Thúc đẩy hoạt động kinh tế đêm

Theo Giang Nam/nhandan.vn

Sau một thời gian bị đình trệ bởi dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế đêm của Hà Nội đã phục hồi mạnh mẽ, nhất là khi các hoạt động du lịch trở lại trạng thái bình thường mới. Nhiều tua du lịch đêm được đưa vào khai thác, thêm những không gian đi bộ ra đời… Một số đơn vị, địa phương khác đang gấp rút xây dựng những sản phẩm mới, hứa hẹn kinh tế đêm của Thủ đô sẽ có những bước chuyển mới.

Khách du lịch dâng hương trước thềm điện Kính Thiên trong tua đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long.
Khách du lịch dâng hương trước thềm điện Kính Thiên trong tua đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long.

Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2022, khi các hoạt động kinh tế, xã hội ở Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới, hàng loạt sản phẩm, dịch vụ kinh tế đêm như: Phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), Không gian ẩm thực và văn hóa phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), tua du lịch đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long, các "tua đêm" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò… đã được khai trương, hoặc được khai thác trở lại.

Nhiều sản phẩm, dịch vụ mới

Từ cuối tháng 4 đến nay, cứ dịp cuối tuần, không gian khu vực chung quanh thành cổ Sơn Tây lại nhộn nhịp bởi những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Từ 20 giờ thứ bảy, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra với mật độ dày đặc. Không gian quanh thành cổ được UBND thị xã Sơn Tây bố trí tám sân khấu trình diễn, trưng bày nghệ thuật, biểu diễn thể thao. Những du khách trẻ tuổi có thể thưởng thức các tiết mục khiêu vũ thể thao, ghi-ta đường phố, nhảy hip-hop…; các vị khách yêu văn hóa truyền thống được nghe các điệu hát văn, hát quan họ, tham quan gian hàng trưng bày đồ xưa…

Sau hơn một tháng hoạt động, phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây thu hút khoảng 10 nghìn khách mỗi tối. Trưởng Ban quản lý làng cổ Đường Lâm-Thành cổ Sơn Tây Nguyễn Đăng Thạo cho biết: "Chúng tôi cũng khá bất ngờ khi phố đi bộ duy trì được lượng khách ổn định. Ngoài khách của Hà Nội còn có rất đông khách từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ về tham quan. Tập trung đông nhất vào tối thứ bảy hằng tuần. Chúng tôi đang nỗ lực duy trì sức hút của phố đi bộ bằng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức giải đua thuyền tại khu vực hào nước bao quanh thành cổ".

Cũng từ cuối tháng 4, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội khai thác trở lại tua đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long". Khách du lịch được thưởng thức các điệu múa cung đình, được "thị vệ" và "cung nữ" do các bạn trẻ nhập vai hướng dẫn khám phá Hoàng thành Thăng Long. Khách sẽ có những trải nghiệm mới mẻ khi xem các hiện vật, các hố khai quật vào ban đêm với sự hỗ trợ của công nghệ ánh sáng; được tham gia hoạt động "giải mã" các câu đố về Hoàng thành Thăng Long…

Anh Phạm Minh Hiếu - Khách du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Khi tham quan Hoàng thành Thăng Long vào buổi tối, tôi rất bất ngờ bởi không khí hết sức linh thiêng, tạo cho mọi người một cảm giác đặc biệt". Tua "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" hoạt động vào tối thứ sáu, thứ bảy hằng tuần. Trung bình tua thu hút khoảng 130 khách/tối. Có hôm, Trung tâm phải dừng nhận thêm khách để bảo đảm chất lượng phục vụ.

Đến Hà Nội, khách du lịch còn một lựa chọn thú vị khác là trải nghiệm không gian di tích Nhà tù Hỏa Lò vào ban đêm. Hiện Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò khai thác chương trình "Sống như những đóa hoa", dẫn dắt khách du lịch tham quan, trải nghiệm di tích qua những câu chuyện về những người phụ nữ Việt kiên trung, bất khuất. Trưởng Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Bích Thủy cho biết: "Do giới hạn về không gian nên mỗi tối chúng tôi chỉ đón 85 khách, dù cầu đang vượt quá cung. Vé trải nghiệm tua thường bán hết rất sớm. Hiện tháng 7 chỉ còn vé cho một tối cuối tháng. Để đáp ứng yêu cầu của khách, chúng tôi đang xây dựng chương trình "Lửa thanh xuân", dự kiến ra mắt trong vài tháng tới".

