Thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài: Kinh nghiệm từ Trung Quốc

Nguyễn Đông Chiều

TCTC Online - Kinh tế Trung Quốc trong những năm qua đã có những bước phát triển thần kỳ. Đóng góp vào thành công đó là cách thức thu hút và việc quản lý hiệu quả luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI). Là quốc gia láng giềng, với những điểm tương đồng về kinh tế, xã hội, những kinh nghiệm thu hút FPI của Trung Quốc là những bài học quý cho Việt Nam.

Các giai đoạn thu hút FPI

Dòng vốn FPI vào Trung Quốc được đánh giá qua 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1982 – 2004: Giai đoạn này dòng vốn FPI vào Trung Quốc không có sự phát triển vượt bậc và bứt phá như dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Đến hết năm 2004, Trung Quốc đã thu hút khoảng 7 tỷ USD dòng vốn FPI. Mức tăng trưởng FPI hàng năm là khá chậm, tỷ trọng FPI/GDP khoảng 2,94% cho thấy FPI đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc là không đáng kể. Điều này cũng dễ hiểu bởi đặc điểm chung của các quốc gia đang phát triển là thường có sự mất cân đối giữa thu hút FPI và FDI. Tuy nhiên, nguyên nhân căn bản và sâu xa là do mức độ tự do hoá tài khoản vốn của Trung Quốc còn thấp, Chính phủ đặt ra nhiều biện pháp kiểm soát vốn khá chặt chẽ theo chủ trương thu hút chậm rãi dòng vốn FPI.

Giai đoạn này, các biện pháp kiểm soát dòng vốn FPI của Trung Quốc chủ yếu dựa vào các biện pháp hành chính và giới hạn khối lượng giao dịch. Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách rất thận trọng với việc mở cửa thị trường chứng khoán (TTCK) và tiến hành tự do hoá tài khoản vốn chậm rãi. Chính phủ theo đuổi chiến lược “phân khúc thị trường theo từng loại nhà đầu tư (NĐT)”. Các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) chỉ được phép mua cổ phần và các công cụ nợ định giá bằng đồng ngoại tệ trên cả thị trường nội địa lẫn thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc chuyển vốn ra và vào Trung Quốc phải được sự chấp thuận của Chính phủ.

Trung Quốc đưa ra các biện pháp ngăn chặn công ty nước ngoài đầu tư vào các ngành quan trọng như viễn thông, vận tải, năng lượng, quốc phòng. Quy định giới hạn sở hữu của NĐT nước ngoài là 30%. Đi kèm với các biện pháp kiểm soát vốn là các biện pháp hạn chế về ngoại hối. Theo đó, NĐTNN muốn đầu tư vào Trung Quốc phải chuyển sang đồng nội tệ và ngược lại phải chuyển sang đồng ngoại tệ. Tính đến năm 2001, Trung Quốc đã cấp phép cho 390.484 doanh nghiệp có vốn đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư khoảng 359,47 tỷ USD.

Trong gian đoạn này, TTCK Trung Quốc chưa thật sự phát triển, quá trình cổ phần hóa (CPH) các DNNN chưa được đẩy mạnh, Chính phủ ban hành nhiều quy định hạn chế sự tham gia của NĐTNN trên TTCK. Nhìn chung, các giải pháp thu hút vốn FPI là rất thận trọng, Trung Quốc chủ trương hạn chế thu hút dòng vốn này. Các biện pháp quản lý vốn FPI được đánh giá là có hiệu quả, Trung Quốc nhờ đó đã đứng vững trước cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực châu Á năm 1997.

Giai đoạn 2005 đến nay (từ khi TTCK Trung Quốc bùng nổ): Đây là giai đoạn dòng vốn gia tăng một cách đột biến gắn liền với việc tự do hoá tài khoản vốn cũng như sự hội nhập của nền kinh tế Trung Quốc sau khi gia nhập WTO. Trung Quốc đã giảm bớt các biện pháp kiểm soát, đẩy mạnh các biện thu hút dòng vốn FPI bên cạnh dòng vốn FDI. Trung Quốc bắt đầu cho phép các NĐTNN mua bán các cổ phiếu và các công cụ nợ được định danh bằng đồng nội tệ trên cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Các biện pháp kiểm soát ngoại hối cũng được dỡ bỏ dần nhằm cho phép NĐT có thể chuyển đổi sang đồng nội tệ để thực hiện đầu tư. Bên cạnh đó, sức hút của nền kinh tế và sự bùng nổ của TTCK đã kiến nhiều quỹ đầu tư “đổ xô” vào Trung Quốc, mang theo dòng vốn FPI khổng lồ cho quốc gia này.

