Thu ngân sách ở Đắk Lắk: Nhiều việc cần làm ngay


Chỉ còn chưa đầy tháng nữa là kết thúc năm 2012, mặc dù đã nỗ lực khai thác tối đa các nguồn thu, tăng cường đôn đốc thu nợ thuế cũng như số thuế được gia hạn, nhưng đến hết tháng 11/2012, tổng thu thuế và phí trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mới thực hiện được hơn 2.760 tỷ đồng, bằng 85,6% so với dự toán pháp lệnh. Xác định rõ tình huống khó khăn, ngay từ tháng 8, Cục Thuế đã tổ chức các đoàn công tác, nắm bắt tình hình thu nộp ngân sách ở các Chi cục Thuế để có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc thu kịp thời.

Cán bộ Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ kiểm tra, hướng dẫn người nộp thuế ghi sổ sách kế toán
Cán bộ Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ kiểm tra, hướng dẫn người nộp thuế ghi sổ sách kế toán
Nhiều nguồn thu sụt giảm
 
Theo đánh giá chung, trong năm 2012, giá các mặt hàng chủ lực của tỉnh như cà phê, cao su có chiều hướng giảm; giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách miễn giảm, gia hạn nộp thuế theo Nghị quyết của Chính phủ cũng làm cho nhiều nguồn thu bị giảm sút.

Cụ thể, thuế Giá trị gia tăng tháng 6/2012 được gia hạn nộp sang tháng 1/2013 (tiếp tục được gia hạn đến tháng 4/2013) làm hụt nguồn thu hơn 131 tỷ đồng. Thuế Thu nhập doanh nghiệp ở lĩnh vực thu ngoài quốc doanh giảm 30% theo Nghị quyết 29 của Quốc hội, làm hụt nguồn thu so với dự toán là 57 tỷ đồng. Thuế Thu nhập cá nhân được giảm từ tháng 7 - tháng 12/2012 cũng làm hụt nguồn thu hơn 8 tỷ đồng. Ngoài ra, khi xây dựng dự toán năm 2012, giá cà phê là 42 triệu đồng/tấn, nhưng thực tế giá bình quân trong năm 2012 chỉ đạt 29 triệu đồng/tấn. Tương tự, giá cao su khi xây dựng dự toán là 85 triệu/tấn nhưng giá thực tế chỉ 61 triệu đồng/tấn. Tổng hai khoản này làm hụt thu hơn 100 tỷ đồng. 
 
Trước tình huống khó khăn, mặc dù đã có nhiều nỗ lực quản lý,  nhưng đến thời điểm hiện nay, nhiều Chi cục Thuế đã đưa ra dự báo thiếu hụt nguồn thu, khó hoàn thành dự toán năm 2012. Báo cáo với đoàn công tác, ông Trần Văn Sự - Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện EaHleo, cho biết, tổng số thu thuế và phí 11 tháng trên địa bàn Huyện được hơn 140 tỷ đồng, đạt 81,6%. Để hoàn thành dự toán, trong tháng còn lại, nhiệm vụ của Chi cục Thuế phải thu hơn 32 tỷ đồng. Sau khi yêu cầu Chi cục Thuế xác định lại tất cả các nguồn thu, ông Ngô Việt Hồng Phó cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk ước lượng: Nếu thu dứt điểm số thuế Giá trị gia tăng gia hạn của tháng 4, tháng 5 chuyển nộp trong tháng 11 và 12 này là 38 tỷ đồng; số thuế phát sinh theo bộ của tháng 11, 12 là hơn 8 tỷ đồng và nợ có khả năng thu là 5,7 tỷ đồng… thì Chi cục Thuế huyện EaH’leo vẫn còn có khả năng hoàn thành dự toán năm.
 
Tương tự, Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ, tổng số thuế và phí 11 tháng chỉ đạt hơn 118 tỷ đồng, ước tổng thuế và phí năm 2012 là 147 tỷ đồng, thiếu hụt nguồn thu hơn 12 tỷ đồng so với dự toán pháp lệnh. Nếu tăng cường công tác thu hồi nợ thuế, nhất là đối với số nợ thuế có khả năng thu, thì khả năng hoàn thành dự toán của thị xã Buôn Hồ cũng rất cao. Tuy nhiên, kết quả này cũng không dễ đạt được vì số nợ thuế còn rất lớn - lên tới gần 100 tỷ đồng.
 
