Thúc đẩy hình thức đặt hàng dạy nghề
Đổi mới cơ chế phân bổ, giao dự toán ngân sách hàng năm cho dạy nghề theo hướng chuyển sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng hay giao nhiệm vụ theo kết quả đầu ra là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bài viết làm rõ thực trạng hoạt động của cơ chế này.
Theo số liệu của Tổng cục Dạy nghề, giai đoạn 2006-2014, Tổng cục Dạy nghề đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đặt hàng dạy nghề cho khoảng 23.770 chỉ tiêu, cụ thể như sau: Cao đẳng nghề là 5.796 chỉ tiêu; Trung cấp nghề là 17.734 chỉ tiêu; Sơ cấp nghề là 240 chỉ tiêu.
Kinh phí thí điểm đặt hàng dạy nghề gồm 3 nguồn chủ yếu là: Từ nguồn NSNN cấp cho cả khoá đào tạo được xác định dựa trên đơn giá ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với từng nghề cụ thể; Doanh nghiệp sử dụng lao động hỗ trợ thêm tối thiểu bằng 25% phần kinh phí NSNN cấp, các trường nhận đặt hàng dạy nghề có trách nhiệm báo cáo doanh nghiệp chủ quản hoặc doanh nghiệp thành viên (nơi trực tiếp sử dụng lao động) để xác định cụ thể số kinh phí hỗ trợ; Học phí được thu theo quy định hiện hành của Nhà nước được sử dụng để bổ sung nguồn kinh phí đào tạo cho các lớp nhận đặt hàng theo quy định về chế độ quản lý học phí hiện hành nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Tuy nhiên, đặt hàng dạy nghề thời gian qua mới chỉ dừng ở mức độ thí điểm, chưa triển khai đại trà được do chưa có khung giá dịch vụ trong lĩnh vực dạy nghề; chưa có định mức kinh tế kỹ thuật; chưa có tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, tiêu chuẩn lựa chọn nhà cung cấp đối với dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực dạy nghề; chưa có mẫu hồ sơ đấu thầu dịch vụ sự nghiệp công trong từng lĩnh vực dạy nghề…
Để thực hiện tốt chính sách trên, cần phải triển khai các nội dung sau: Triển khai cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo đối với các cơ sở dạy nghề cung ứng dịch vụ đào tạo một số ngành nghề trọng điểm, nghề đáp ứng nhu cầu cho các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; Đơn giá đấu thầu, đặt hàng hay giao nhiệm vụ phải được xây dựng trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí.
Do đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần ban hành theo thẩm quyền: Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật của từng nghề; Sớm ban hành Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực dạy nghề; Hoàn thiện các quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề, xếp hạng, kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề và chương trình dạy nghề.