Thu nhập của người lao động được cải thiện
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố Khảo sát về lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2018. Kết quả khảo sát cho thấy, thu nhập, chi tiêu, mức sống của người lao động đang dần được cải thiện.
Khảo sát về lao động, tiền lương, thu nhập được thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố, ngành trung ương có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp (DN) và vùng lương.
Theo đó, khảo sát đã thu thập báo cáo, lấy ý kiến 3.008 phiếu hỏi đối với người lao động (NLĐ), tại 150 DN, trung bình mỗi DN 20 lao động, đảm bảo cơ cấu về giới tính, độ tuổi, vị trí công việc; Tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc. Về quy mô, cơ cấu và cách thức chọn mẫu NLĐ trả lời phiếu hỏi cơ bản phù hợp với tình hình lao động trong các DN khảo sát.
Kết quả khảo sát, có 90,0% NLĐ được hỏi cho biết DN nơi họ làm việc đã có thang, bảng lương, trong đó DN nhà nước là 92,1%; Dân doanh là 90,6%; DN FDI là 88,0%. Đồng thời có 4,8% trả lời “chưa có” và 5,3% trả lời “không biết”. Về hình thức, quy chế trả lương, có 61% NLĐ được trả lương theo thời gian, trong đó NLĐ làm việc gián tiếp, nhân viên văn phòng có tỷ lệ cao nhất là 82,1%; Lao động trong các DN FDI là 79,8%; DN dân doanh là 51,0%; DN nhà nước là 49,7%. Có 31,4% NLĐ được trả lương theo sản phẩm, có 7,6% NLĐ được trả lương theo hình thức hỗn hợp.
Về thời hạn nâng lương, ngoài việc điều chỉnh mức lương tối thiểu, các DN cũng đã thực hiện nâng lương định kỳ theo thang, bảng lương cho NLĐ, hoạt động này được thực hiện tốt hơn ở các DN nhà nước, song thời hạn nâng lương lại dài hơn các loại hình khác, thường là 2-3 năm/lần theo nền nếp trước đây.
Trong đó, các DN FDI và dân doanh thường nâng lương theo mức độ hoàn thành công việc, xếp loại hàng năm, thời hạn xét nâng lương cũng ngắn hơn, mức tăng trung bình 5%/bậc. Có 94,4% NLĐ cho biết DN có nâng lương định kỳ cho NLĐ, DN nhà nước là 98,4%; DN dân doanh là 97,6%; DN FDI là 88,7%. Thời hạn nâng lương 1 năm/lần, chiếm 48,6%; Nâng 2 năm/lần, chiếm 18,4%; Thời hạn 3 năm/lần là 29,5%.
Khảo sát cũng cho biết về tiền lương cơ bản, hàng tháng của NLĐ (làm đủ giờ công, ngày công) nhận được trung bình là 4,670 triệu đồng, tăng 4,24% so với kết quả khảo sát năm 2017. Ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ DN với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân NLĐ, nhưng các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ).
Tổng thu nhập trung bình của NLĐ (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản là 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. Tiền lương cơ bản chiếm 84,4% tổng thu nhập của NLĐ. Trong đó, tại DN FDI tỷ lệ này chiếm 77,3%; giày da chiếm 80,5%; cơ khí, chế tạo kim loại là 75,5%; điện, điện tử là 78,6%; dệt may 81,4%.
Đề cập đến mức chi tiêu của NLĐ, khảo sát cho biết, qua số liệu xử lý phiếu khảo sát năm 2018, có 2.885 NLĐ đang sống chung hộ gia đình với người thân, với số lượng, cơ cấu là 3,7 nhân khẩu/hộ, trong đó có 2,05 người phụ thuộc (con nhỏ) và 1,65 lao động hưởng lương, mức chi tiêu trung bình của một hộ gia đình khoảng 7,38 triệu đồng/tháng.
Với thu nhập và chi tiêu hiện nay (không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống) có 32,1% NLĐ cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà NLĐ dành dụm để chi tiêu dịp lễ Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái. So sánh thu nhập với chi tiêu của NLĐ và gia đình, có 17,4% NLĐ cho biết có dư dật và tích luỹ; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống.
Theo đánh giá, so với năm 2017, tỷ lệ NLĐ cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%; số NLĐ gặp khó khăn “không đủ sống, phải làm thêm giờ” chỉ tăng nhẹ (0,5%), nhưng tỷ lệ NLĐ “vừa đủ trang trải cho cuộc sống” giảm 7,6%; tỷ lệ NLĐ phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%. Nhưng nhìn chung, đa số NLĐ cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn, song thu nhập cơ bản đủ trang trải cho cuộc sống.