"Thu thuế phải thu được lòng dân"

PV.

(Tài chính) Đó là phương châm mà ngành Thuế phấn đấu bằng mọi cách để đạt được. Tham luận của Tổng cục Thuế tại Hội thảo "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với chủ đề "Từ lời dạy của Bác đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong ngành Tài chính", được toàn thể Hội nghị đánh giá là một tham luận sâu sắc nhất.

"Nộp thuế XNK trong 5 phút" - là tiêu chí được các DN đánh giá cao.
"Nộp thuế XNK trong 5 phút" - là tiêu chí được các DN đánh giá cao.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác quản lý tài chính. Người chỉ rõ chính sách kinh tế tài chính của Nhà nước ta là “tăng thu giảm chi”, là “làm ra nhiều chi dùng ít. Không cần thì không chi dùng” và Người nhấn mạnh “đó là tất cả chính sách kinh tế tài chính của ta”. Công tác tài chính phải chủ động phân phối nguồn lực tài chính, các khoản thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cho phát triển, tiêu dùng, phải nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, từng bước cải thiện đời sống cho nhân dân, phải làm cho nhân dân no ấm thì “Mọi việc trôi chảy, thuế khóa dễ thu, tài chính dồi dào, dân no thì nước giầu”. Sự nghiệp công tác thuế là của toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân ta có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là tuân theo pháp luật Nhà nước; đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung”. Vì vậy, công tác thuế phải do “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để quần chúng nhân dân biết và đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong quản lý thuế và thu thuế phải thu được lòng dân”...

Muốn thu được lòng dân, cũng có nghĩa là mỗi chính sách thuế phải được dân biết, dân bàn phải được dân đồng tình ủng hộ. Thấm nhuần tư tưởng đó, trong những năm qua, ngành Thuế đã có nhiều hành động thiết thực, cụ thể để hiện thực hoá lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhìn lại lịch sử ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng, gắn liền với những thăng trầm của lịch sử đất nước, trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt, đời sống nhân dân cả nước gặp rất nhiều khó khăn … nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, mỗi cán bộ thuế đã trở thành những chiến sỹ xung kích trên mặt trận dân vận thực thụ, vận động nhân dân chắt chiu từng hạt gạo, đồng tiền thuế để phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đất nước ta thống nhất, non sông thu về một mối, toàn dân ta được sống trong hoà bình, độc lập tự do. Sau hơn 30 năm thống nhất đất nước, cả nước tiếp tục bắt tay vào công cuộc đổi mới, vừa xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, ngành Thuế tiếp tục đồng hành cùng cả nước để từng bước đổi mới phương pháp quản lý thu thuế, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách thuế, đồng tiến thuế tiếp tục được phát huy để phục vụ cho quốc kế dân sinh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ lợi ích của nhân dân, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, đặc biệt là từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Những đóng góp sức người, sức của to lớn của nhân dân ta và các thành phần kinh tế, càng thấy rõ được ý nghĩa quan trọng trong lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành phương châm đồng hành xuyên suốt của toàn Ngành.

Chính sách thuế liên quan đến mọi tầng lớp dân cư, mọi thành phần kinh tế, chính vì vậy để toàn dân đồng thuận, đòi hỏi việc tuyên truyền, vận động để mọi người dân chấp hành tôt chính sách thuế là hết sức cần thiết. Nhận thấy được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, ngành Thuế đã dành sự quan tâm đúng mức với nhiều hình thức khác nhau từ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; pa nô, áp phích tại các khu dân cư về trách nhiệm và nghĩa vụ nộp thuế, quyền lợi của người nộp thuế... đến những tờ rơi, hệ thống kiosk thông tin cập nhật đầy đủ các nội dung để người nộp thuế thông hiểu chính sách của Nhà nước. Bên cạnh tuyên truyền, hỗ trợ cũng được xem là một trong những biện pháp quan trọng để người nộp thuế nắm bắt được các chủ trương về chính sách thuế. Những năm qua, công tác tuyên truyền hỗ trợ của ngành Thuế đã thực sự trở thành “bạn đồng hành của của người nộp thuế”, mọi vướng mắc khó khăn phát sinh trong quá trình thực thi các chính sách thuế đã được giải đáp kịp thời; đã có hàng triệu câu hỏi mà người nộp thuế đưa ra được cơ quan thuế trả lời bằng văn bản, qua điện thoại và tư vấn tại chỗ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh. 

