Thực hiện ủy thác thanh toán thực hiện theo nguyên tắc nào?
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Thông tư quy định về việc ủy thác và nhận ủy thác trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán. Dự thảo này cũng đã đề xuất những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động ủy thác thanh toán.
Thông tư này quy định về việc ủy thác, nhận ủy thác của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và việc nhận ủy thác của tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) tại Việt Nam trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán bằng đồng Việt Nam cho khách hàng. Đặc biệt, Dự thảo Thông tư này còn quy định rõ 8 nguyên tắc thực hiện ủy thác thanh toán.
Thứ nhất, ủy thác thanh toán phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Thứ hai, bên ủy thác và bên nhận ủy thác phải có hệ thống thông tin kế toán quản trị đảm bảo theo dõi riêng được hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán thông qua việc ủy thác và nhận ủy thác thanh toán, đồng thời theo dõi và thống kê được các giao dịch thực hiện tại từng điểm ủy thác thanh toán.
Thứ ba, bên ủy thác chỉ được ủy thác cho bên nhận ủy thác thực hiện những nội dung ủy thác mà bên ủy thác được thực hiện và được ủy thác theo quy định tại Thông tư này.
Thứ tư, bên ủy thác phải thực hiện các biện pháp nhằm mục đích phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các loại rủi ro như rủi ro thanh khoản, hoạt động, lừa đảo, gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các rủi ro khác; bên ủy thác có trách nhiệm yêu cầu bên nhận ủy thác thực hiện các biện pháp của bên nhận ủy thác nhằm các mục đích quy định tại khoản này.
Thứ năm, bên ủy thác có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch do bên nhận ủy thác thực hiện với khách hàng trong phạm vi ủy thác và liên đới chịụ trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên nhận ủy thác nếu hành vi vi phạm có lỗi của bên ủy thác.
Thứu sáu, giao dịch do bên ủy thác thực hiện với khách hàng vượt quá phạm vi ủy thác không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của bên ủy thác đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi ủy thác; trong trường hợp này, bên nhận ủy thác phải thực hiện nghĩa vụ đối với khách hàng về phần giao dịch vượt quá phạm vi ủy thác.
Thứ bảy, bên nhận ủy thác chỉ được thực hiện giao dịch với khách hàng trong phạm vi ủy thác đã thỏa thuận với bên ủy thác phù hợp với quy định tại Thông tư này. Bên nhận ủy thác phải thông báo cho khách hàng biết vê phạm vi ủy thác của mình.
Thứ tám, trường hợp bên nhận ủy thác và khách hàng cố ý thực hiện giao dịch vượt quá phạm vi ủy thác mà gây thiệt hại cho bên ủy thác thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho bên ủy thác.