Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công
Chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025 (mục tiêu trước đây là 95%). Đồng thời, coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá cán bộ, nếu không hoàn thành thì phải kiểm điểm, xử lý.

Giải ngân cao hơn 18.000 tỷ đồng so với cùng kỳ
Theo báo cáo tại Hội nghị, với vào cuộc của hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi và đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một trong những giải pháp ưu tiên, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Cũng theo các báo cáo, ngay từ ngày 04/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 với tổng số vốn gần 829,4 nghìn tỷ đồng cho bộ, cơ quan và địa phương (đạt 100% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ để quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025). Đến ngày 30/4/2025, ước giải ngân chung cả nước là 128,5 nghìn tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%) nhưng về giá trị tuyệt đối cao hơn 18.000 tỷ đồng.
Có 10/47 bộ, cơ quan Trung ương và 36/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên trung bình. Trong đó, một số đơn vị được giao vốn lớn và có tỉ lệ giải ngân cao như: Bộ Quốc phòng (giao trên 23 nghìn tỷ đồng, giải ngân đạt 16,3%), Bộ Công an (giao 4,1 nghìn tỷ, giải ngân đạt 27,3%), Bộ Nông nghiệp và Môi trường (giao 22,3 nghìn tỷ đồng, giải ngân đạt 16,6%), Thanh Hóa (giao 13,3 nghìn tỷ đồng, giải ngân đạt 39,2%); Hà Nam (giao 10,6 nghìn tỷ đồng, giải ngân đạt 38,4%), Lâm Đồng (giao 7,24 nghìn tỷ đồng, giải ngân đạt 30,1%), Bà Rịa-Vũng Tàu (giao 13,8 nghìn tỷ đồng, lệ giải ngân đạt 26,6%). Giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia đạt 21,4% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (19,5%)…

Ảnh: VGP
Đáng chú ý, nhiều dự án, nhất là dự án quan trọng quốc gia trên toàn quốc được triển khai khẩn trương, trong đó, các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội… được ưu tiên bố trí vốn và tập trung triển khai.
Đặc biệt, cả nước đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và thông xe tuyến chính 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam...
Quyết tâm giải ngân đầu tư công đạt 100% kế hoạch
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thành Trung đã chia sẻ những vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công mà các địa phương đang gặp phải. Đơn cử, có những dự án mang tính đặc thù như công trình văn hóa thì chịu quy định của Luật Di sản nhưng quy định về xây dựng thì lại không có đặc thù về các công trình văn hóa. Tuy nhiên, địa phương nào có sự vào cuộc của người đứng đầu của cả hệ thống chính trị thì địa phương đó xử lý công việc rất tốt.

Về phân cấp, phân quyền, nếu như trước đây phần phê duyệt chủ trương đầu tư lên Thủ tướng Chính phủ thì trong Luật Đầu tư công hiện nay không còn một dự án nào để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nữa mà hoàn toàn phân quyền cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố dựa các địa phương để chịu trách nhiệm toàn bộ từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt, bố trí vốn, phân bổ vốn, thanh toán và quyết toán dự án. “Về việc điều chỉnh ngân sách, nếu như trước đây là từ Quốc hội xuống Thường vụ Quốc hội thì bây giờ đã đề nghị xuống Chính phủ để tạo điều kiện cho việc điều hành kế hoạch từ việc phân bổ, điều chỉnh. Toàn bộ vốn trước hạn trước đây Thủ tướng giao thì bây giờ cũng phân cấp hết xuống cho địa phương và Trung ương”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Trung khẳng định.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu, thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; từ đó thúc đẩy đầu tư công năm 2025.
Cùng với đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhằm tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; tạo không gian phát triển mới; giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào của hàng hoá; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
“Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bí thư và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đầu tư công với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền. Đồng thời, phối hợp thúc đẩy giải phóng mặt bằng, đặc biệt các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với sự chỉ đạo của người đứng đầu trong công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện nghiêm việc cấp mỏ vật liệu, hỗ trợ, điều chuyển vật liệu thông thường cho các dự án theo chỉ đạo”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định liên quan vốn ODA, sửa các quy định tránh thủ tục rườm rà, gây ách tắc các dự án; sửa đổi Luật đấu thầu theo hướng tăng cường trách nhiệm trong lựa chọn các nhà thầu, đấu thầu, song phải thông thoáng, dễ làm, đạt hiệu quả. Đặc biệt, phối hợp các bộ liên quan thực hiện phân cấp, phân quyền, giao cho các địa phương thực hiện các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án giao thông, nhất là các dự án giao thông kết nối trên nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của 7 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các tổ công tác của bộ, ngành, địa phương về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; phân công cụ thể lãnh đạo phụ trách từng dự án, nhóm dự án gắn với chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, liên quan, xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo ngay cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025, có 3.000 km đường bộ cao tốc, 1.000 km đường ven biển, khánh thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, khởi công tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng… “Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính rà soát lại các bộ ngành, cơ quan, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, trước mắt là nhiệm vụ giải ngân năm 2024 và các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng đã giao. Nếu chưa hoàn thành, phải xử lý, coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá cán bộ”, Thủ tướng yêu cầu.