Thúc đẩy hợp tác lĩnh vực tài chính, kế toán và kiểm toán để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính

Huy Nguyễn

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng tại Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương khai mạc ngày 28/5/2024 tại Hà Nội.

Sự kiện do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức, diễn ra trong hai ngày 28 và 29/5. Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương là một sự kiện quan trọng, thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, học giả và nhà quản lý trong lĩnh vực quản lý, tài chính, kế toán và kiểm toán từ khắp khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục nổi lên như một trung tâm năng động, duy trì được xu thế tăng trưởng kinh tế cao so với thế giới, cùng những bước tiến mới trong hợp tác khu vực với trên 350 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được các nước trong khu vực ký kết.

Tuy nhiên, khu vực này cũng trở thành trọng tâm cạnh tranh chiến lược địa chính trị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát xung đột, đe dọa hòa bình và phát triển ổn định của khu vực. Trong bối cảnh đó, các nước càng cần phải tăng cường tình đoàn kết trong khu vực, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, trong những năm qua, cùng với quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và hiện trong nhóm 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới, 20 nước đứng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất, nhập khẩu.

Việt Nam cũng là một thị trường tiêu dùng quy mô ngày càng lớn với hơn 100 triệu người. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể, nợ công hết năm 2023 ở mức 37%GDP. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đến nay, Việt Nam đã tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó, 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu...

Cùng với tăng trưởng kinh tế, các vấn đề phát triển xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, đảm bảo môi trường cũng được chú trọng. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao.

Trong những tháng đầu năm 2024, Việt Nam vẫn duy trì được đà phục hồi kinh tế. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; tổng vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2% so với cùng kỳ. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 02 bậc. Đặc biệt, nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư mới; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới.

Cùng với đó là tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước... Tập trung thực hiện các sáng kiến, cam kết của Việt Nam tại COP28.

Nhấn mạnh vai trò của tài chính, kế toán và kiểm toán, Thứ trưởng Võ Thành Hưng khẳng định, đây là những cột trụ quan trọng định hình và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và khu vực. Do vậy, việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế và phát triển bền vững đòi hỏi sự đồng thuận và nỗ lực chung từ các quốc gia trong khu vực. Trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác nghiên cứu và phát triển các giải pháp tài chính sáng tạo sẽ giúp giải quyết những thách thức chung mà các quốc gia trong khu vực đang đối mặt và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

“Tôi tin rằng, việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán và kiểm toán không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, chia sẻ nguồn lực và thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế bền vững”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng khẳng định.

Ngoài ra, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cao năng lực nhân lực về kế toán, kiểm toán trên cơ sở thông lệ quốc tế là một yêu cầu thiết yếu trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Do vậy, Thứ trưởng cho rằng, các nước cần phải hỗ trợ nhau, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau để đảm bảo đạt được tiêu chuẩn quốc tế và có thể cùng nhau xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch.

Đồng thời, cần xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, đảm bảo các kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề được trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành cần thiết. Cần khuyến khích hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi những phương pháp đào tạo tiên tiến.

“Những cuộc thảo luận và hợp tác chặt chẽ tại Diễn đàn sẽ gợi mở về hướng đi, giải pháp, đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của khu vực và tạo ra một môi trường hợp tác quốc tế mạnh mẽ và bền vững hơn”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến những biến động đáng kể do sự tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ và các sáng kiến về bền vững. Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương sẽ đi sâu vào những xu hướng trên, mang tới góc nhìn toàn diện về cách chúng ảnh hưởng đến ngành Tài chính và xa hơn nữa.

 

Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương là cơ hội để các đại biểu cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các vấn đề chung và bàn giải pháp nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và kinh tế khu vực nói chung vượt qua khó khăn, thách thức, tăng trưởng và phát triển bền vững, hợp tác vì sự thịnh vượng chung của khu vực.