Thủ tướng Bỉ từ chức: Khủng hoảng mới

Theo Ngọc Khánh/daibieunhandan.vn

Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã đệ đơn từ chức, sau khi Chính phủ không nhận được sự ủng hộ của các đồng minh cánh hữu trong Chính phủ liên minh trung hữu đối với Hiệp ước Toàn cầu về di cư của Liên Hợp Quốc. Bất đồng về chính sách nhập cư đang đẩy Vương quốc Bỉ đối mặt với khủng hoảng chính trị mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lời kêu gọi không được lắng nghe

Thủ tướng Charles Michel, người lãnh đạo Chính phủ Bỉ kể từ tháng 10/2014 đã thông báo quyết định từ chức­­­ sau khi không thể tìm kiếm đối tác liên minh,  kể từ khi mất sự ủng hộ của đảng Liên minh Flander mới (N-VA), do bất đồng liên quan tới Hiệp ước Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) của Liên Hợp Quốc.

Sự ra đi của đối tác chính trong liên minh cầm quyền bốn bên đã khiến Chính phủ của ông Charles Michel mất đa số tại Hạ viện Bỉ, do đảng N-VA chiếm tới 31/150 ghế tại cơ quan lập pháp. Nhà lãnh đạo 42 tuổi buộc phải quay sang tìm kiếm sự hỗ trợ của các đảng cánh tả khác để thành lập liên minh.

Trong nỗ lực cuối cùng nhằm duy trì quyền lực, ngày 18/12, Thủ tướng Michel đã kêu gọi các nghị sĩ đoàn kết và ủng hộ Chính phủ trong một vài vấn đề quan trọng, nhằm tiếp tục điều hành đất nước cho tới cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào tháng 5/2019. Tuy nhiên, lời khẩn cầu của ông Michel đã không được đáp lại. Quyết định từ chức của Thủ tướng Michel được đưa ra sau một tuần chịu sức ép lớn từ lời kêu gọi của một số đảng đối lập đòi tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nhà lãnh đạo này.

Hoàng gia Bỉ cho biết, Quốc vương Philippe đã nhận được đơn từ chức của Thủ tướng Michel và sẽ thảo luận với các cố vấn và lãnh đạo các chính đảng trước khi đưa ra quyết định về đơn từ chức này. Nhiều dự đoán cho rằng, Quốc vương có thể đề nghị Chính phủ tiếp tục điều hành đất nước ở chế độ tạm quyền, nhưng do quyền lực giới hạn nên điều này sẽ ngăn cản các nỗ lực của Bỉ trong siết chặt ngân sách và cải cách an sinh xã hội.

Ngoài ra, Quốc vương cũng có thể giải tán Nghị viện để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn trong vòng 40 ngày. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, việc tổ chức bầu cử trước thời hạn là khó xảy ra, trong bối cảnh Bỉ lên kế hoạch tiến hành bầu cử vào năm sau.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy

Bỉ hiện đang nắm giữ kỷ lục ở châu Âu về các cuộc khủng hoảng của Chính phủ. Từ sau cuộc bầu cử lập pháp tháng 6/2010 đến tháng 12/2011, vương quốc 11 triệu dân đã trải qua 541 ngày không có Chính phủ đầy đủ chức năng, do những mâu thuẫn không thể giải quyết giữa các đảng cánh hữu của cộng đồng nói tiếng Hà Lan và các liên minh cánh tả của cộng đồng nói tiếng Pháp. Bất ổn về chính trị đã gây không ít hậu quả về mặt xã hội và kinh tế.

Sự sụp đổ của liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ tự do và Thiên chúa giáo với những người theo chủ nghĩa dân tộc Flander của N-VA, do bất đồng về chính sách nhập cư cũng một lần nữa cho thấy thế mong manh trong liên minh cầm quyền ở Brussels. Theo Koert Debeuf, học giả và từng làm cố vấn cho Chính phủ Bỉ, việc N-VA dựa vào vấn đề nhập cư để rút lại sự ủng hộ Thủ tướng Michel chỉ là cách nhằm duy trì sự ủng hộ của những cử tri bảo thủ dành cho đảng này, trong bối cảnh Bỉ lên kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử vào năm sau.

N-VA, đảng theo chủ nghĩa dân tộc có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư do Thị trưởng Antwerp Bart De Wever lãnh đạo. Ban đầu, Hiệp ước này nhận được sự ủng hộ của cả bốn bên trong liên minh cầm quyền Bỉ.

Tuy nhiên, N-VA đã rút lại sự ủng hộ vào đúng đêm trước ngày Thủ tướng Charles Michel đến Marrakesh, Morocco, để ký kết Hiệp ước GCM của Liên Hợp Quốc, trong đó thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu đối với dòng người di cư. N-VA đã đưa ra một số điều kiện để tiếp tục ủng hộ Chính phủ của ông Michel, trong đó có yêu cầu mở các cuộc bàn thảo về hiến pháp. Tuy nhiên, Thủ tướng Bỉ cho rằng, những điều kiện trên không thể chấp nhận.

Mặc dù thoả thuận của LHQ không ràng buộc pháp lý, nhưng phe phản đối cho rằng GCM sẽ làm tổn hại chủ quyền của Bỉ. Cuối tuần qua, hàng nghìn người đã tiến hành biểu tình tại Brussels, nhằm phản đối Hiệp ước của Liên Hợp Quốc về di cư.

Không chỉ vấp phải sự phản đối tại Bỉ, hiệp ước toàn cầu về di cư còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và một số quốc gia khác, chủ yếu là những quốc gia Đông Âu bên cạnh Italy và Australia. GMC đưa ra 23 mục tiêu để tạo điều kiện di cư hợp pháp và quản lý tốt hơn các dòng di chuyển toàn cầu của 250 triệu người, chiếm 3% dân số thế giới. Những nước phản đối cho rằng, thỏa thuận này sẽ khuyến khích dòng người di cư, tạo thêm gánh nặng cho họ.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Bỉ diễn ra vào thời điểm nhạy cảm ở châu Âu, khi bảy quốc gia EU chuẩn bị bước vào bầu cử và Nghị viện châu Âu cũng sẽ được bầu lại vào năm 2019. Kể từ năm 2015, EU chật vật với sự gia tăng đột biến về người nhập cư, hầu hết chạy trốn cuộc chiến và tình trạng nghèo đói ở các nước Trung Đông và châu Phi.

Martin Conway, giáo sư lịch sử châu Âu tại Đại học Oxford cho rằng, quyết định từ chức của Thủ tướng Michel không chỉ cho thấy bất ổn trên chính trường Bỉ, mà cả khó khăn chung của các nhà lãnh đạo châu Âu ngày nay trong duy trì quyền lực trước sự trỗi dậy mãnh mẽ của làn sóng dân tuý và chủ nghĩa dân tộc trên khắp lục địa già.