Phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước với hoạt động giám sát của Quốc hội
Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã cung cấp thông tin các kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, đồng thời thường xuyên tham gia các cuộc giám sát tối cao của Quốc hội; qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội.
Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong hoạt động giám sát của Quốc hội
Theo quy định của pháp luật, KTNN là cơ quan cung cấp thông tin thường xuyên về kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công để phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội. Đồng thời, tham gia hoạt động giám sát của Quốc hội khi có yêu cầu.
KTNN cho biết, hằng năm, cơ quan này xây dựng báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) làm cơ sở để Quốc hội thảo luận, phê chuẩn quyết toán NSNN của cả nước. Bên cạnh đó, qua kết quả kiểm toán, các kết luận, kiến nghị đã cung cấp nhiều thông tin, số liệu quan trọng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, xem xét phê chuẩn dự toán NSNN, phân bổ ngân sách trung ương, kế hoạch đầu tư công hằng năm và trung hạn 5 năm; quyết định các vấn đề quan trọng của Đất nước như phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia.
Đặc biệt, KTNN tham gia vào hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN đã cử Lãnh đạo KTNN, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tham gia vào các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các Đoàn giám sát về các kết quả kiểm toán do KTNN thực hiện.
Theo TS. Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN đã cơ bản bám sát chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội đã được KTNN tổ chức thực hiện thành các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành cùng tham gia hoặc lồng ghép trong các cuộc kiểm toán. Kết quả kiểm toán của KTNN đã cung cấp nhiều thông tin chính xác, khách quan, có giá trị cho công tác giám sát của Quốc hội.
Thông qua đánh giá việc tuân thủ pháp luật và chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán, KTNN đã kịp thời phát hiện các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để kiến nghị chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Nhiều kết luận, kiến nghị của KTNN được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sử dụng khi thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.
Đáng chú ý, các kết luận, kiến nghị của KTNN về hoàn thiện văn bản pháp luật đã góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế trong tiến trình phát triển của Đất nước, như: hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất; cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; công tác quản lý thu, chống thất thu thuế; công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa…
”Các kết luận, kiến nghị của KTNN cũng là nguồn thông tin quan trọng cho các cơ quan của Quốc hội khi tổ chức các phiên giải trình và đại biểu Quốc hội chất vấn tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, các thông tin kết luận, kiến nghị, thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN được công khai minh bạch cũng tạo điều kiện cho Nhân dân, cử tri tham gia thực hiện vai trò giám sát đối với toàn bộ hoạt động của chính quyền các cấp”, bà Nguyễn Thị Phú Hà nhận định.
Nâng cao hiệu quả của KTNN đối với hoạt động giám sát của Quốc hội
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, cũng như phát huy được vai trò của KTNN trong đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, trong thời gian tới, KTNN sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hoạt động giám sát của Quốc hội.
Theo đó, bám sát yêu cầu giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch kiểm toán hằng năm để kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của Đất nước phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của Đất nước.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức kiểm toán hằng năm khoa học, hiệu quả; giảm số cuộc, đầu mối kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán, tăng số lượng các cuộc kiểm toán quyết toán NSNN hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật NSNN và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; bố trí kế hoạch kiểm toán hợp lý để kịp thời và cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu kiểm toán phục vụ cho các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm chất lượng.
KTNN cũng thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự toán, quyết toán NSNN, tài sản công, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kiểm toán để rút ngắn thời gian kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả, chất lượng các báo cáo kiểm toán; tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán, bảo đảm tính toàn diện, tập trung kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động kiểm toán.