Thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định thị trường
Theo thống kê từ Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 7 đạt hơn 327.600 tỷ đồng, tăng 1,19% so với tháng trước. Với mức tăng này, tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước trong 7 tháng đạt gần 2.248.900 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, các nhóm tăng khá là lương thực, thực phẩm, lưu trú, ăn uống tăng từ 10,7 - 11,6%; nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục là nhóm có mức tăng thấp nhất (tăng 4,84%).
Đáng lưu ý là các nhóm còn lại chỉ tăng 7,75 - 9,6%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ vẫn đạt mức tăng 8,7% (cao hơn mức tăng 6 tháng đầu năm và là mức tăng khá trong một số năm trở lại đây).
Các chuyên gia thương mại dự báo, trong tháng 8 và những tháng cuối năm, thị trường hàng hóa trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của mùa mưa bão gây tăng giá cục bộ. Giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới có xu hướng tăng.
Giá mặt hàng thực phẩm sau một thời gian giảm sâu sẽ tăng trở lại… Tuy nhiên, do nguồn cung duy trì tốt, việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý được phối hợp chặt chẽ nên mặt bằng giá hàng hóa sẽ không tăng nhiều.
Để bảo đảm tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng hóa cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, các chuyên gia đề xuất UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn các hộ dân không tái đàn ồ ạt khi giá tăng, đánh giá khả năng tiêu thụ và có kế hoạch chăn nuôi phù hợp để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu những tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng.
Riêng với mặt hàng đường, các doanh nghiệp cần giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thuế nhập khẩu gần như sẽ về 0% vào năm 2018 theo các cam kết hội nhập.