Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đồng thuận tạo nên sức mạnh

Theo Trịnh Ngọc Lan (SBV)

Chiều 7/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng một số thành viên Chính phủ, trong đó có Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã tham dự họp báo Chính phủ thường kỳ, thông báo những thành tựu KT-XH năm 2009 và một số vấn đề dư luận đang quan tâm.

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định

Năm 2009, dù Việt Nam  tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gay gắt do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế lan rộng trên thế giới, tuy nhiên nhờ những chủ trương, quyết sách linh hoạt, ứng biến theo sát diễn biến tình hình  nên Việt Nam đã thực hiện có kết quả mục tiêu tổng quát của năm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia (trong và ngoài nước) Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng kép thể hiện ở tốc độ tăng GDP và chỉ số lạm phát. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 5,32%; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; an sinh và phúc lợi xã hội được coi trọng. Lạm phát đã được kiềm chế chỉ ở mức 6,52%. Theo thông báo của Bộ Kế hoạch và đầu tư thì giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong khó khăn vẫn có mức tăng trưởng cao hơn các thành phần kinh tế khác; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nămg tăng gần 12% và là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu bị giảm sút; Thu ngân sách gần đạt kế hoạch năm, trong đó một số khoản thu vượt khá cao so với dự toán như thu từ khu vực DNNN, phí xăng dầu và nhà, đất; Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 15,3% so với năm 2008; ; Năm 2009, Các chỉ tiêu hoạt động ngân hàng ở mức khá cao, nhưng hợp lý và cần thiết trong bối cảnh suy giảm kinh tế. Tổng phương tiện thanh toán: + 28,67%; Vốn huy động tăng 28,7%; Tín dụng đối với nền kinh tế: + 37,73%; Thực hiện vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 10 tỷ USD; Các nhà tài trợ đã cam kết tài trợ trên 8 tỷ USD cho Việt Nam, đạt mức kỷ lục từ trước đến này; Thị trường chứng khoán có dấu hiệu tăng điểm và phục hồi nhờ những tín hiệu tích cực từ tình hình kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp; An sinh và phúc lợi xã hội được quan tâm đặc biệt, người nghèo, công chức thu nhập thấp được hỗ trợ đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,3%...Chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Theo Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì năm 2009 kinh tế vĩ mô của Việt Nam  ổn định, thể hiện rõ nhất trong sự ổn định của hệ thống ngân hàng, hệ thống doanh nghiệp, các cân đối lớn cả nền kinh tế. Phát biểu với báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  cho rằng năm 2009 có rất nhiều khó khăn, thách thức nên những thành tựu đạt được là rất đáng trân trọng, rất đáng vui mừng. Thành tựu đạt được là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quản lý hiệu quả của Nhà nước, điều hành quản lý nỗ lực của Chính phủ. Toàn dân chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn. Trong khó khăn chúng ta tạo được sự đồng thuận, đây là nguyên nhân quan trọng nhất, không đồng thuận không tạo được sức mạnh.

