Xuất khẩu hàng dệt may Hồng Kông, Hiệp hội Vận tải biển Hồng Kông và các đơn vị của Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị Hợp tác Đầu tư, Thương mại và Logistics Việt Nam - Hồng Kông (Trung Quốc)” tại Hà Nội nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại, qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, hạ tầng logistics và khu công nghiệp.

Một số đề xuất

Theo Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, có nhiều lợi thế cạnh tranh với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6%-8%; Tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành dịch vụ logistics hằng năm đạt 15%-20%. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực logistics, cụ thể:

Một là, tăng cường sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, đồng đều và thực chất của các bộ, ngành, địa phương nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch. Bảo đảm môi trường đầu tư, pháp luật ổn định, thống nhất, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện thích ứng kịp thời với vấn đề mới, xử lý được các bất cập để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư nước ngoài. Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ hiện đại, với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, gắn với liên kết vùng nhằm tạo động lực lan tỏa phát triển. Ban hành danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao, như hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, điện, nước, logistics... để giảm chi phí vận tải, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hai là, thực hiện chính sách mở cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài cho phép thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển dịch vụ logistics. Cần khuyến khích các công ty trong nước liên doanh với các hãng nước ngoài để thiết lập hệ thống logistics toàn cầu, khuyến khích các công ty đa quốc gia và các nhà cung ứng dịch vụ logistics quốc tế đặt trụ sở tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, việc mở cửa với nhà đầu tư nước ngoài không chỉ có ý nghĩa ở việc thu hút dòng vốn FDI, mà còn giúp chuyển giao công nghệ, nhân lực, kinh nghiệm và kéo theo cả hệ sinh thái của các nhà đầu tư này. Do vậy, cần tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi phát triển đầu tư logistics hơn nữa, thu hút các công ty logistics lớn trên thế giới đặt chi nhánh hoặc trụ sở bằng các chính sách ưu đãi về thuế, về hoạt động vận chuyển hàng hóa làm gia tăng số lượng vốn đầu tư nước ngoài và quan trọng hơn là kinh nghiệm và sự tham gia môi trường quốc tế của các nhà điều hành dịch vụ logistics hoặc khuyến khích các công ty trong nước liên doanh với các hãng nước ngoài nhằm thiết lập hệ thống dịch vụ logistics toàn cầu.

Ba là, có các chính sách tập trung phát triển nguồn nhân lực. Cần học tập kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics; tập trung xây dựng trung tâm, viện nghiên cứu chuyên về lĩnh vực logistics; đào tạo kỹ năng, kỷ luật và tác phong làm việc của nguồn nhân lực hiện tại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động logistics, xây dựng tiêu chuẩn nghề trong lĩnh vực logistics. Chỉ khi nguồn nhân lực trong nước đáp ứng cả về chất lượng và số lượng thì các nhà đầu tư nước ngoài mới yên tâm đổ vốn vào khu vực logistics của Việt Nam.

Kết luận

Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics, nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi cho vận tải quốc tế... Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, dịch vụ logistics có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu. Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút vốn FDI, góp phần phát triển ngành dịch vụ logistics một cách bền vững.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Công Thương (2024). Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
  2. Bộ Công Thương (2023). Báo cáo Logistics Việt Nam 2023 – Chuyển đổi số trong Logistics;
  3. Chính phủ (2017). Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017. Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025;
  4. Vũ Khuê (2024). Xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Tạp chí Kinh tế Việt Nam. https://vneconomy.vn/xay-dung-chien-luoc-phat-trien-dich-vu-logistics-viet-nam.htm.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2024