Nhiều đơn vị chỉ đặt mục tiêu: Phấn đấu ở mức cao nhất
 
Không thuận lợi như Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ hay Chi cục Thuế huyện EaH’leo, đến hết tháng 11/2012, tổng số thuế trên địa bàn huyện EaKar chỉ mới được hơn 82,9 tỷ đồng đạt 81,5% so với dự toán phải thực hiện là 101,8 tỷ đồng. Nếu thu dứt điểm số nợ có khả năng thu, số thuế Giá trị gia tăng được gia hạn và số thuế phát sinh trong tháng 11 và 12 thì Chi cục Thuế huyện EaKar vẫn thiếu hụt nguồn thu trên 2 tỷ đồng. 
 
Cũng như Chi cục Thuế huyện EaKar, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc, quản lý chặt chẽ các nguồn thu phát sinh, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thu nợ thuế nhưng đến hết tháng 11, Chi cục Thuế huyện Krông Pắc, chỉ mới đạt 117,5 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm 2012 chỉ hơn 133 tỷ đồng, thiếu hụt hơn 25 tỷ đồng so với dự toán pháp lệnh. 
 
Nằm trong tình trạng thiếu hụt nguồn thu “trầm trọng” là Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột, dự báo khả năng thực hiện dự toán năm 2012 chỉ đạt khoảng 750 tỷ đồng so với dự toán phải thực hiện là 932 tỷ đồng, thiếu hụt nguồn thu khoảng 182 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Ánh - Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP cho biết: chỉ tính riêng trong 11 tháng, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có 185 DN tạm ngừng kinh doanh; 96 DN giải thể, phá sản; 95 DN tự bỏ kinh doanh; 1.334 DN không phát sinh số thuế phải nộp… khiến cho nhiều nguồn thu bị sụt giảm. Trong lĩnh vực ngoài quốc doanh, thuế Giá trị gia tăng chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng dự toán, thì đến giờ mới chỉ thu được hơn 244 tỷ đồng, nguồn thu bị thiếu hụt lớn nhất chủ yếu là thuế Giá trị gia tăng từ lĩnh vực cà phê, nông sản.

Nguyên nhân là do Chi cục Thuế các huyện tăng cường công tác chống thất thu trên khâu lưu thông, yêu cầu xuất hóa đơn và nộp thuế tại các địa phương, khiến cho số thuế Giá trị gia tăng trong 10 tháng phát sinh trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột giảm trên 70 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Một nguyên nhân nữa là số thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Giá trị gia tăng được giảm, gia hạn của TP. Buôn Ma Thuột tương đối lớn, vì các DN chủ yếu tập trung ở đây. Riêng thuế Giá trị gia tăng được gia hạn của tháng 4, tháng 5 năm 2012 chuyển nộp vào tháng 11, tháng 12 là 63 tỷ đồng và số thuế Thu nhập doanh nghiệp trên 10 tỷ đồng (giảm 30% theo Nghị quyết của Chính phủ). “Nếu không có phần giảm, gia hạn này thì 11 tháng năm 2102, Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột đã thu đạt gần 70% so với dự toán, chứ không phải là 63% như hiện nay”, ông Ánh cho biết thêm.
 
Những việc cần làm ngay
 
Trước những dự báo gần như chắc chắn về việc thiếu hụt nguồn thu, Phó cục trưởng Ngô Việt Hồng yêu cầu các Chi cục Thuế kiểm tra, rà soát thật chính xác các nguồn có khả năng thu trong tháng còn lại, đồng thời đưa ra những biện pháp quyết liệt nhất, nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu trước mắt. Bên cạnh đó, cơ quan thuế các cấp phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các DN cùng chia sẻ khó khăn với ngành Thuế, nhất là đối với các khoản thuế Giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 mà DN được gia hạn nộp trong tháng 11, tháng 12 theo Nghị quyết 13 của Chính phủ, nay đã đến hạn nộp.

Đối với công tác thu hồi nợ đọng thuế, Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị thu áp dụng ngay những biện pháp cưỡng chế đối với các DN dây dưa, chây ỳ nợ đọng, đồng thời thu dứt điểm các khoản thuế phát sinh trong tháng còn lại, tránh trình trạng để nợ mới lấn tới; đồng thời tập trung thu dứt điểm những khoản nợ có khả năng thu, nhằm bù đắp cho các khoản thu bị thiếu hụt. Nếu đồng loạt thực hiện những biện pháp tích cực đó, tin rằng tiến độ thu ngân sách năm 2012 của Đắk Lắk sẽ có được kết quả khả quan.