Tận dụng dữ liệu trực tuyến để khai thác thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á
Khi hãng sản xuất tã DSG International (Thái Lan) muốn biết khách hàng của họ đang nghĩ gì, họ chuyển sang Lazada, một công ty thương mại điện tử do Alibaba Group Holding nắm giữ.
Ambrose Chan, giám đốc điều hành của công ty Thái Lan này cho biết: “Từ dữ liệu của họ, chúng tôi biết đôi khi các bà mẹ đã truy cập vào ban đêm, vì vậy chúng tôi có thể chạy khuyến mại khi chúng tôi biết khách hàng đang truy cập”.
Đông Nam Á là thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới, với 600 triệu người tiêu dùng từ Việt Nam đến Indonesia kể cả Singapore, nhiều người trong số họ là những người am hiểu về phương tiện truyền thông xã hội.
Những người này đang ngày càng dành nhiều thời gian và tiền bạc để mua sắm trực tuyến. Một nghiên cứu của Nielsen vào năm 2015 ước tính rằng tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á sẽ đạt tới 400 triệu vào năm 2020, gấp đôi năm 2012.
Theo dự đoán của công ty Frost & Sullivan, tổng giá trị thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ đạt tới 65,5 tỷ USD vào năm 2021, từ mức 14,3 tỷ USD năm ngoái. Công ty nghiên cứu Euromonitor dự báo việc bán lẻ qua Internet ở Indonesia sẽ tăng gấp đôi lên 6,2 tỷ USD vào năm 2021, còn Thái Lan sẽ tăng 85% lên 2,8 tỷ USD.
Các công ty hàng tiêu dùng, như Unilever và hãng mỹ phẩm Nhật Bản Shiseido, nói rằng sự bùng nổ thương mại điện tử cho phép họ thâm nhập sâu hơn vào các thị trường, còn nếu không thì sẽ khó tiếp cận và mở rộng thị trường một cách hiệu quả do mạng lưới bán lẻ và cơ sở hạ tầng nghèo nàn.
Ông Chan cho biết “Dữ liệu từ Lazada đã được sử dụng để định vị sản phẩm phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc khách hàng. Ví dụ, khách hàng Thái Lan thích mua tã giấy trong hộp đặc biệt, trong khi người Malaysia thích hàng được đóng trong từng gói nhỏ.”
Để tiếp cận nhiều khách hàng hơn và nắm bắt tốt hơn về hành vi mua sắm trực tuyến, các công ty hàng tiêu dùng đang xây dựng quan hệ đối tác với các công ty thương mại điện tử như Lazada và trang web thời trang Zalora.
Đầy tiềm năng
Một khách hàng đã click vào một sản phẩm 50ml có thể mua một sản phẩm nhỏ hơn 30ml, Pranay Mehra, phó chủ tịch thương mại điện tử và kỹ thuật số của Shiseido khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết và lưu ý rằng dữ liệu và kinh nghiệm bán hàng trực tuyến có thể giúp các công ty quyết định chính sách bán hàng, cách đóng gói và phân phối, và ảnh hưởng đến việc chọn địa điểm đặt cửa hàng.
“Dữ liệu này rất tiềm năng và rất sâu sắc, nếu được sử dụng đúng cách,” Mehra nói thêm.
Unilever, với các sản phẩm từ mayonnaise Hellmann đến xà phòng Dove, cho biết nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn đang tăng lên ở các thị trường đang phát triển như Indonesia và Việt Nam.
Anusha Babbar, Giám đốc Thương mại điện tử Unilever phụ trách khu vực Đông Nam Á và Châu Úc , cho biết: “Với tất cả các đối tác thương mại điện tử của chúng tôi, chúng tôi đang sử dụng dữ liệu để giúp tìm ra giải pháp sáng tạo để gỡ bỏ đi những rào cản chính do việc giao hàng gia tăng chi phí và thẻ tín dụng chưa được phổ biến rộng rãi ở các vùng sâu”.
Tập đoàn này làm việc với các cửa hàng tạp hóa trực tuyến RedMart của Singapore, Blibli của Indonesia và Tiki của Việt Nam, cho biết họ đã giới thiệu thương hiệu chăm sóc da của St Ives trên Lazada sau khi nghiên cứu dữ liệu tìm kiếm của khách hàng và nhìn thấy một xu hướng tiêu dùng các sản phẩm tự nhiên.
Dữ liệu và Logistics
“Các nhà bán lẻ truyền thống sẽ phải mất rất nhiều công sức mới tìm ra được hành vi của khách hàng”, Alessandro Piscini, CEO của Lazada Thái Lan cho hay. “Còn chúng tôi có thể biết được một khách hàng đang mang thai từ hành vi tìm kiếm của họ.”
Lazada, ông nói, dự định sử dụng khoa học dữ liệu để giúp các nhà cung ứng của mình tùy chỉnh các dịch vụ cung cấp cho các nhóm khách hàng cụ thể dựa trên tuổi, giới tính và các sở thích khác.
Zalora, chuyên bán quần áo và phụ kiện trực tuyến trên thị trường Singapore, Malaysia và Indonesia, cho biết họ đang triển khai một vài dự án với một số thương hiệu để giúp họ hiểu khách hàng dựa trên dữ liệu.
Lazada và Zalora là hai trong số ít nền tảng thương mại điện tử hoạt động ở nhiều nước Đông Nam Á. Nhưng khu vực này đang trở thành một chiến trường mới khi Amazon và JD.com bắt đầu tiến công vào Singapore và Thái Lan.
Lazada Thái Lan sẽ tập trung vào việc hợp tác với các công ty hàng tiêu dùng nhanh để duy trì vị thế dẫn đầu của mình, ông Piscini cho biết, và Lazada cũng đang tiếp tục mở rộng mảng kinh doanh logistics của mình để chiếm lĩnh ưu thế trên thị trường.
Bán hàng trực tuyến vẫn đóng góp một phần nhỏ vào doanh số bán hàng của các công ty hàng tiêu dùng nhưng một số công ty địa phương lại vượt khỏi tầm các đối tác và chủ động đầu tư vào mảng thương mại điện tử của mình.
Nhà sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu của Thái Lan Saha Group đã chứng kiến doanh thu bán hàng trực tuyến của một số thương hiệu đã tăng gấp 10 lần kể từ khi bắt đầu hợp tác với Lazada vào tháng 6, nhưng mảng online cũng vẫn chỉ chiếm 1-2% tổng doanh thu. Tập đoàn Saha đang sử dụng dữ liệu thương mại điện tử để điều chỉnh các dịch vụ.
Chủ tịch Boonsithi Chokwatana nói với Reuters rằng: “Giờ đây thay vì chạy các chương trình khuyến mại theo mùa, chúng tôi thực hiện các chương trình khuyến mại theo thời gian thực cho khách hàng. Công ty chúng tôi có các sản phẩm bao gồm mì ăn liền, kem đánh răng và chất tẩy giặt, và hiện giờ chúng tôi đang đầu tư 2 tỷ baht để hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, bao gồm một kho hàng 21 tầng và một nhóm chuyên về big data”.