Sự phát triển của TTCK cùng với quyết định nới lỏng các chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài đã khiến Trung Quốc trở thành một thị trường đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu. Thu hút FPI gia tăng nhanh từ năm 2004 (từ 115 tỷ USD năm 2003 lên 253 tỷ USD năm 2004). Sự phát triển của TTCK và sự phục hồi của các ngân hàng Trung Quốc đã thu hút được một lượng vốn khá lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các ngân hàng lớn như HSBC Securities, Bank of America, Citigroup, American Express. Tính đến 30/4/2009, trên TTCK Trung Quốc có 61 công ty quản lý quỹ với 461 quy đầu tư chứng khoán tham gia với số vốn hàng trăm tỷ USD.  Các quỹ đầu tư gồm 3 dạng sau: Quỹ hỗ tương (Mutual Fund), hay còn gọi là quỹ đầu tư dạng mở (open end fund); Quỹ đầu tư dạng đóng (China close – end fund) và Quỹ đầu tư phòng ngừa.

Từ năm 2005 quá trình CPH các DNNN có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều DN lớn, có vị trị độc quyền trong nền kinh tế quốc dân được tiến hành IPO. Đây là những DN có tiềm năng lớn, có vốn điều lệ hàng trăm tỷ USD, nhận được sự quan tâm đặc biệt của NĐT nước ngoài như:  Petro China, China Mobile…. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm tra, quản lý các công ty phát hành, ban hành những chính sách, ưu đãi đối với các DNNN sau khi CPH. Chính vì vậy, trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2007 rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài dành được những thắng lợi lớn trên TTCK, tạo chất xúc tác hấp dẫn các quy đầu tư khác tham gia TTCK Trung Quốc.

Đáng chú ý là Chính phủ Trung Quốc đã quan tâm và chú trọng đến việc giảm bớt các biện phát kiểm soát FPI. Trước đây, việc thu hút FPI phổ biến diễn ra trên các Sở giao dịch nước ngoài. Tại đó, các NĐTNN mua bán các cổ phần của các công ty Trung Quốc, trong đó chủ yếu là cổ phiếu N (N - Shares) và cổ phiếu H (H - Shares), NĐTNN không được phép mua cổ phần A, loại cổ phiếu chủ yếu phát hành trên TTCK Trung Quốc.

Ngày 1/12/2002, Chính phủ Trung Quốc ban hành quy chế “các tổ chức đầu tư nước ngoài được cấp phép” (Qualified Foreign Institutional Investors - QFII), quy định các NĐT nước ngoài có giấy phép QFII được quyền mua các cổ phiếu A (A - Shares) được định giá bằng đồng NDT. Khi mới ra đời, quy chế QFII hạn ngạch tối đa cho mỗi NĐTNN là 4 tỷ USD, sau đó được nâng lên 10 tỷ USD, hiện nay Trung Quốc đã cam kết mở rộng hạn ngạch từ 10 tỷ USD lên 30 tỷ USD.

Đến cuối năm 2007, Trung Quốc đã cấp phép QFII cho 48 công ty nước ngoài với hạn ngạch 10 tỷ USD vào cổ phiếu A. Như vậy, với hạn ngạch mà cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc (CFE) đã cấp QFII cộng với việc tăng mức trần đầu tư chứng khoán NĐTNN lên 5 – 10% tổng giá trị thị trường cổ phiếu A thì khoảng 55 tỷ đến 120 tỷ USD sẽ được phép đầu tư vào thị trường này trong những năm tới.

Cuối năm 2006, với việc Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực hiện cam kết gia nhập WTO về việc tự do hoá thị trường vốn, Chính phủ bắt đầu nới lỏng các quy định về quản lý ngoại hối đối với NĐTNN như: cho phép các công ty quản lý quỹ nước ngoài tại đại lục chuyển vốn và lợi nhuận đầu tư về nước một cách nhanh chóng, giảm thời gian lưu vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc từ 1 năm xuống còn 3 tháng; tạo điều kiện thuận lợi để NĐTNN tiếp cận đồng NDT, cho phép NĐTNN dùng ngoại tệ để tham gia một số cuộc IPO lớn… Những chính sách trên tạo điều kiện thuận lợi cho NĐTNN tham gia đầu tư và chuyển lợi nhuận về nước. Ngoài ra, Cơ quan giám quản chứng khoán Trung Quốc đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển hệ thống NĐT có tổ chức cho thị trường như: Công ty uỷ thác đầu tư, Quỹ tương hỗ, Công ty Bảo hiểm, Quỹ đầu tư chứng khoán… Cơ quan này cũng ban hành thủ tục thực hiện công bố thông tin, các biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn hành vi lừa đảo liên quan đến chứng khoán, bảo vệ NĐT.

Thành công, thất bại của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam

Trung Quốc luôn giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều thập niên trở lại đây. Dù có những chính sách điều tiết vốn khá nghiêm ngặt nhưng giới đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm đến nền kinh tế này và xem ra chính sách điều tiết nghiêm ngặt sự di chuyển của dòng vốn nước ngoài đã giúp Trung Quốc ổn định được các điều kiện kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Qua xem xét quá trình thu hút FPI của Trung Quốc, những thành công nổi bật là:

Thứ nhất, các giải pháp thu hút FPI mang tính đồng bộ, có lộ trình cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của Trung Quốc, kết hợp chặt chẽ với các biện pháp phát triển kinh tế, hoàn thiện và phát triển TTCK, nâng cao khả năng quản lý của Chính phủ.

