Chứng khoán thế giới đồng loạt đi xuống vì Mỹ nâng lãi
Chứng khoán Nhật Bản lập đáy mới, hàng loạt thị trường châu Á khác cũng nối gót Mỹ đi xuống.
Tại Nhật Bản, thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á, chỉ số Nikkei 225 hiện giảm 2,8% xuống đáy 9 tháng mới. Kospi (Hàn Quốc) cũng mất 1,35%.
Mức giảm tại thị trường Trung Quốc nhỏ hơn. Shanghai Composite mất 0,82%, còn Hang Seng Index (Hong Kong) mất 1,13%. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương hiện giảm 1,08%. Hàng loại thị trường khác, từ Australia, Malaysia, Thái Lan, Singapore đang đi xuống.
Chứng khoán Mỹ hôm qua cũng giảm điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,54% xuống thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Wall Street đang hướng tới tháng 12 giảm mạnh nhất kể từ năm 1931 - đỉnh điểm cuộc Đại suy thoái.
Nguyên nhân của việc này là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng Mỹ thêm 0,25%, lên quanh 2,25-2,5%. Năm tới, họ dự định nâng lãi thêm 2 lần nữa.
"Tôi cho rằng Fed đã đánh giá thấp các yếu tố khác có thể ảnh hưởng lên thị trường. Thương mại là vấn đề đang được chú ý. Nhưng việc thắt chặt dần chính sách tiền tệ vẫn gây ra biến động trên thị trường gần đây. Với việc doanh nghiệp tiếp tục đi vay và chi tiêu nhiều, trong khi Fed lại giảm kích thích, tôi dự báo biến động sẽ còn kéo dài", Bob Baur - kinh tế trưởng tại Principal Global Investors nhận định.
Fed cho biết sẽ nâng lãi vài lần trong năm tới, có thể là 2 thay vì 3 như dự kiến trong cuộc họp tháng 9. Thay đổi này khớp với dự báo. Tuy nhiên, nó không đủ lớn để xoa dịu lo ngại của thị trường về việc kinh tế Mỹ giảm sút do căng thẳng thương mại, tác động của chính sách giảm thuế dần biến mất và thị trường tiền tệ dần thắt chặt với doanh nghiệp. Sau tin tức từ Fed, đồng đôla Mỹ tăng giá so với hầu hết tiền tệ lớn trên thế giới.
Trong khi đó, đồng nhân dân tệ lại yếu đi do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sáng nay quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay ngắn hạn. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng có động thái tương tự. Hôm nay, Ngân hàng Trung ương Anh và Thụy Điển cũng sẽ ra thông báo về chính sách tiền tệ. Cả hai đều được dự báo giữ nguyên lãi suất.