Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thường kỳ và hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương
Sáng 6/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2025. Phiên họp được trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết: Tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93% so với cùng kỳ. Đây là kết quả tích cực, cao hơn kịch bản tại Hội nghị Trung ương 10 đưa ra là 6,2 - 6,6%. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới, khu vực. Khu vực nông, lâm, thủy sản quý I tăng 3,74% so với cùng kỳ. Công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, trong đó công nghiệp tăng 7,32%; dịch vụ tăng 7,67%.
Tuy nhiên, tăng trưởng quý I vẫn thấp hơn kịch bản tại Kết luận 123 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, do tình hình thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, trong khi thời gian thực hiện chưa nhiều, đồng thời triển khai các nhiệm vụ quan trọng, phức tạp về sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng; tình hình giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháng 3 và quý I, một số nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo trong tháng 4 và thời gian tới; báo cáo chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 và báo cáo chỉ số cải cách hành chính của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã đi qua 1/4 thời gian của năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng mạnh mẽ, nhạy cảm. Với việc Mỹ công bố chính sách thuế quan đối ứng, căng thẳng thương mại leo thang, có thể gây đứt gãy chuỗi thương mại, cung ứng toàn cầu; các nước đã có phản ứng khác nhau, thị trường chứng khoán các nước sụt giảm; tác động mạnh đến tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, về việc này, ngay từ đầu năm, chúng ta đã chủ động thực hiện tất cả các biện pháp có thể làm. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành đã giao thiệp với phía Mỹ, trao đổi trên tất cả các kênh chính trị, ngoại giao. Đồng thời nêu rõ, đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng nhấn mạnh bài học càng khó khăn, thách thức, càng phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, giá trị cốt lõi, trí tuệ và văn hoá người Việt Nam. “Chúng ta vẫn phải giữ thái độ điềm tĩnh, cũng như bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam. Mỗi khi gặp khó khăn, mỗi khi gặp những vấn đề tạo ra những cú sốc từ bên ngoài, những vấn đề liên quan đến dịch bệnh, liên quan đến biến đổi khí hậu, liên quan đến các thiên tai... Chúng ta bình tĩnh để xử lý với một tinh thần văn hóa và trí tuệ Việt Nam. Sáng tạo, linh hoạt, phù hợp nhưng phải hiệu quả, đồng thời chia sẻ với các đối tác, nhất là việc hợp tác, thúc đẩy các thị trường khác, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm đa dạng hóa các chuỗi cung ứng với các khu vực khác”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý II và thời gian còn lại của năm 2025, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu ổn định, phát triển, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân. Trong đó, lưu ý những việc cần làm ngay, những việc trước mắt và lâu dài để có thể ứng phó với khả năng chiến tranh thương mại xảy ra, ứng phó chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ.
Coi đây là cơ hội để phấn đấu vươn mình, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu. Các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường đưa tin kịp thời, đẩy mạnh truyền thông chính sách; lưu ý rà soát, chọn lọc đưa tin phù hợp, không để những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của các lĩnh vực và cả nước; tạo đà, tạo khí thế, tạo sức mạnh nội sinh và sự yên tâm của các nhà đầu tư.
Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào cuộc tích cực để đạt tăng trưởng GDP 8% trở lên; đồng thời sắp xếp bộ máy, tổ chức lại các đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả... quá trình triển khai không được lơ là công việc; đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 57, Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị; tháo gỡ vướng mắc về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng phương án, kịch bản tăng trưởng quý II và các quý còn lại của năm nay, trình Thủ tướng trước ngày 20/4. Bộ Công Thương chủ trì đẩy nhanh sửa đổi, điều chỉnh Quy hoạch điện 8, trình Thủ tướng trước ngày 10/4; Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ các dự án, bảo đảm hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025; cơ bản hoàn thành Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 trong năm 2025…