Thứ trưởng Bộ Tài chính: Vay 3 tỷ đô la không làm thay đổi tổng nợ
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định việc phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 3 tỉ đô la Mỹ mà Chính phủ đang xin ý kiến Quốc hội chỉ được thực hiện trên cơ sở đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và không làm thay đổi tổng nợ.
Trao đổi với báo chí ngày 26/10 về tình hình ngân sách nhà nước, ông Tuấn khẳng định, việc phát hành 3 tỉ đô la Mỹ ra thị trường tài chính quốc tế là nhằm “tái cơ cấu” nợ ngắn hạn trong nước bằng vay quốc tế dài hạn.
“Tổng nợ không thay đổi, chỉ thay đổi chủ nợ và lãi suất. (Chính phủ) đang xin ý kiến Quốc hội, và khi thực hiện phải cân đối đảm bảo an ninh tài chính hiệu quả nhất,” ông cam kết.
Thứ trưởng Tài chính bổ sung thêm: “Công tác chuẩn bị phát hành là khả thi và dựa trên nguyên tắc nhu cầu đến đâu sử dụng đến đó. Cả 3 tỉ đô la Mỹ là trần cho cả giai đoạn 2015-2016 chứ không phải bức bách cho một thời điểm.”
Liên quan đến ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, ông Tuấn cho biết, Chính phủ đã báo cáo ra Quốc hội là thu ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ vượt dự toán 17.400 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu, ông giải thích, là do tăng trưởng GDP dự kiến đạt mức cao 6,5%, và tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đã tăng lên cao, chiếm 39-42% tổng số doanh nghiệp trong năm nay từ mức chỉ khoảng hơn 30% các năm trước.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, ngân sách trung ương sẽ hụt 31.000 tỉ đồng trong năm nay do hai lý do cơ bản. Thứ nhất, giá dầu thô chỉ còn 54-55 đô la Mỹ/thùng, giảm nhiều so với mức giá dự toán là 100 đô la Mỹ/thùng. Thứ hai, Việt Nam phải điều chỉnh thuế nhập khẩu một số mặt hàng như dầu ma dút về 0%, dầu diesel còn 5% khi hội nhập ASEAN.
Để bù đắp phần nào khoản hụt thu nói trên, “Trong báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ kiến nghị cho phép dùng 10.000 tỉ đồng từ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để bù. Nhưng trong chỉ đạo thực hiện, Thủ tướng và Bộ Tài chính sẽ cố thu đúng, thu đủ để giảm việc sử dụng con số 10.000 tỉ đồng này,” ông Tuấn nói.
Bộ Tài chính sẽ đốc thúc để thu được 17.000 tỉ đồng, tức bằng 50%, trong con số nợ thuế là 34.000 tỉ đồng. “Một số doanh nghiệp có ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm, cố tình chiếm dụng khoản nộp ngân sách, như Liên doanh dầu khí Việt – Nga,” ông Tuấn nói.
Ông giải thích, lẽ ra năm 2014 khi giá dầu thô trên 104 đô la Mỹ/thùng, liên doanh này phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và quyền lợi nước chủ nhà là 86 triệu đô la Mỹ, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn không chịu nộp. “Bộ Tài chính sẽ tăng cường thanh kiểm tra doanh nghiệp… Còn ba tháng nữa (bộ) sẽ tập trung vào những doanh nghiệp có khả năng nộp. Phải đấu tranh khai thác đúng pháp luật, không tận thu nhưng phải công bằng. Không có lý gì (chúng tôi) không thực hiện được việc thanh tra các doanh nghiệp có rủi ro đặc biệt là doanh nghiệp đòi hoàn thuế,” ông nói.
Ông cho biết, Bộ Tài chính đã lập năm đơn vị chống chuyển giá chuyên trách tập trung vào các doanh nghiệp lớn, liên kết có dấu hiệu chuyển giá. “Chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt nhất chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính để thu ngân sách tốt nhất, quyết liệt nhất, đầy đủ nhất để giảm thiểu sử dụng 10.000 tỉ đồng để bù đắp thiếu hụt,” ông nói.
Đến cuối năm nay, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu thuế của 11.500 doanh nghiệp FDI thì năng lực chống chuyển giá của bộ sẽ cao hơn.
Trả lời câu hỏi, liệu tính toán của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh là NSNN chỉ còn [dư ra] 45.000 tỉ đồng là như thế nào, ông Tuấn giải thích, khi lập dự toán NSNN năm 2015, cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đều dự toán chỉ có khoảng 20.000 tỉ đồng vốn ODA được giải ngân, nhưng thực tế là có tới 50.000 tỉ đồng được giải ngân. Bên cạnh đó, có thêm 15.000 tỉ đồng do tăng bán đất, nên có con số 45.000 tỉ đồng [dư ra] mà Bộ trưởng Vinh nói từ hai nguồn tăng thêm này.
“Nếu tính đủ 50.000 tỉ vốn vay ODA thì thì nợ công là 63,2% GDP năm 2016, trong ngưỡng an toàn, dù hơi cao,” ông cho biết.