Thu hút FDI đối mặt với nhiều cạnh tranh

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Trong số nhà đầu tư cân nhắc địa điểm đầu tư, 69% đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác, trong khi đó, có 31% đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiến lược đầu tư đa quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đây là một trong những kết quả khảo sát 1.609 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) đang hoạt động tại Việt Nam của Dự án Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) công bố ngày 20/3.

Lý do các DN FDI chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư bao gồm: Đánh giá khá tốt về rủi ro bị thu hồi tài sản; ổn định chính sách; vai trò của DN trong quá trình hoạch định các chính sách có ảnh hưởng đến chính họ; đánh giá khá tốt về mức thuế so với các đối thủ cạnh tranh.

Năm 2013, dù nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, hiệu quả hoạt động của DN FDI vẫn được ghi nhận tốt hơn năm 2012. Năm 2013, có 64% DN FDI báo có lãi, tăng 4 điểm % so với năm 2012, chỉ có 24% doanh nghiệp báo lỗ. Tuy nhiên, các DN FDI vẫn chưa hoàn toàn lạc quan về quỹ đạo tăng trưởng, chỉ 33% DN tuyển thêm lao động.

Ngoài những “đối thủ” cạnh tranh truyền thống trong thu hút FDI với Việt Nam là Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, đã xuất hiện thêm Lào, Philippines và Myanmar.

Sự băn khoăn trước khi chính thức chọn Việt Nam để đầu tư đã tăng lên đáng kể khi 54% DN FDI, trước khi lựa chọn Việt Nam, đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác. Những địa điểm mà các DN FDI trước khi đầu tư vào Việt Nam cân nhắc là Trung Quốc (11,1%), Thái Lan (10,6%) và Campuchia (7,7%). Năm 2011 và 2012, tỷ lệ này chỉ khoảng 32%.

Theo TS.Edmund Malesky, Đại học Duke, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, các DN FDI đều chia sẻ chung băn khoăn về những chi phí không chính thức, gánh nặng thủ tục hành chính, quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế) và chất lượng của cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.