Thúc đẩy ứng dụng Blockchain: Minh bạch, hiệu quả
Để phát huy được tối đa hiệu quả, vấn đề trước mắt là cần xây dựng chính sách và pháp luật đối với quản lý và khai thác Blockchain.
Blockchain là cơ sở dữ liệu công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin, các thông tin bằng các khối được liên kết với nhau, ghi lại tất cả mọi giao dịch được diễn ra và tất cả mọi người có mặt trên hệ thống đều được thấy và có quyền xác minh tính chính xác của giao dịch đó.
Với tính năng ưu việt, góp phần công khai, minh bạch, chống gian lận, không chỉ trong ngành nông nghiệp, hiện nhiều ngành, lĩnh vực đang ứng dụng công nghệ Blockchain. Tuy nhiên, để phát huy được tối đa hiệu quả, vấn đề trước mắt là cần xây dựng chính sách và pháp luật đối với quản lý và khai thác Blockchain.
Tại hội thảo “Việt Nam Blockchain summit - từ công nghệ tới chính sách 2018”, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết, hiện nay Blockchain không chỉ được ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc, logistics, mà còn được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực khác bởi tính minh bạch và tiện lợi của nó.
Khi áp dụng Blockchain sẽ giảm được tối đa việc gian lận thông tin, bởi với đặc tính chống chối bỏ và chống lại sự thay đổi dữ liệu. Mọi thông tin trên blockchain đều được lưu trữ và bảo mật hiệu quả mà không một ai có thể can thiệp chỉnh sửa, thông tin chỉ được bổ sung khi có sự đồng thuận của tất cả các bên trong hệ thống…
Cụ thể, đối với lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, nếu ứng dụng công nghệ Blockchain, người dân sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Riêng về khâu phân phối trung gian, thì khi đến một đơn vị nào, đơn vị đó sẽ được định danh trên Blockchain, từng công đoạn sản xuất, chế biến sản phẩm đều được ghi lại. Khi có vấn đề xảy ra đối với sản phẩm nào đó, nhà sản xuất hoặc những đơn vị liên quan hoàn toàn có thể công khai hóa, minh bạch hóa, xác định rõ trách nhiệm của khâu nào trong hệ thống.
Đến với người tiêu dùng, cùng với con tem lưu trữ QR Code, người dân có thể quét mã này bằng điện thoại thông minh, cộng thêm công nghệ lưu trữ thông tin trên Blockchain, người dân hoàn toàn có thể biết được xuất xứ, quá trình vận chuyển, thời hạn sử dụng của sản phẩm - Giám đốc chiến lược Công ty TNHH Infinity Blockchain Labs (IBL) Đỗ Văn Long cho biết.
Thực tế hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều nhìn nhận ứng dụng công nghệ Blockchain như một sự thay đổi lớn, tạo sự minh bạch, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Đơn cử như các nước Thái Lan, Singapore đã dành nhiều kinh phí để đầu tư cho việc ứng dụng Blockchain vào các lĩnh vực như nông nghiệp; và với tham vọng sẽ sớm trở thành “Chính phủ Blockchain” trong tương lai gần, Ấn Độ cũng đang ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực quản lý đất đai… Còn tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ Blockchain còn chậm. Một trong những nguyên nhân là do chính sách để thúc đẩy cũng như quản lý còn thiếu.
Để phát triển thành công công nghệ Blockchain, các chuyên gia về công nghệ cho rằng, cần phải xây dựng được cơ cấu chính sách. Vì hiện nay, khuôn khổ pháp lý cho ứng dụng Blockchain tại Việt Nam mới chỉ mang tính thử nghiệm.
Khuôn khổ bước đầu tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sáng tạo của công nghệ Blockchain, cơ quan quản lý nhà nước có thời gian làm việc, trao đổi, chỉnh sửa các điều kiện pháp lý, vấn đề có liên quan tới công nghệ này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về công nghệ cho rằng, để quản lý và khai thác Blockchain hiệu quả, vẫn cần tiếp tục chủ động nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam để xem xét các khía cạnh pháp lý mà Blockchain có thể được quản lý như Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thông tin mạng...
Chính sách đó phải phù hợp để ứng dụng Blockchain trong quản lý hành chính công ở tương lai gần. Ví dụ như quản lý về điểm tín dụng, nếu ứng dụng Blockchain, dữ liệu sẽ được lưu trên nhiều hệ thống khác nhau, hạn chế tối đa việc “hack” thông tin, truy cập phi pháp.