Thứ hai, Trung Quốc đã xác định chiến lược, mục tiêu, phương hướng thu hút vốn FPI đúng đắn, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế. Trung Quốc xác định rõ muốn thu hút FPI có hiệu quả, trước hết phải cải thiện môi trường trong nước, dựa vào trong nước là chính, khi TTCK phát triển, môi trường đầu tư tốt tất yếu vốn chảy vào; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng hàng hoá trên TTCK Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc đã biết kết hợp thu hút FPI và quản lý dòng vốn này một cách hiệu quả, không thu hút FPI với mọi giá. Khi thu hút FPI, Trung Quốc đã tính toán những giải pháp quản lý phù hợp; kết hợp chặt chẽ việc thu hút FPI với chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt là chính sách quản lý ngoại hối và tiền tệ; có những giải pháp quản lý, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của dòng vốn này với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề đáng quan tâm. Theo đó, các giải pháp thu hút FPI mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định song so với tiềm lực và khả năng thu hút của Trung Quốc kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốt, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Cụ thể:

Thứ nhất, vẫn tồn tại nhiều hạn chế đối với NĐTNN, hệ thống pháp luật liên quan đến dòng vốn này vẫn còn nhiều sơ hở, thiếu sót, cần tiếp tục hoàn thiện.

Thứ hai, NĐTNN tham gia TTCK vẫn chủ yếu là NĐT nhỏ lẻ trong khi đó NĐT tổ chức chiếm tỷ trọng khá ít. Công tác quản lý của Chính phủ vẫn chưa theo kịp sự phát triển của dòng vốn này. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng thừa nhận, vẫn còn tồn tại nhiều biện pháp hành chính trong việc thu hút và quản lý dòng vốn này. Tỷ trọng vốn FPI trong tổng nguồn vốn đầu tư xã hội của Trung Quốc vẫn còn rất thấp.

Thứ ba, vấn nạn tin đồn vẫn là vấn đề lớn, chưa thể giải quyết và gây ra không ít hệ lụy cho TTCK Trung Quốc. Sự kiện ngày 27/2/2007, được gọi là “ngày thứ ba đen tối” của TTCK Trung Quốc, khi tin đồn về việc Chính phủ sẽ đánh thuế 20% lên lợi tức chứng khoán. Tin đồn nay ngay lập tức tác động đến TTCK Trung Quốc và các TTCK khác trên thế giới. NĐT trong nước và NĐTNN nhanh chóng bán tháo cổ phiếu để rút vốn khỏi TTCK. Chỉ trong vòng một ngày, chỉ số chứng khoán trên Sở giao dịch Thượng Hải mất 8,8%, mức sụt giảm kỷ luc trong vòng 10 năm qua, ước tính tương đương khoản 100 tỷ USD.

Cùng với sự sụt giảm TTCK Trung Quốc, hàng loạt thị trường khác trên thê giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Singapore… cũng bị ảnh hưởng theo. Đây là bài học quan trọng cho những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc trong việc thiết lập các biện pháp kiểm soát vốn. Sự kiện trên cũng cho thấy sự nhạy cảm của dòng vốn FPI đối với các chính sách liên quan đến TTCK. Đồng thời cho thấy các biện pháp kiểm soát vốn trực tiếp (biện pháp hành chính) không còn phù hợp, thay vào đó là các biện pháp kiểm soát vốn gián tiếp (kiểm soát dựa trên thị trường).

Việc Việt Nam gia nhập WTO và sự phát triển mạnh mẽ của TTCK trong nước những năm qua là cam kết đầy hứa hẹn của dòng vốn FPI vào nước ta. Việc thu hút nguồn vốn này có một ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong những năm tới. Là quốc gia nước láng giềng có nhiều nét tương đồng về điều kiện chính trị, văn hoá và thể chế kinh tế xã hội, Việt Nam và Trung Quốc có những điểm tương đồng trong việc hình thành, quản lý và phát triển TTCK, đều đang đứng trước những vấn đề liên quan đến việc hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực tài chính.

Chính vì vậy, những kinh nghiệm của Trung Quốc trong thu hút và quản lý dòng vốn FPI là những bài học bổ ích cho Việt Nam trong việc thu hút và quản lý có hiệu quả nguồn vốn này.
   
Tài liệu tham khảo:
1. Theo Lane and Milesi – Ferretti 2006
2. Theo số liệu được CSRC công bố  trên trang web: http://www.csrc.gov.cn
3. Báo cáo phát triển thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2008, tác giả Lizhangzhe.