Thanh toán không dùng tiền mặt: Làm sao để chống gian lận thuế?

Theo Văn Giáp/bnews.vn

Việc sử dụng tiền mặt để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ sẽ khiến cho quản lý thuế gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu cơ sở để kiểm tra, kiểm chứng.

Tiêu chuẩn cơ sở QR code được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại áp dụng.
Tiêu chuẩn cơ sở QR code được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại áp dụng.

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới mức 10% vào cuối năm 2020 và xuống 8% vào cuối năm 2025. 

Sau gần 6 năm thực thi Nghị định 101/2012/NĐ - CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ trọng này mới giảm được từ 12,01% xuống trên 11% vào cuối năm 2018.

Việc sử dụng phổ biến tiền mặt trong các giao dịch kinh tế tại Việt Nam đang tạo môi trường phát sinh kinh tế ngầm và trốn thuế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các cơ quan quản lý cần phải đưa ra các chính sách, giải pháp hữu hiệu để tránh thất thu thuế. 

Tác hại lớn 

Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam, con số trên 11% thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay có vẻ như không phản ánh được thực trạng sử dụng tiền mặt vốn được nhìn nhận vẫn còn hết sức phổ biến. 

Vị chuyên gia này cho rằng, nếu sử dụng thước đo số lượt giao dịch thay cho giá trị giao dịch thì tỷ lệ các giao dịch sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế còn ở mức rất cao. Việc sử dụng tiền mặt để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ sẽ khiến cho quản lý thuế gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu cơ sở để kiểm tra, kiểm chứng. 

Ngoài ra, thanh toán tiền mặt còn tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế ngầm phát triển. Theo giới chuyên gia, những hoạt động hợp pháp nhưng được coi là nằm trong bộ phận kinh tế ngầm chính là những giao dịch bằng tiền mặt và không có hoá đơn. Những giao dịch này được thực hiện không có sự kiểm soát của Nhà nước để trốn thuế hoặc tránh bị các cơ quan kiểm tra phát hiện. 

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, đối với lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, dịch vụ thì việc thanh toán tiền mặt là điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân kinh doanh bán hàng có thể che giấu doanh thu, không kê khai, tính và nộp thuế cho Nhà nước. 

Đối với hầu hết các lĩnh vực kinh doanh khác, thanh toán không dùng tiền mặt tạo cơ hội để một số doanh nghiệp hạch toán và kê khai tính thuế theo giá bán thấp hơn giá trị thực bán nhằm trốn thuế. Thêm vào đó, thanh toán tiền mặt cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi mua bán hóa đơn (mua hóa đơn khống không có hàng hóa, dịch vụ) để trốn thuế. 

Hướng tới nền kinh tế không tiền mặt 

Những tác động của việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch kinh tế đang có ảnh hưởng tiêu cực đối với việc quản lý thuế, đặt ra yêu cầu cho cơ quan quản lý phải đưa ra được chính sách, giải pháp hữu hiệu. 

Một trong những giải pháp đó là phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Theo PGS. TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, nền kinh tế không tiền mặt là một trong những yếu tố quan trọng nhất về tính minh bạch của các hoạt động kinh tế nên có nhiều lợi ích về quản lý thuế cho Nhà nước và người nộp thuế. 

Theo đó, nền kinh tế không tiền mặt giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ các giao dịch kinh tế để đảm bảo xác định đúng nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, giảm thiểu hành vi bán hàng, nhưng không kê khai thuế. Kinh tế không dùng tiền mặt còn góp phần giảm thiểu các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực quản lý thuế. 

Đối với người nộp thuế, thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm chi phí giao dịch và chi phí tuân thủ thuế; giảm thiểu những rủi ro khi giao dịch tiền mặt. Tuy vậy, một bộ phận người nộp thuế không ủng hộ thanh toán không dùng tiền mặt do có động cơ lợi dụng thanh toán tiền mặt để trốn thuế. 

Thực tế, cơ quan quản lý đã rất nỗ lực tránh thất thu thuế trong khi văn hóa sử dụng tiền mặt vẫn đậm nét trong các giao dịch kinh tế. 

Theo đó, tại Nghị định số 222/2013/NĐ - CP ngày 31/12/2013 về thanh toán bằng tiền mặt; Thông tư số 09/2015/TT - BTC ngày 29/01/2015 hướng dẫn về các giao dịch tài chính của doanh nghiệp quy định các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác; các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau. 

Bên cạnh đó, các văn bản trên cũng quy định một số trường hợp khác thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng; hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền, cấn trừ công nợ qua người thứ ba; hàng hoá, dịch vụ mua vào được thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng. 

Tại Khoản 1 Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013 quy định đối với hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt mới được xem là đủ điều kiện được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, với quy định này PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm được cách để lách luật. 

Có 2 cách cơ bản để doanh nghiệp lách luật trong trường hợp này. Cách thứ nhất là chia nhỏ khoản mua hàng lớn ra thành nhiều khoản mua nhiều lần trong nhiều ngày khác nhau. Cách này rất hạn chế vì không phải khoản mua hàng nào cũng có thể chia nhỏ được. 

Cách thứ hai chủ yếu liên quan đến hành vi mua bán hóa đơn để trốn thuế. Theo đó, người mua hóa đơn sẽ cùng người bán đến ngân hàng để thực hiện giao dịch chuyển khoản và nhận lại ngay bằng tiền mặt. Theo cách này thì phải tốn kém thời gian và nhân lực cho giao dịch gian lận. 

Như vậy, có thể thấy quy định về điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt để được xác định chi phí được trừ và khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đã có tác động tích cực ngăn ngừa gian lận thuế nhưng không thể loại trừ hoàn toàn các hành vi gian lận. 

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, để đảm bảo hiệu quả quản lý thuế trong điều kiện nền kinh tế tiền mặt thì phải tăng cường quản lý sử dụng hóa đơn, đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử và chú trọng kiểm tra các giao dịch bất thường của người nộp thuế. Đồng thời, các cơ quan liên quan phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác để tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. 

Thực tế, Chính phủ cũng đang rất nỗ lực trong việc hướng tới nền kinh tế không tiền mặt. Theo đó, Chính phủ vừa có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước quý III năm 2019 phải báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; xác định hạn mức số tiền tối đa nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hàng tháng. 

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code. 

Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản. 

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 222/2013/NĐ - CP về thanh toán bằng tiền mặt trong quý IV/2019. 

Bộ Tài chính cũng đang nỗ lực điện tử hoá trong quản lý thuế. Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ – CP ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, với mục đích công khai minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường giám sát của cơ quan chức năng./.