Thúc đẩy tiến trình số hóa tiền mặt tại các nước ASEAN


Ngân hàng Standard Chartered vừa xuất bản Báo cáo “Số hóa tiền mặt tại ASEAN – Ý nghĩa đối với các nhà quản lý nguồn vốn doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tương lai”. Đưa ra những nhận định phản ánh chân thực về tiến trình số hóa tiền mặt tại các nước ASEAN, Báo cáo khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng cường ứng dụng các kênh số hóa, như vậy mới có thể đẩy nhanh tiến trình, sớm đưa ASEAN trở thành thị trường phi tiền mặt.

Thách thức đối với tiến trình số hóa tiền mặt

Theo Standard Chartered, hoạt động phát triển công nghệ thanh toán tức thì tại các nước ASEAN hiện đang có nhiều chuyển biến tích cực. Để thu hẹp khoảng cách về công nghệ số, các ngân hàng trong khu vực đã, đang tăng cường đầu tư nhằm cung cấp thêm nhiều dịch vụ sáng tạo.

Nghiên cứu của tổ chức ACI Worldwide trong năm 2018 cũng đã chỉ ra rằng, 64% các tổ chức tài chính tại ASEAN có kế hoạch đầu tư để phát triển và hiện đại hóa hạ tầng thanh toán trong 2 năm tới.

Thực tế, các giải pháp số hóa đang tái định hình cách thức các nhà quản lý nguồn vốn vận hành trong hệ thống tài chính. Công nghệ mới đã tác động, làm thay đổi quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các dịch vụ ngân hàng. Năng lực thanh toán tức thì đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả quản lý dòng tiền của hệ thống ngân hàng.

Nghiên cứu về mức độ số tiền mặt tại các nước ASEAN, báo cáo của Standard Chartered cho biết: Tiền mặt hiện nay vẫn chiếm hơn 70% các giao dịch tại Phillipines và Indonesia; 43% tại Singapore (Paypal 2017). Các giao dịch thanh toán bằng Séc vẫn được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia ASEAN…

Trước bối cảnh đó, chuyên gia phân tích của Standard Chartered nhận định: Mặc dù, ASEAN chưa thể trở thành thị trường phi tiền mặt trong ngày một ngày hai, song các giải pháp do công nghệ mang lại đều đã khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp ứng dụng các kênh số hóa.

“Việc triển khai các giải pháp thanh toán tức thì ở hầu hết các thị trường ASEAN sẽ giúp cho việc luân chuyển dòng tiền trở nên nhanh chóng, đơn giản và hiệu quả hơn. Hạ tầng thanh toán bù trừ trong dịch vụ thanh toán tức thì đang trở thành nền tảng cho nhiều giải pháp sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực”, báo cáo của Standard Chartered nhấn mạnh.

Dư địa trở thành thị trường phi tiền mặt

Trong thời đại số hóa ngày nay, các nhà quản lý nguồn vốn có thể tăng cường hiệu quả kinh doanh và thúc đẩy sự kết nối trong doanh nghiệp thông qua việc nắm bắt và áp dụng công nghệ mới. Đặc biệt, những người đi trước trong việc tiên đoán về những thay đổi sẽ sẵn sàng hơn để tạo ra những giải pháp phù hợp cho tương lai.

Hơn nữa, theo ước tính của Standard Chartered, việc sử dụng các máy gửi tiền tự động sẽ làm giảm chi phí xử lý tiền mặt trên tổng số tiền mặt cần được xử lý xuống xấp xỉ 0.5% - 1% từ mức 2% - 2.5% (phương pháp thu tiền truyền thống).

Nhận thức được vai trò của số hóa tiền mặt, tại Việt Nam các ngân hàng thương mại đã chủ động đầu tư, ứng dụng các công nghệ mới; hợp tác với các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử trong khu vực để hỗ trợ các giao dịch thanh toán trên nền ví điện tử ở thị trường nội địa cũng như các giao dịch xuyên biên giới.

Cụ thể tại Việt Nam, hiện nay đã có khoảng 20 ứng dụng ví điện tử như: Ví Việt, Zalo Pay, 123Pay, Bảo Kim, Bankplus, MoMo, Payoo, Wepay… Nhiều đơn vị nước ngoài như Samsung Pay, Alipay, Amazon cũng đã vào thị trường Việt Nam để khai phá tiềm năng to lớn này.

Riêng đối với Standard Chartered, ngân hàng này cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ này để giúp các doanh nghiệp các nước ASEAN cải thiện quy trình nhờ thu và cung cấp trải nghiệm khách hàng có tính kết nối cao hơn. Thông qua sự hợp tác với MoMo, ví điện tử lớn nhất Việt Nam, Standard Chartered đã hỗ trợ chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phát triển thực hiện các giao dịch thanh toán phi tiền mặt với các khách hàng đã có hoặc chưa có tài khoản ngân hàng…

Những đánh giá ban đầu cho thấy, các sáng kiến số hóa đang mang đến nhiều cơ hội cho các nhà quản lý nguồn vốn doanh nghiệp trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động trên tất cả các khía cạnh của công tác quản lý nguồn tiền và tính thanh khoản; giúp tối ưu hóa nguồn vốn lưu động và cải thiện môi trường kiểm soát và quản lý rủi ro.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng giá trị các giao dịch thông qua ví điện tử  năm 2017 đạt hơn 53 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD), tăng 64% so với năm 2016. Với định hướng sử dụng các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt để giảm tỷ lệ các giao dịch bằng tiền mặt xuống dưới 10% trong giai đoạn 2016-2020, dịch vụ thanh toán thông qua ví điện tử được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Để sớm trở thành thị trường phi tiền mặt, các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nhà quản lý nguồn vốn sẽ phải quyết liệt hơn nữa trong việc chuyển đổi, đầu tư ứng dụng công nghệ số để nắm bắt và tận dụng các công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của doanh nghiệp cũng như của thị trường.