Thủ tướng đang đối thoại với doanh nghiệp dân doanh
(Tài chính) Hôm nay (28/4), Thủ tướng chính thức có cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp dân doanh tại Hà Nội. Lần đầu tiên, ngoài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 4 vị phó thủ tướng và 9 vị bộ trưởng cũng tham gia cuộc gặp này.
Theo Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trước buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ, đã có hơn 300 kiến nghị được gửi về VCCI, trong đó đề cập đến rất nhiều vấn đề của môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong gần 3 thập niên vừa qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có trên 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong số đó có trên 3.000 doanh nghiệp nhà nước, gần 8 ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại khoảng 490 ngàn doanh nghiệp dân doanh, chiếm tỉ lệ 97-98% doanh nghiệp đang hoạt động.
Theo thống kê của VCCI, tăng trưởng GDP quý I/2014 ước đạt 4,96%, cao hơn cùng kỳ hai năm trước. Vì vậy, trong quý I/2014, số doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động trước đó nay đã quay trở lại hoạt động là 4.622 doanh nghiệp, tăng 48,9% so với quý IV/2013. Trong quý I/2014, cả nước có 18.358 doanh nghiệp đăng ý thành lập mới với số vốn đăng ký 97.983 tỷ đồng, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013.
Tính riêng trong tháng 3/2014, cả nước có 7.487 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 35.081 tỷ đồng, tăng 87% về số doanh nghiệp và tăng 82,9% về số vốn đăng ký so với tháng 2/2014.
Theo đánh giá của VCCI, doanh nghiệp dân doanh đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên đây giai đoạn mà các họ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sau một thời gian phát triển chủ yếu theo chiều rộng, khi môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, những yếu kém nội tại của doanh nghiệp Việt Nam đang bộc lộ ngày càng rõ. Nhiều doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường: số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động trong mấy năm gần đây rất lớn.
Cụ thể, trong quý I/2014, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc đăng ký tạm dừng hoạt động, hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 16.745 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3.846 doanh nghiệp đăng lý tạm dừng hoạt động tăng 7,8%; có 10.318 doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký, tăng 9,3%; 2.581 doanh nghiệp giải thể, tăng 13,6%.
Nhìn chung trong 2 năm trở lại đây, quy mô doanh nghiệp mới thành lập có xu hướng nhỏ đi. Do đó, việc tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập chưa đi kèm với việc tăng số lượng việc làm mới. Do đó, trong khối các doanh nghiệp dân doanh, thời gian qua không chỉ thiếu những doanh nghiệp dẫn đầu, mà còn thiếu cả các doanh nghiệp cỡ vừa, đủ sức tiếp cận với công nghệ mới và trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia.
Cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo bộ ngành, địa phương năm nay được tổ chức trong bối cảnh công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế đang được đẩy mạnh. Giới doanh nghiệp cùng các cơ quan chức năng tin tưởng sự kiện này sẽ tạo ra bước ngoặt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh cũng như nền kinh tế.
Dự kiến sẽ có 4 nhóm chủ đề là mối quan tâm chính của cộng đồng doanh nghiệp sẽ được trình bày và thảo luận tại Hội nghị, bao gồm: doanh nghiệp dân doanh với vấn đề tiếp cận tín dụng ngân hàng, các chính sách thuế và tiếp cận vốn thông qua các quỹ bảo lãnh, vấn đề tiếp cận thị trường, vấn đề tiếp cận đất sạch cho sản xuất kinh doanh.