Thực phẩm ngoại chớp cơ hội từ FTA
Thực phẩm nhập khẩu không ngừng tăng, dòng vốn ngoại đầu tư vào chế biến thực phẩm ngày càng nhiều, nhất là khi Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ tiềm năng và có nhiều cơ hội mở ra cho khối ngoại từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Dẫn đầu 18 công ty thực phẩm của Canada (từ các tỉnh bang British Columbia, Alberta, Nova Scotia, Newfoundland và Labrador) đến gặp gỡ các đối tác nhập khẩu (NK) ở TP. Hồ Chí Minh mới đây, ông Keith Colwell - Bộ trưởng Nông nghiệp, Thủy Hải Sản tỉnh bang Nova Scotia, bày tỏ hy vọng có thể mang nhiều cơ hội xuất khẩu (XK) đến thị trường Việt Nam cho các công ty Canada, thông qua các cơ hội như cắt giảm thuế quan từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
“Miếng bánh béo bở”
“Hồi năm ngoái, XK nông nghiệp và hải sản của Canada đến Việt Nam đã kim ngạch đạt 312,7 triệu đô la Canada. Chúng tôi hy vọng có thể mở ra những thị trường mới như Việt Nam cho các sản phẩm cao cấp của Canada như hải sản, nông sản, và các loại đồ uống”, ông Keith nói.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, vị bộ trưởng của tỉnh bang Nova Scotia cho biết các doanh nghiệp (DN) thực phẩm của Canada đang muốn chuyển hướng tập trung mạnh vào thị trường Việt Nam sau thời gian chinh phục thị trường Trung Quốc. Hiệp định CPTPP là nguyên nhân chính yếu cho sự hào hứng chuyển dịch này.
Theo lý giải của ông Keith, Hiệp định CPTPP giúp các sản phẩm thực phẩm của Canada trở nên cạnh tranh hơn tại thị trường Việt Nam. Việc cắt giảm thuế quan giúp cho việc NK các sản phẩm nông sản thực phẩm, hải sản của Canada bớt đắt đỏ hơn so với trước.
Chẳng hạn, với các sản phẩm thịt đông của Canada XK vào Việt Nam, Bộ trưởng Keith Colwell nhận định sẽ có tương lai rất sáng lạn. Đặc biệt là khi những sản phẩm thịt được sản xuất tại Canada thường đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, không có dịch bệnh, lại nằm ở phân khúc chất lượng cao, hảo hạng, an toàn nên không dễ gì để các đối thủ khác có thể cạnh tranh.
Có thể thấy, thị trường thực phẩm Việt Nam đang được xem là “miếng bánh béo bở” cho nhiều loại thực phẩm NK và giới đầu tư nước ngoài khi các FTA đang mở ra không ít cơ hội.
Điển hình như việc NK thịt lợn. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã NK hơn 14.824 tấn thịt lợn các loại với tổng giá trị 29,177 triệu USD, vượt lượng NK của cả năm ngoái là 14.295 tấn các loại với tổng kim ngạch 23,625 triệu USD.
Việc thu hút vốn ngoại vào ngành thực phẩm cũng ngày càng trở nên sôi động. Theo giới chuyên gia, Việt Nam đã tham gia ký kết 13 FTA (trong đó có 12 FTA đã có hiệu lực) và đang đàm phán 3 FTA khác, nên dòng vốn FDI trong lĩnh vực này đã, đang và sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
TS. Frauke Schmitz- Bauerdick, Trưởng đại diện tại Việt Nam của Cục Xúc tiến thương mại và đầu tư CHLB Đức (GTAI Việt Nam), nhận định việc tham gia vào ngành chế biến thực phẩm càng trở nên quan trọng hơn với những cơ hội mới đang mở ra khi Việt Nam ký kết các FTA hiện đại. Đặc biệt là Hiệp định CPTPP và FTA Việt Nam - EU (EVFTA) mang đến những triển vọng lớn cho việc đầu tư vào ngành thực phẩm.
Chờ chuyển giao công nghệ
Ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển công thương (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương), cho biết phần lớn các dự án FDI vào lĩnh vực chế biến thực phẩm tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Tính đến nay, tổng số vốn của các DN FDI rót vào lĩnh vực chế biến thực phẩm ở Việt Nam ước đạt 11,2 tỷ USD với 717 dự án (không kể các dự án mà khối ngoại mua cổ phần hoặc tiến hành các hoạt động mua bán và sáp nhập).
Theo ông Minh, tỷ lệ đầu tư FDI vào ngành chế biến thực phẩm cũng có độ chênh lệch cao giữa các ngành nghề. Nhà đầu tư nước ngoài thường tập trung vào các dự án thu hồi vốn nhanh như chế biến nông sản, bia rượu - đồ uống, chế biến thuỷ hải sản.
Tuy nhiên, những DN FDI này ít hoặc chưa đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Do vậy, những ngành “hỗ trợ” cho chế biến thực phẩm như trồng trọt, chăn nuôi chưa được phát triển theo mô hình hiện đại, đạt chuẩn.
Chưa kể, dòng vốn ngoại trong lĩnh vực thực phẩm chủ yếu từ các nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và Trung Quốc... Các nhà máy này sản xuất và tiêu thụ ngay tại thị trường Việt Nam và dành một số cho XK.
Trong khi đó, sản phẩm của những quốc gia có ngành công nghiệp chế biến thực phẩm mạnh như Nhật Bản, Mỹ, Australia và EU không ngừng NK vào Việt Nam. Việc thu hút DN từ những nước này đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm còn khá khiêm tốn dù Việt Nam đã có những chính sách ưu đãi đầu tư tương đối hấp dẫn.
Ông Minh cũng chỉ rõ là nguồn nguyên liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được sản xuất của các DN FDI trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Đơn cử như ngành sữa chỉ đáp ứng được khoảng 25%, nguyên liệu dầu ăn phải NK 90%. Các nguyên liệu chính như Malt, hoa Houblon, chế phẩm Enzyn… chưa sản xuất được trong nước nên vẫn phải NK.
Theo giới chuyên gia, trong việc đầu tư của khối ngoại vào ngành thực phẩm cần có sự thúc đẩy chuyển giao công nghệ ở các nước phát tiển trong lĩnh vực chế biến, đóng gói, bảo quản nông, thuỷ sản. Đặc biệt là cần khuyến khích phát triển các vùng nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu chế biến, sản xuất của các nhà đầu tư ngoại.