Phát triển kinh tế đêm với Hà Nội là yêu cầu ngày càng cấp thiết khi nhiều khách du lịch coi thành phố là "điểm trung chuyển". Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết: "Hà Nội cần phát triển kinh tế đêm để kích thích khách lưu trú và chi tiêu. Vào ban ngày, du khách thường tham quan các di tích, danh thắng thì chỉ có ban đêm mới là thời điểm khách cần chi tiêu nhiều". Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Trong đó, giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. Hà Nội được chọn là một trong những địa phương triển khai thí điểm. Một số chính sách cởi mở hơn được ban hành, điển hình như cho phép kéo dài thời gian hoạt động một số loại hình dịch vụ đã từng bước gỡ khó cho kinh tế đêm. Trước đây, Hà Nội giàu tiềm năng kinh tế, nhưng nghèo sản phẩm. Điển hình như khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, từ 19 giờ, nhiều con phố như: Tràng Tiền, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Mã, Tạ Hiện, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến… trở nên đông đúc và náo nhiệt. Người đổ về khu vực này đa dạng, từ người dân Hà Nội đến khách du lịch trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, các hoạt động du lịch, dịch vụ chủ yếu là tự phát. Ngoài đến phố cổ, hồ Hoàn Kiếm đi bộ, uống cà-phê, thưởng thức ẩm thực, đi bar… khách du lịch có rất ít lựa chọn khác. Song, những năm gần đây, điều đó đã thay đổi, đặc biệt là giai đoạn hồi phục kinh tế hậu Covid - 19. Các không gian đi bộ tại khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm góp phần đưa Hoàn Kiếm thật sự trở thành "quận du lịch" khi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các hoạt động thương mại, dịch vụ được tổ chức quy củ và hấp dẫn. Tính trên toàn địa bàn, thành phố có bốn không gian đi bộ, tại các địa điểm: Hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, phố Trịnh Công Sơn, thành cổ Sơn Tây. Cùng với đó, những sản phẩm du lịch, dịch vụ khác đang giúp kinh tế đêm của Thủ đô đang dần được "thắp sáng".

Tạo hành lang cho kinh tế đêm

Những sản phẩm mới kết hợp các sản phẩm cũ đang dần định hình rõ nét hơn bức tranh kinh tế đêm của Hà Nội. Trong tương lai gần, thành phố sẽ có thêm nhiều sản phẩm khác. Thí dụ các tuyến phố đi bộ tại hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng), hồ Ngọc Khánh, đảo Ngọc Ngũ Xã (quận Ba Đình) và một phố đi bộ nằm ngoài đường vành đai 3 đang được các địa phương đề xuất triển khai.

Tại đây sẽ tập trung triển khai khai thác các hoạt động dịch vụ, du lịch vào buổi tối. Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chuẩn bị ra mắt tua khám phá Văn Miếu ban đêm, với nhiều ứng dụng mới về công nghệ… Đặc biệt, thành phố đang hoàn thiện Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm - "quận du lịch" của Thủ đô. Hoạt động kinh tế đêm tập trung vào các lĩnh vực: Dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; ăn uống; mua sắm; chăm sóc sức khỏe; du lịch... với các không gian tạo động lực phát triển gồm: Khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian đi bộ trong khu phố cổ; không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng-Gầm Cầu; tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ...

Mặc dù vậy, việc phát triển kinh tế đêm vẫn còn không ít vướng mắc. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: "Trong thời gian qua, Sở Du lịch đã phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các tổ chức triển khai các sản phẩm du lịch phục vụ kinh tế đêm và thu được kết quả khả quan. Nhưng đến nay chúng ta chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy khu vực này. Chúng ta cũng cần ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm".

Về phương hướng xây dựng chính sách, PGS. Nguyễn Ngọc Sơn - Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: "Việc xây dựng các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển. Đồng thời, tập trung nhiều vào cơ chế quản lý cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng nền tảng cho kinh tế ban đêm".

Hoạt động kinh tế đêm cũng nảy sinh khó khăn trong quản lý; bất cập về an ninh trật tự. Đầu tháng 5/2022 đã xảy ra việc hai nữ du khách Nga bị mất điện thoại tại khu vực phố cổ; một khách Hàn Quốc bị trộm tiền và thẻ visa rạng sáng 29/5 (sau khi tham gia các hoạt động du lịch đêm ở phố Lương Ngọc Quyến). Bên cạnh đó, là xung đột lợi ích giữa nhóm người khai thác kinh tế đêm với nhóm dân cư khác sống trong khu vực, khi bị ảnh hưởng bởi ánh sáng, tiếng ồn…

Do đó, song song kiểm tra, giám sát, nhiều chuyên gia cho rằng thành phố cần đẩy nhanh việc nghiên cứu, quy hoạch một khu kinh tế đêm chuyên biệt, để hạn chế thấp nhất những tiêu cực có thể xảy ra.