Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Năm 2013 chính sách tài khóa sẽ chặt chẽ, triệt để tiết kiệm
Chiều 28/1, Bộ Tài chính tổ chức gặp mặt, chúc mừng năm mới các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài Ngành, Thứ trưởng Vũ Thị Mai - Người phát ngôn Bộ Tài chính đã chia sẻ và nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính. Trong đó khẳng định, sẽ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; kiểm soát thị trường giá cả; đồng thời, tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.
Đặc biệt, ngành Tài chính sẽ tập trung phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu cấn đối NSNN 816.000 tỷ đồng; chi 978.000 tỷ đồng; mức bội chi không quá 4,8% GDP. Đi liền với đó, phải tiếp tục tái cơ cấu lại NSNN, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, đảm bảo an ninh tài chính, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Xây dựng và triển khai dự toán NSNN gắn với chiến lược, định hướng phát triển từng thời kỳ, đảm bảo tính bền vững của NSNN, phản ánh thứ tự ưu tiên trong phân bổ ngân sách đối với từng ngành, lĩnh vực. Thực hiện cơ cấu lại các khoản thu - chi, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ, kiềm chế lạm phát, duy trì ổn dịnh kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện huy động, khai thác các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, năm 2013 ngành Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí theo hướng giảm dần nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp và người dân. Đi liền với đó là, tăng cường công tác chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, chống chuyển giá; đẩy mạnh thanh, kiểm tra thuế, nhất là các lĩnh vực, khoản thu có khả năng thất thu cao; xây dựng, hoàn thiện các dữ liệu về thuế; tăng cường chế tài thực thi pháp luật về thuế; đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyền truyền về thuế cho cộng đồng xã hội. Đồng thời, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; đánh giá, kiến nghị giải pháp phù hợp đối với chính sách động viên, huy động, sử dụng các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, công sản. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu, xây dựng, thực hiện lộ trình cải cách phù hợp về chính sách phí sử dụng kết cấu hạ tầng theo hướng đảm bảo khả năng thu hồi chi phí đầu tư để đẩy mạnh huy động vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài vào các dự án cơ sở hạ tầng.
Đối với lĩnh vực chi ngân sách, ngành Tài chính sẽ quản lý chặt chẽ, đảm bảo theo đúng dự toán được phê duyệt, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi tổ chức lễ hội, hội nghi, hội thảo, mua xe công, chi phí công tác trong và ngoài nước để ưu tiên cho nhiệm vụ quan trọng. Rà soát hiệu quả sử dụng vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí tỷ trọng vốn giữa chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển, ưu tiên chương trình nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Thu hồi các khoản tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn an toàn; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay về cho vay lại và bảo lãnh của chính phủ. Từ đó, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính, NSNN, minh bạch hóa chi tiêu NSNN và đầu tư công.
Đối với công tác kiểm soát thị trường và quản lý giá, sẽ điều hành nhất quán theo cơ chế thị trường, minh bạch, công khai hóa chi phí, giá sản xuất, tiệu thụ đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công; tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với những mặt hàng Nhà nước duyệt giá, những mặt hàng sản xuất theo đơn đặt hàng từ NSNN; nâng cao công tác dự báo diễn biến để chủ động có giải pháp trong quản lý điều hành, nhằm duy trì mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng tăng không qúa 8% trong năm 2013.
Bên cạnh các nhiệm vụ về quản lý, điều hành, ngành Tài chính sẽ đặt trọng tâm vào nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; chủ động nghiên cứu, đề xuất chính sách giải quyết hàng tồn kho; nghiên cứu chính sách thuế phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa, khuyến khích đầu tư; tiếp tục các giải pháp giảm nợ xấu, cơ cấu lại các khoản nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã hoàn thành các công trình, dự án nhưng vốn ngân sách nhà nước chưa thanh toán. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phát triển; hoàn thiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hệ thống Ngân hàng Phát triển và các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai mong muốn được các cơ quan thông tấn báo chí, nhất là phóng viên kinh tế tích cực phối hợp với ngành Tài chính đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm đưa các chính sách tài chính của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống.