Thủ tướng Nhật và “canh bạc” tài chính liều lĩnh nhất thế giới

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Nhật sẽ vẫn tiếp tục là nguồn thanh khoản cho kinh tế thế giới, đặc biệt là nhóm nước mới nổi tại châu Á vốn rất nhạy cảm với các đợt nâng lãi suất.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe - Ảnh: SCMP
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe - Ảnh: SCMP
Chiến thắng vang dội của Thủ tướng Nhật và liên minh đảng do ông dẫn đầu trong ngày Chủ Nhật vừa qua sẽ giúp cho ông tiếp tục có thể theo đuổi các chính sách kích thích kinh tế mà Ngân hàng Trung ương Nhật đã thực thi từ trước đó. 
Như vậy định hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật ngày một theo chiều hướng đối lập hoàn toàn so với Ngân hàng Trung ương các nước phát triển.
Theo các số liệu công bố gần nhất, tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã cải thiện, tuy nhiên lạm phát vẫn chưa đến gần mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ). 
Việc tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ đồng nghĩa với việc Nhật sẽ vẫn tiếp tục là nguồn thanh khoản cho kinh tế thế giới, đặc biệt là nhóm nước mới nổi tại châu Á vốn rất nhạy cảm với các đợt nâng lãi suất. 
“Tính trên phạm vi toàn cầu, chính sách tiền tệ của của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) sẽ giúp làm giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực từ việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thắt chặt chính sách tiền tệ”, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại ngân hàng HSBC Hồng Kông, ông Frederic Neumann, nhận xét. 
Việc tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, khác biệt hoàn toàn so với định hướng chính sách của nhiều nền kinh tế phát triển khác sẽ giúp cho đồng yên tiếp tục yếu đi, đẩy cao lạm phát bởi hàng nhập khẩu vào Nhật sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Đồng yên mới đây đã rớt xuống mức thấp nhất tính từ tháng Bẩy, thị trường chứng khoán Nhật tăng điểm không ngừng nhờ những đồn đoán về chiến thắng của ông Abe. 
Chiến thắng cách biệt của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng sẽ giúp cho chương trình kích thích kinh tế Abenomics tiếp tục được triển khai, đồng thời nó giúp cho khả năng thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật hiện tại – ông Yuki Masujima được tái bổ nhiệm tăng lên.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Goldman Sachs Nhật, ông Naohiko Baba, trong báo cáo công bố ngày thứ Hai chỉ ra thành công lớn nhất của ông Abe khi chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua chính là việc ông sẽ có thể thực thi được mục tiêu lạm phát mong muốn, giữ đồng yên yếu và giúp thị trường chứng khoán tăng điểm. 
Từ khi Thủ tướng Abe lên nắm quyền vào tháng Mười hai năm 2012, đồng yên đã giảm giá hơn 20% còn thị trường chứng khoán Nhật tăng gần gấp đôi.
Cựu thành viên ban điều hành Ngân hàng Trung ương Nhật, bà Sayuri Shirai, khẳng định rằng chiến thắng của ông Abe đồng nghĩa với việc ông Abe sẽ cản trở Ngân hàng Trung ương Nhật thu hẹp chương trình kích thích tiền tệ. Bà khẳng định đồng yên sẽ tiếp tục hạ giá xuống mức 120 yên/USD trong thời gian tới.
Cho đến nay, định hướng chính sách tiền tệ của Thủ tướng Shinzo Abe cũng phải đối diện với không ít chỉ trích. Bộ trưởng Nội vụ Seiko Noda trong tháng Tám đã thể hiện sự lo lắng về việc Ngân hàng Trung ương Nhật không ngừng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. 
Tính đến thời điểm hiện tại, quy mô bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Trung ương Nhật hiện đã gần gấp đôi quy mô kinh tế Nhật, không ít chuyên gia đang đặt câu hỏi không biết đến khi nào định hướng chính sách tiền tệ mới được thay đổi theo hướng thu hẹp. Tuy nhiên nay khi ông Abe đã chiến thắng, chắc chắn rằng những người có ý kiến đối lập sẽ tạm thời không thể tiếp tục lên tiếng.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của ING Bank ở Singapore, ông Rob Carnel, sự độc lập của BOJ với chính phủ Nhật là không cao: “Dù trên danh nghĩa độc lập với chính phủ, thế nhưng cho đến nay BOJ là một tác nhân vô cùng quan trọng trong định hướng chính sách kích thích kinh tế của chính phủ Nhật.”