Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 356.520 tỷ đồng
(Tài chính) Ngày 10/7/2013, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 356.520 tỷ đồng, đạt 43,7% dự toán, tăng 4,5% mức thực hiện cùng kỳ năm 2012.

Thu, chi NSNN 6 tháng đầu năm
Theo đó, thu nội địa đạt 236.170 tỷ đồng, bằng 43,3% dự toán,. Ước tính có 3/14 khoản thu, sắc thuế thu đạt tiến độ dự toán (từ 50% dự toán trở lên), nhưng là các khoản thu nhỏ (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 96,4%; thu tiền thuê đất đạt 60,5% và thu bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đạt 69,6%); thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,3% (loại trừ khoản hạch toán ghi thu khoản lãi khí nước chủ nhà thì đạt 46%); thuế bảo vệ môi trường đạt 40%....
So với cùng kỳ năm 2012, thu nội địa 6 tháng đầu năm tăng 7,6% (không kể tiền sử dụng đất, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2012); trong đó có 8/14 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó đáng chú ý là thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 35,3%); thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh (tăng 14,5%); lệ phí trước bạ (tăng 27,8%); thuế thu nhập cá nhân (tăng 4,9%).
Ước tính cả nước có 21/63 địa phương có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 50%), chủ yếu là các địa phương có số thu nhỏ (như: Lào Cai, Lai Châu, Thái Bình, Bắc Giang, Bến Tre, Quảng Trị, Sóc Trăng, Hà Giang, Phú Yên, Bạc Liêu..); 42/63 địa phương thu đạt dưới 50% dự toán (trong đó có các địa phương trọng điểm thu như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu).
So với mức thực hiện cùng kỳ năm 2012, có 53/63 địa phương thu đạt và vượt (tuy nhiên mức tăng không lớn và chủ yếu là các địa phương có số thu nhỏ), 10/63 địa phương thu thấp hơn, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Giang, Đắc Lắc, Đắk Nông, Gia Lai và Kiên Giang.
Thu từ dầu thô đạt 55.430 tỷ đồng, bằng 56% dự toán, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2012; Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 61.920 tỷ đồng, bằng 37,2% dự toán, tăng 5,8% cùng kỳ năm 2012, trên cơ sở tổng số thu về xuất nhập khẩu đạt 96.000 tỷ đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 34.080 tỷ đồng.
Về chi NSNN thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 448.910 tỷ đồng, bằng 45,9% dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt 77.920 tỷ đồng, bằng 44,5% dự toán, bằng 100,3% so cùng kỳ năm 2012.
Chi trả nợ và viện trợ ước đạt 52.180 tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2012, đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời các khoản nợ đến hạn.
Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính ước đạt 318.810 tỷ đồng, bằng 48,4% dự toán, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2012;
Giải pháp 6 tháng cuối năm
Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2013; Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu, báo cáo Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế, đồng thời quản lý chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm; chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ chi trong trường hợp thu NSNN không đạt dự toán.
Trong những tháng cuối năm, đòi hỏi phải tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm chắc tình hình để kịp thời có những chính sách điều hành cho phù hợp, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động ngăn ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong đó tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tập trung sức tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết hàng tồn kho, xử lý hiệu quả nợ xấu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh. Triển khai quyết liệt, có hiệu quả các phương án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra (GDP tăng 5,5%), qua đó tăng thêm nguồn thu cho NSNN;
Hai là, tăng cường công tác quản lý thu NSNN, tập trung chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2013. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách thu theo hướng vừa khuyến khích đầu tư, sản xuất - kinh doanh trong nước và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, vừa động viên hợp lý nguồn thu. Rà soát, điều chỉnh một số khoản phí, lệ phí để tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh tồn đọng kinh phí lớn tại đơn vị.
Kiểm tra chặt chẽ công tác hoàn thuế. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trên địa bàn trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng, ngành Thuế phấn đấu đảm bảo tỷ lệ nợ đọng đến cuối năm không quá 5% số thực hiện thu. Rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, tập trung vào các địa bàn, doanh nghiệp có số thu lớn.
Kiểm tra, thanh tra việc hoàn thuế GTGT đảm bảo thực hiện đúng quy định; tăng cường các giải pháp chống chuyển giá, chống nợ đọng thuế, trốn thuế, kê khai không trung thực về các khoản thu phải nộp ngân sách, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Không ban hành thêm các chính sách làm giảm thu NSNN.
Ba là, tăng cường công tác quản lý chi NSNN, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả; dừng ban hành thêm các chế độ, chính sách làm tăng chi NSNN. Trong đó:
- Thực hiện cắt giảm chi, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương và dự phòng ngân sách địa phương đối với số vốn đầu tư và kinh phí thường xuyên đã giao trong dự toán của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30/6/2013 chưa phân bổ hoặc phân bổ không đúng quy định; vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2013 đã phân bổ cho các dự án nhưng đến ngày 30/6/2013 chưa triển khai thực hiện và các khoản vốn, kinh phí đơn vị sử dụng sai quy định.
- Tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển (vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA...) để góp phần nhanh chóng khôi phục lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Hạn chế việc kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2013 sang năm 2014. Hạn chế tối đa việc ứng trước vốn đầu tư cho các dự án (kể cả vốn đầu tư của NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ).
- Thực hiện rà soát các nhiệm vụ chi thường xuyên; thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên của 7 tháng cuối năm 2013; cắt giảm, hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản mua sắm trang thiết bị, xe ô tô; hạn chế tối đa tổ chức hội thảo, hội nghị quốc gia, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định; tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho các nhiệm vụ chi tổ chức lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước...
Bốn là, điều hành NSNN chủ động, tích cực; bảo đảm cân đối ngân sách các cấp. Chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi phù hợp với khả năng thu; theo dõi chặt chẽ tình hình biến động tồn quỹ NSNN các cấp, điều hành đảm bảo khả năng thanh toán, chi trả của NSNN. Quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí dự toán ở các cấp ngân sách; tập trung điều hành sử dụng trong phạm vi 50% nguồn dự phòng đã bố trí trong dự toán của từng cấp để xử lý các nhiệm vụ chi phát sinh, như: phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh...
Năm là, triển khai quyết liệt công tác huy động vốn, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi NSNN và cho đầu tư phát triển.
Sáu là, tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số mặt hàng quan trọng (xăng dầu, điện, than bán cho sản xuất điện,..) theo lộ trình phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu NSNN. Công khai thông tin về giá và quỹ bình ổn giá xăng dầu. Thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế; làm tốt công tác dự báo để kịp thời có các giải pháp bình ổn giá thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Bảy là, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; kịp thời hỗ trợ cứu đói, khắc phục hậu quả thiên tai. Thực hiện rà soát để loại bỏ sự trùng lặp các chính sách, chế độ, đảm bảo sử dụng NSNN tiết kiệm, hiệu quả./.