Thức ăn chăn nuôi thủy sản An Giang nâng cao hiệu suất thiết bị bằng công cụ TPM

Nguyễn Hiền

Nhằm nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm, Xí nghiệp Thức ăn chăn nuôi thủy sản An Giang đã áp dụng công cụ Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xí nghiệp Thức ăn Chăn nuôi Thuỷ sản An Giang là đơn vị có trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến, sản xuất các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.

Để thực hiện áp dụng công cụ TPM, Xí nghiệp thành lập nhóm TPM với các thành viên đến từ các bộ phận kỹ thuật, sản xuất, kiểm soát chất lượng, bảo trì của Xí nghiệp. Nhóm được đào tạo kiến thức về TPM. Tiếp theo, Xí nghiệp thực hiện thống kê dữ liệu để tính toán chỉ số OEE, chỉ số đánh giá hiệu quả tổng thể của thiết bị.

Kết quả đo lường cho thấy, chỉ số hiệu suất tốc độ và chất lượng là ổn định; riêng hệ số sẵn sàng đang ở mức thấp, ảnh hưởng lớn đến hiệu suất tổng thể của thiết bị; Một số giải pháp cải tiến được đề ra nhằm nâng cao hiệu suất tổng thể như xây dựng tiêu chuẩn tồn kho phụ tùng thay thế, sắp xếp và chuẩn bị công cụ hợp lý, chế độ kiểm tra máy móc và tiến hành hoạt động bảo trì tự quản.

Sau 3 tháng áp dụng TPM, hiệu suất thiết bị toàn phần OEE của Xí nghiệp đã tăng 6%, xây dựng được chế độ tự quản bảo trì bảo dưỡng máy móc, xây dựng sự phối hợp nhịp nhàng trong chăm sóc trang thiết bị, từ đó nâng cao năng lực sản xuất của đơn vị.

TPM - công cụ quản lý hiệu suất tổng thể là phương pháp quản lý được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản nhằm hướng tới sự đổi mới trong hoạt động bảo dưỡng thiết bị với sự tham gia của tất cả thành viên trong doanh nghiệp.