Mạnh dạn hơn, để nắm được tâm tư nguyện vọng của các tổ chức cá nhân nộp thuế, ngành Thuế đã tổ chức những cuộc đối thoại trực tiếp, mà ở đó, khoảng cách giữa một cơ quan quản lý với người chấp hành đã được xoá bỏ, tất cả cùng nhìn về một hướng để tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện cho Doanh nghiệp, người nộp thuế mở rộng SXKD, tích luỹ đầu tư và đóng góp nhiều hơn cho NSNN. 

Không những thế, trước khi thực thi một chính sách thuế, ngành Thuế đã có những việc làm quan trọng tìm hiểu tâm tư nguyên vọng của người dân, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu. Từ chính sách thuế GTGT, TNCN, TTĐB, thuế Bảo vệ môi trường, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp,... đều được ngành Thuế đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng lấy ý kiến đóng góp từ người dân. Mỗi phản hồi là thước đo quan trọng đánh giá sự quan tâm của người dân đến chính sách thuế; mỗi ý kiến đóng góp là những “thước ngọc – khuôn vàng” để ngành thuế xem xét và hoàn thiện chính sách trước khi đưa ra. 

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã từng nói: “Người chèo thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Dưỡng sức dân để làm kế gốc rễ lâu bền – đó mới chính là đạo của những người trị quốc” để nói lên sức mạnh của sự đồng thuận nhân dân. Ngành thuế chắc hơn ai hết thấu hiểu được câu nói đó, bởi ngân sách có mạnh có giàu là do sự đóng góp của người nộp thuế đem lại. Để tri ân cho những đóng góp đó, hàng năm ngành thuế đã tổ chức những hội nghị tôn vinh các tổ chức cá nhân SXKD giỏi và chấp hành tốt nghĩa vụ thuế. Đã có hàng ngàn đơn vị cá nhân được ngành thuế vinh danh và đó chính là những minh chứng cho việc lòng dân đã thuận.

Đất nước ta vẫn còn nhiều gian khó, vẫn cần nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển. Chính vì vậy, hàng năm nhiệm vụ thu ngân sách mà ngành Thuế thực hiện không chỉ có có sự nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác thuế mà còn phải có sự chung tay đóng góp của người nộp thuế. Dân giàu thì nước mới mạnh, nhưng kinh tế thị trường có quy luật của nó, có lúc thịnh lúc suy. Thời gian gần đây kinh tế trong và ngoài nước có nhiều khó khăn bất ổn, ngành thuế đã có những đề xuất quan trọng để “dưỡng sức dân để làm kế gốc rễ lâu bền”.  Thấm nhuần tư tưởng của Bác, xuất phát từ lợi ích của người nộp thuế (NNT) và thực hiện khoan sức dân theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, công tác thuế đã từng bước được hoàn thiện từ cơ chế chính sách đến quy trình quản lý hành thu và giảm tỷ lệ động viên về thuế, tăng thêm nhiều ưu đãi cho NNT, nhiều nguồn thu được bãi bỏ, không huy động như: thuế sát sinh, thuế sử dụng đất nông nghiệp; giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và giãn, hoãn thuế TNDN cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ; giảm và miễn thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân có thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công, nhằm hỗ trợ Doanh nghiệp, người nộp thuế vượt qua giai đoạn khó khăn và mới đây, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất gói hỗ trợ lên đến 29.000 tỷ đồng, tập trung vào giãn, giảm thuế GTGT, TNDN nhằm giúp các Doanh nghiệp kích thích tiêu thụ hàng hoá, giảm hàng tồn kho.

Đã có người ví, cán bộ thuế như người làm dâu trăm họ, vừa phải thu được thuế cho NSNN, nhưng cũng phải hợp lòng dân quả là bài toán nan giải. Với tốc độ tăng trưởng thu hàng năm lên tới đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2012, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao cho ngành Thuế là 581.600 tỷ đồng, đây là nhiệm vụ rất nặng nề, do vậy, để thực hiện được lời dạy của Bác Hồ với phương châm “thu thuế và thu được lòng dân”, đòi hỏi mỗi mỗi cán bộ thuế phải quyết tâm hoàn thiện mình hơn nữa, xác định ý thức trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ, tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách thuế, đây là tiền đề quan trọng để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành năm 2012 và những năm tiếp theo.

Hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngành Thuế cả nước đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền với các nội dung trọng tâm:

Một là, cán bộ thuế phải trung với nước, có nhận thức sâu sắc về nghĩa vụ của bản thân đối với đất nước; phải luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, cơ quan giao; thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị; luôn tận hiếu với dân, biết tôn trọng nhân dân, nêu cao tinh thần phục vụ dân, việc gì có lợi cho dân thì hết sức phục vụ, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

Hai là, cán bộ thuế phải sống có nghĩa, có tình, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; gương mẫu tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hoá mới. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, cần mẫn, siêng năng trong học tập và lao động, tích cực tham gia các phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị. Năng động, sáng tạo, phát huy sáng kiến, đề xuất các giải pháp với lãnh đạo thực hiện công vụ đạt hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, chi phí, tuân thủ pháp luật thuế, không gây phiền hà cho người nộp thuế. Không tham ô, vụ lợi, trong quá trình thực thi công vụ cán bộ thuế phải tuân thủ theo pháp luật, không lợi dụng quyền hạn trong thực thi công vụ để hách dịch, nhũng nhiễu, vụ lợi làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người cán bộ thuế và uy tín danh dự của cơ quan thuế.

Ba  là, nêu cao tính trung thực, thẳng thắn trong thực thi công vụ, trong quan hệ công tác, trong việc bảo vệ pháp luật, dũng cảm đấu tranh bảo vệ cái đúng và phê phán cái sai. Trong quá trình thực thi công vụ cán bộ thuế phải công tâm, khách quan, bình đẳng với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật thuế. Mỗi cán bộ thuế phải là người biết tuyên truyền đường lối chính sách thuế của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân và biết lắng nghe ý kiến phản ảnh của nhân dân với Đảng, Nhà nước, cơ quan để hoàn thiện chính sách chế độ về thuế, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Bốn là, cán bộ thuế phải xây dựng tác phong và lối sống sống khiêm tốn, giản dị, yêu lao động và biết quý trọng thời gian. Trong quan hệ với đồng nghiệp, với nhân dân thì cởi mở, chân tình, thân thiện, giầu tình thương, có lương tâm, yêu quý con người. Lắng nghe ý kiến của nhân dân, tôn trọng tập thể, thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan. Hàng tháng, quý, năm đánh giá kết quả thực hiện, phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, phấn đấu và học tập không ngừng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Với gần 350 cán bộ đảng viên sinh hoạt tại 21 Chi bộ, Đảng bộ cơ quan Tổng cục Thuế đã triển khai đồng bộ việc phổ biến và giáo dục pháp luật; Luật cán bộ công chức; Luật Phòng chống tham nhũng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Đảng ủy Bộ Tài chính,  Đảng bộ cơ quan Tổng cục Thuế; 10 điều kỷ luật của cán bộ thuế; những điều đảng viên không được làm, ... thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi Hồ Chí Minh căn dặn ngành Thuế, với phương châm “Thu thuế phải thu được lòng dân” vẫn đã và đang được cán bộ, đảng viên Đảng bộ cơ quan Tổng cục Thuế tích cực thực hiện. Với tầm nhìn và sự hiểu biết sâu rộng, tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý thu thuế đã từng bước thấm sâu vào từng cán bộ, đảng viên, công chức của Tổng cục Thuế. Những lợi ích đem lại cho người dân từ công cuộc cải cách của ngành Thuế đã và đang được triển khai tại Tổng cục Thuế là lợi ích tổng thể mà xã hội nhận được vì mục đích tốt đẹp: dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng một nền hành chính công có tính khoa học, vì dân phục vụ. Từ nay đến năm 2020, thực hiện phương châm “Thu thuế phải thu được lòng dân” cũng chính là thực hiện thành công Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011, cũng như Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2015 và các Đề án triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 theo Quyết định số 2162/QĐ-BTC ngày 08/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác quản lý thuế được coi là một phương pháp quản lý hiệu quả. Bởi tư tưởng và đạo đức của Bác là sự kết tinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hoá của nhân loại. Học tập tư tưởng của Bác để mỗi cán bộ, công chức thuế thể hiện tốt tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ NNT và tận tụy với công việc. Đồng thời, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” như Bác Hồ đã từng dạy.

Phương châm “Thu thuế phải thu được lòng dân” ngắn gọn của Người đòi hỏi Đảng bộ cơ quan Tổng cục Thuế chủ động và sáng tạo tìm ra những biện pháp, cách thức quản lý thuế một cách khoa học và nghệ thuật nhất để vừa đi sâu vào lòng người, tạo nên sự đồng thuận và tự giác tuân thủ pháp luật thuế nơi NNT, đảm bảo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao./.