Giải đáp nhiều vấn đề dư luận quan tâm

Trong cuộc họp báo chiều qua, các nhà báo đã nêu một số vấn đề mà dư luận quan tâm  đặc biệt.  Trong gần 10 câu hỏi của báo chí chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: nhập siêu, xuất khẩu khoáng sản thô, kết quả đấu tranh chống tham nhũng, cải cách và kỷ luật hành chính, xây dựng các thương hiệu doanh nghiệp dân tộc, giá cả than và điện, ùn tắc giao thông của hai TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh… Trả lời câu hỏi về việc liệu năm 2009 có phải là đỉnh điểm khó khăn nhất của Việt Nam không, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc nói năm 2009 là năm đầy thử thách, đặc biệt trong quý 1, năm 2009 là thời gian tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong chuỗi thời gian tăng trưởng của Việt Nam trong vòng 10 năm gần đây và đã có tháng có dấu hiệu suy thoái. Tuy nhiên, đến nay có thể nói Việt Nam đã vượt qua khỏi đáy của tăng trưởng thấp và ông tin rằng năm 2010 sẽ là năm Việt Nam dần vượt qua khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng cao. Liên quan đến kết quả nhập siêu năm 2009 ở mức bằng 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cao hơn chỉ tiêu 20%), bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết trong bối cảnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa thì đầu tư từ các nguồn lực là rất quan trọng. Các doanh nghiệp trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài khi triển khai các dự án cần nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị Việt Nam chưa sản xuất được và  nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu để sản xuất tiêu dùng nội địa và một phần chế biến hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó do đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao nhu cầu tiêu dùng cũng tăng hơn. Khi gia nhập WTO các nhân tố liên quan đến kinh tế đối ngoại ở Việt Nam đều phát triển nên nhập siêu trong khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu là lành mạnh và chấp nhận được. Tuy nhiên, năm 2010 Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công thương sẽ phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện các giải pháp để đảm bảo cân đối vĩ mô và thực hiện đúng các chỉ tiêu Quốc hội phê chuẩn. Giải pháp quan trọng nhất là tăng cường xuất khẩu và tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm; phát triển công nghiệp phụ trợ; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu hàng tiêu dùng không cần thiết; thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam... Trong cuộc họp báo Chính phủ, điều đáng quan tâm là  Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh đến vai trò của thông tin, tuyền truyền trong việc tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cần cung cấp thông tin cho báo chí đầy đủ,  kịp thời và đăng tin bài trên cơ sở lợi ích chung của đất nước.

Năm 2010 chưa hết khó khăn

Trên thế giới xu hướng phục hồi tuy khó có thể đảo ngược nhưng còn bấp bênh và ẩn chứa nhiều rủi ro, liên quan đến thị trường tài chính thì các nhân tố như: nguy cơ bong bóng tài sản mới và diễn biến thị trường tài chính-tiền tệ  vẫn phức tạp với những nhân tố như mất giá của đồng USD, sự kiện Dubai, tác động tâm lý trong bối cảnh phục hồi  kinh tế thế giới còn khá bấp bênh…. Những vấn đề mà Việt Nam sẽ phải tập trung giải quyết là là giải quyết vấn đề nhập siêu, tăng cường xuất khẩu, kiềm chế lạm phát, phát triển lành mạnh các thị trường bất động sản, chứng khoán, giải quyết việc làm và đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng cho các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, giải quyết vấn đề môi trường, chống tham nhũng và cải cách hành chính…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh năm 2010 Việt Nam chưa phải đã hết  khó khăn. Theo Thủ tướng, năm 2010 được xác định là năm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đó bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao hơn cả về số lượng và chất lượng, đồng thời ngăn ngừa lạm phát cao trở lại. Các cấp, các ngành cần phấn đấu hoàn thành toàn diện mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch 2010, phải tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: (i) Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. (ii) Tập trung mọi nỗ lực thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế. (iii) Giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, phấn đấu đạt được những bước tiến cụ thể trên các lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm này; (iv) Nâng cao năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đưa chính sách và mục tiêu phát triển thành hiện thực trong cuộc sống. (v) Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chủ trương chính sách, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội từ nhận thức đến hành động.

Thủ tướng nhấn mạnh cần xử lý tốt mối quan hệ giữa lãi suất tín dụng với tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế, quản lý tốt thị trường ngoại hối và nợ quốc gia; bảo đảm vốn và tính thanh khoản cho nền kinh tế phải đúng liều lượng. Tập trung mọi nỗ lực thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế. Cả Quốc hội và Chính phủ đều đã cùng nhận định năm 2010 là một năm nền kinh tế phải đối mặt với độ rủi ro và tính bất định sẽ còn lớn hơn năm 2009. Bài học trong điều hành đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn đúc kết là “Phải bám sát sự vận động của thực tiễn, diễn biến của thị trường, kịp thời điều chỉnh mục tiêu và giải pháp cho phù hợp khi tình thế đã thay đổi; đồng thời phải tổ chức chỉ đạo thực hiện khẩn trương và quyết liệt”.