Phát triển thương mại điện tử trong quá trình hội nhập AEC

ThS. Phạm Thanh Bình - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Sự kiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập năm 2015 đã mở ra cơ hội và điều kiện thuận lợi mới cho ngành Thương mại điện tử của các quốc gia trong khu vực phát triển. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh. Trong bối cảnh Chính phủ có chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bắt kịp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lĩnh vực này dự báo sẽ có bước đột phá trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thương mại điện tử thực sự đi sâu vào hoạt động kinh tế giữa các nước, Việt Nam còn nhiều việc phải làm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phát triển thương mại điện tử tại các quốc gia AEC

Cùng với sự kiện thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, khu vực ASEAN nổi lên là một trong những thị trường thương mại điện tử hứa hẹn nhất trên thế giới. Tổng giá trị thương mại điện tử các thành viên ASEAN năm 2015 chiếm khoảng 0,8% và sẽ tăng khoảng 16 lần lên mức 6,4% vào năm 2025 (E-conomy SEA,  Temasek, 2015).

Dự kiến, đến năm 2025 các thành viên AEC có doanh thu từ thương mại điện tử trên 5 tỷ USD (trong đó dự kiến Indonesia có mức doanh thu lớn nhất khoảng 46 tỉ USD). Tính đến tháng 1/2017, trên 640 triệu cư dân của Đông Nam Á đều có một điểm chung - thích sử dụng công nghệ di động, với hơn 330 triệu người sử dụng internet, hơn 250 triệu người sử dụng điện thoại thông minh (Wearesocial, 1-2017).

Phát triển thương mại điện tử trong quá trình hội nhập AEC - Ảnh 1
 Thực tế cho thấy, thương mại điện tử ở khu vực ASEAN vẫn có nhiều khoảng trống để phát triển. Theo báo cáo năm 2016 do Temasek - Tập đoàn đầu tư quốc doanh của Singapore và Google công bố, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của lượng người sử dụng Internet trong khu vực được dự báo sẽ đạt khoảng 14% vào năm 2020, cao hơn 4% so với Trung Quốc và 1% so với Hoa Kỳ.

Lượng người mua sắm trực tuyến theo đó cũng gia tăng đáng kể. Theo Bain & Company, số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số hoặc những người ở độ tuổi trên 16 sử dụng thương mại điện tử đạt 150 triệu USD trong năm 2015. Trong số đó, khoảng 100 triệu người hoặc 75% thực sự mua hàng trực tuyến.

Việt Nam - Điểm nóng tăng trưởng thương mại điện tử

Tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2017, các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử khẳng định, Việt Nam sẽ là một trong số những điểm nóng tăng trưởng của thương mại điện tử trên thế giới. Thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Hà Nội cho thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có quy mô là 4 tỷ USD (tương đương gần 100.000 tỷ đồng).

Việc số lượng người dùng smartphone tăng lên nhanh chóng tại Việt Nam cũng tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của thương mại điện tử. Tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam là trên 70%, thậm chí ở các vùng nông thôn cũng lên đến trên 50%. Thống kê của Nielsen cho thấy trung bình mỗi người sử dụng Internet tại Việt Nam đang chi 160 USD/năm cho thương mại điện tử. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng thị trường của thương mại điện tử Việt Nam sẽ lên tới 22% hàng năm và tăng trưởng thương mại điện tử có thể lên đến 30-50%/năm trong thời gian tới. Dự báo, trong 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD.  

Phát triển thương mại điện tử trong quá trình hội nhập AEC - Ảnh 2
 

Bên cạnh những yếu tố và điều kiện thuận lợi, Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít rào cản, ảnh hưởng đến sự phát triển nhanh của thương mại điện tử như: Sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ; Lòng tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến còn thấp; Dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chưa theo kịp nhu cầu... Đặc biệt, dù có sự tăng trưởng khá nhanh trong thời gian gần đây, thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn đang ở dạng tiềm năng, kém xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Các chính sách và điều kiện hỗ trợ phát triển dịch vụ thanh toán điện tử yếu và thiếu; Trình độ phát triển kinh tế, xã hội còn thấp, trình độ công nghệ còn nhiều hạn chế; Thói quen thanh toán tiền mặt và sự thiếu tin tưởng của xã hội đối với thanh toán điện tử …

Phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong AEC

Từ thực trạng thương mại điện tử các nước ASEAN và thực tiễn phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay, để phát triển thương mại điện tử Việt Nam thời gian tới, cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho phát triển thanh toán điện tử. Trong đó, khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và sự giám sát hợp lý của Ngân hàng Nhà nước đối với hệ thống thanh toán điện tử là một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường lòng tin của người sử dụng và giới DN vào hệ thống thanh toán điện tử. Ngoài ra, cần tăng cường điều phối, hợp tác chính sách phát triển dịch vụ thanh toán điện tử trong nước và quốc tế, liên quốc gia, liên ngành.

Chính phủ cần đầu tư trực tiếp và có chính sách tiếp tục khuyến khích và thu hút đầu tư của xã hội, đầu tư tư nhân nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử. Tăng cường các chính sách khuyến khích phát triển các thị trường tiềm năng ứng dụng thanh toán điện tử như thị trường giao thông vận tải, logistic…

Thứ hai, các DN và các sàn thương mại điện tử cần tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin thanh toán điện tử. Với các sàn giao dịch thương mại điện tử cần tăng cường quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, có biện pháp ngăn chặn, xử phạt với các DN bán hàng giả, hàng nhái…. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và DN trong lĩnh vực thương mại điện tử cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các chính sách quy định hiện không còn phù hợp với sự phát triển thương mại điện tử.

Thứ ba, Chính phủ và các DN cần kết hợp với người tiêu dùng đẩy mạnh hoạt động truyền thông và giáo dục, hướng dẫn trong toàn xã hội để thanh toán điện tử trở thành phương tiện thanh toán quen thuộc với người dân cũng như đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ thanh toán điện tử nói riêng và thương mại nói chung.   

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2015 – Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, Bộ Công Thương;

2. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2017), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2017;

3. Quyết định 1563/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020;

4. Google and Temasek (2016), Báo cáo E-conomy SEA 2016.